Cơn sốt săn hàng Nhật nội địa
Cơn sốt săn hàng Nhật nội địa đang khiến nhiều chị em xôn xao mua sắm. Một tín đồ săn hàng Nhật nội địa cho rằng: “Hàng Nhật nội địa hấp dẫn vì hàng này thường tốt hơn hàng Nhật xuất khẩu”. Thực hư việc này ra sao?
Hấp dẫn vì lạ
Chị Oanh (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết thường đến mua thực phẩm dinh dưỡng, sữa, tã hàng Nhật nội địa cho con dùng vì sản phẩm mới lạ và chị cũng tin hàng Nhật an toàn.
Nhiều người tiêu dùng có suy nghĩ như chị Oanh nên hàng Nhật nội địa có đất tung hoành. Phóng viên gõ từ khóa “hàng Nhật nội địa”, chỉ trong vòng 0,7 giây, Google đã cho ra 5.520.000 kết quả liên quan từ các hình thức kinh doanh bán hàng qua facebook, web. Các cửa hàng này bán đủ loại sản phẩm, đặc biệt là có nhiều sản phẩm mới như: bột tỏi, viên rửa chén, viên giặt quần áo tiện lợi,…
Nhiều người chuộng mua hàng Nhật nội địa bất chấp giá cao; nhãn mác, chất lượng không rõ ràng
Cho đây là mảnh đất màu mỡ, ngoài trang web, một đơn vị tư nhân còn mở hẳn một cửa hàng lớn tại Q.1, TP.HCM để tăng lợi thế cạnh tranh với các trang online bán hàng Nhật nội địa.
Ghé cửa hàng này tầm 5 giờ chiều, chúng tôi thấy chỉ trong vòng một giờ đã có đến hơn 20 lượt khách mua sắm. Khách hàng đều chi khá mạnh tay, từ 300.000 cho đến bảy triệu đồng. Được lựa chọn nhiều nhất là các mặt hàng gia dụng, thực phẩm dinh dưỡng cho bé; mỹ phẩm, quần áo, đồ công nghệ.
Giá cao, mua có bạo?
Có thể thấy hầu hết, khách mua hàng Nhật nội địa phần lớn là người tiêu dùng ở phân khúc trung cao cấp. Để thuyết phục khách hàng, hầu hết người bán đều khẳng định: “Hàng Nhật nội địa có chất lượng hơn hẳn hàng Nhật nhập khẩu cho nên giá cao là tất nhiên”.
Một chiếc máy giặt sấy nội địa của Nhật.
Để chứng minh cho chúng tôi thấy chất lượng của son môi Nhật nội địa, một người bán hàng thoa son lên tay rồi dùng nhẫn bạc chà vào vết son và khẳng định: “Vết son không chuyển sang màu đen chứng tỏ son môi Nhật nội địa tốt, không chứa chì” (!?). Chủ cửa hàng Hoàng Quân, Q.1, TP.HCM dẫn chứng: “Hàng điện tử, gia dụng nếu so hàng Nhật nội địa với hàng Nhật nhập khẩu, chất lượng chênh nhau đến 10-6 nên giá cũng phải chênh theo”.
Có lẽ tự tin vào chất lượng hàng Nhật như thế nên hầu hết các trang mạng đều công khai giá bán sản phẩm, dù mức giá không hề thấp.
Tại một trang web, nồi cơm điện hiệu X nội địa loại 1,8 lít có giá 7,4 triệu đồng; trong khi đó, cũng nồi cơm điện X dung tích tương tự, thuộc hàng phổ thông, nhập khẩu chính hãng, giá chỉ 2,2 triệu đồng.
Cũng là muối, đường, bột ngọt, hạt nêm nhưng giá hàng Nhật nội địa lên đến 80.000-100.000 đồng/kg, gấp bốn-năm lần hàng sản xuất tại Việt Nam.
Chị Vân (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), băn khoăn: “Cháo dinh dưỡng có giá tới 60.000đ/gói nhưng tôi vẫn mua vì không có chất bảo quản”(?!).
Chất lượng thật sự tốt đến đâu?
Chị H.N. (Q.Bình Tân, TP.HCM) kể, nghe người bạn nói nồi cơm điện nội địa Nhật tốt, nấu cơm ngon nên chị cũng mua một nồi như thế ở một trang web. Về đến nhà, chị mới biết ổ điện tại nhà chỉ có hai chấu, không tương thích ba chấu như của sản phẩm (đặc trưng của nồi cơm nội địa Nhật).
Nồi cơm điện từ hàng nội địa Nhật.
Sau khi mua thêm ổ điện trung gian mới sử dụng được, lúc nấu, chị lại phát hiện mỗi lần chạm tay vào nắp nồi là bị điện giật nhẹ. Chị phải đổi sản phẩm đến ba lần nhưng vẫn gặp phải hàng lỗi. May mà người bán cũng chịu hoàn tiền lại cho chị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn hàng Nhật nội địa hiện nay đều là hàng xách tay do các cá nhân mua về bán lại. Vì vậy, chất lượng các sản phẩm này không được kiểm soát. Cũng vì vậy, theo quan sát của phóng viên, gần như 100% hàng bày bán không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.
Người mua thường phải chịu cảnh mù mờ thông tin về sản phẩm, chỉ trông cậy vào tư vấn của người bán. Song khi tư vấn cho chúng tôi, có người bán hàng còn ú ớ nói nhầm sản phẩm này sang sản phẩm khác.
Thiết nghĩ, tìm mua hàng chất lượng tốt là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng, nhưng để tránh rinh phải hàng trôi nổi, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm và đơn vị bán hàng, có nhãn mác rõ ràng trước khi quyết định mua.
Nói về chất lượng hàng điện tử nội địa Nhật, một nhân viên bán hàng của một hệ thống điện máy lớn tại TP.HCM, cũng cho biết: “Hiện nay, các mặt hàng điện tử, công nghệ Nhật nhập khẩu chính hãng về Việt Nam đều có chất lượng không thua kém hàng Nhật nội địa. Trường hợp nhiều nơi bán hàng giới thiệu hàng Nhật nội địa như thế là để đánh vào tâm lý nhằm thuyết phục khách mua hàng”.
Lý giải về việc không có nhãn phụ tiếng Việt, nhiều người bán cho rằng: “Hàng về sao, tôi để nguyên vậy mới bán được, chứ dán nhãn vào khách không mua vì không tin là hàng Nhật nội địa” (!?).
Khoảng 3-4 năm trước, các hệ thống cửa hàng chuyên doanh hàng Nhật đồng giá (40.000 đồng/sản phẩm) thu hút người tiêu dùng đến mua sắm. Sản phẩm ở đây đa dạng, tỉ mỉ và thiết thực.
Song sau một thời gian, các cửa hàng này đã không còn sức hấp dẫn như ban đầu vì trên thị trường, người tiêu dùng đã có nhiều lựa chọn hơn. Hơn nữa, với nhiều sản phẩm tại đây có dòng chữ “made in China”, dù được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản, vẫn làm nhiều người mua đắn đo, cân nhắc.
Điều 5, điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, quy định:
– “Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này…”.
– “Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều này.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)