Cửa hàng 1000 năm của bà Naomi Hasegawa – Lý giải về sự trường tồn của một doanh nghiệp Nhật Bản

Gia đình của bà Naomi Hasegawa 60 tuổi, có truyền thống bán bánh Mochi nướng trong một cửa hàng nhỏ, được làm bằng gỗ tuyết tùng bên cạnh một ngôi Đền cổ xiêu vẹo ở Kyoto.

Doanh nghiệp gia đình này đã hoạt động trên 1000 năm. Hiện tại dịch bệnh tàn phá kinh tế Kyoto khiến nguồn khách du lịch trọng yếu giảm đi, thế nhưng bà Hasegawa không quan tâm đến tài chính của mình. Giống như nhiều doanh nghiệp lâu đời khác ở Nhật Bản, cửa hàng Ichiwa của bà đặt truyền thống và sự ổn định lên trên lợi nhuận và tăng trưởng. Ichiwa đã tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, thảm hoạ tự nhiên và sự thăng trầm của các triều đại. Trải qua 1000 năm, món bánh Mochi nướng của cửa hàng vẫn giữ nguyên hương vị, không thay đổi.

Ảnh https://news.yahoo.com/japanese-shop-1-020-years-201224402.html

Các doanh nghiệp như vậy có thể kém năng động so với doanh nghiệp khác, nhưng sự trường tồn của chúng là bài học thực tế không nên bỏ qua. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đã buộc hàng ngàn công ty phá sản.

“Những cuốn sách về kinh tế luôn khuyên nhủ các doanh nghiệp phải tối đa hoá lợi nhuận, mở rộng quy mô, thị phần và tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên nguyên tắc hoạt động của của mỗi doanh nghiệp là hoàn toàn khác nhau”, Kenji Matsuoka – giáo sư danh dự về ngành kinh doanh tại Đại học Ryukoku ở Kyoto Nhật Bản nhận định.

”Ưu tiên số 1 của các doanh nghiệp lâu đời là tiếp tục hoạt động”- ông nói thêm. “Mỗi thế hệ giống như một tuyển thủ trong cuộc chạy đua tiếp sức. Điều quan trọng là phải chuyền được gậy cho người sau”.

Nhật Bản nổi tiếng với những doanh nghiệp tồn tại rất lâu. Đất nước này hiện là quê hương của hơn 33,000 công ty có từ 100 năm trở lên, chiếm hơn 40% tổng số công ty lâu đời trên thế giới. Hơn 3,100 doanh nghiệp đã hoạt động ít nhất 2 thế kỷ, khoảng 140 đã hoạt động hơn 500 năm và ít nhất 19 cơ sở kinh doanh tuyên bố rằng họ đã liên tục hoạt động kể từ thiên niên kỷ đầu tiên.

Không phải doanh nghiệp lâu đời nào cũng giống Ichiwa, có thể xác minh gốc gác của họ.

Ảnh https://www.nytimes.com/2020/12/02/business/japan-old-companies.html

Những doanh nghiệp kinh doanh hàng trăm năm tuổi được gọi là “shinise”, là niềm tự hào của địa phương. Chính quyền địa phương cũng như ngành du lịch tích cực quảng bá cho sản phẩm của họ. Ở Nhật cũng có sách dạy quản lý kinh doanh giải thích bí mật thành công của những doanh nghiệp lâu đời với nhiều case study để phân tích.

Hầu hết các doanh nghiệp cổ như Ichiwa là các cửa hàng nhỏ kinh doanh những mặt hàng truyền thống và do gia đình tự quản lý. Nhưng cũng có một số tập đoàn lớn như thương hiệu nước tương Kikkoman ra đời từ năm 1917 hay công ty Nintendo sản xuất trò chơi điện tử ra đời cách đây 131 năm.

Bà Naomi Hasegawa cho biết để tồn tại trong một thiên niên kỷ, một doanh nghiệp không thể chỉ chạy theo lợi nhuận. Họ phải hướng đến một mục đích cao cả hơn, trong trường hợp của Ichiwa là tâm niệm phục vụ khách hàng.

Những giá trị cốt lõi đó được gọi là “kakun”, tức tôn chỉ hoạt động gia đình. Nó giúp định hướng cho nhiều quyết định kinh doanh của các công ty qua nhiều thế hệ. Họ chăm sóc nhân viên của mình, hỗ trợ cộng đồng và cố gắng tạo ra sản phẩm đầy tự hào cũng như không ngừng truyền cảm hứng.

Ảnh https://www.nytimes.com/2020/12/02/business/japan-old-companies.html

Đối với Ichiwa, tôn chỉ của họ là chỉ làm một việc và làm thật tốt việc đó, một cách tiếp cận kinh doanh rất Nhật Bản. Công ty đã từ chối nhiều cơ hội mở rộng thương hiệu, bao gồm đề nghị kết hợp giao hàng trực tuyến từ Uber Eats. Mochi vẫn là món ăn duy nhất trong thực đơn, nếu du khách muốn uống gì đó, cửa hàng sẽ phục vụ thêm trà xanh rang.

Các công ty Nhật Bản tồn tại lâu đời cũng có đặc điểm chung là tránh xa rủi ro – một phần do các cuộc khủng hoảng mà họ đã trải qua trong quá khứ.

Đó là đặc điểm chung giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và là một phần lý do mà nước này cho đến nay vẫn tránh được tỷ lệ phá sản doanh nghiệp cao như Hoa Kỳ trong thời kỳ đại dịch. Tomohiro Ota, một nhà phân tích tại Goldman Sachs, cho biết ngay cả khi họ kiếm được một số lợi nhuận, họ không tăng chi tiêu vốn của mình.

Các shinise nhỏ thường sở hữu cơ sở của riêng họ (không phải trả tiền mặt bằng) và dựa vào nguồn nhân lực là các thành viên trong gia đình để giúp giảm chi phí lương, cho phép họ dự trữ tiền mặt. Khi Toshio Goto, giáo sư tại Trường Cao học Kinh tế Nhật Bản thực hiện một cuộc khảo sát vào mùa hè này về các công ty ít nhất 100 năm tuổi, hơn một phần tư cho biết họ có đủ vốn để hoạt động trong hai năm hoặc lâu hơn.

Ảnh https://www.nytimes.com/2020/12/02/business/japan-old-companies.html

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là hoạt động kinh doanh chưa từng bị đóng băng. Nhiều công ty bắt đầu trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17, khi Nhật Bản đóng cửa với thế giới bên ngoài để tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định. Nhưng trong nhiều thế kỷ qua, để tồn tại cần tìm được sự cân bằng giữa việc bảo tồn truyền thống và thích ứng với các điều kiện thị trường thay đổi nhanh chóng.

Một số doanh nghiệp chọn mở rộng mặt hàng cốt lõi. NBK, một công ty vật liệu bắt đầu sản xuất ấm đun nước bằng sắt vào năm 1560, hiện đang sản xuất thêm các bộ phận máy móc công nghệ cao. Hosoo, một nhà sản xuất Kimono 332 tuổi ở Kyoto, đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh dệt may sang đồ nội thất gia đình và thậm chí cả đồ điện tử.

Bà Hasegawa thừa nhận đôi khi cảm thấy áp lực về lịch sử lâu đời của cửa hàng. Mặc dù công việc kinh doanh không mang lại nhiều thu nhập, nhưng mọi người trong gia đình từ khi còn nhỏ đã được cảnh báo rằng miễn là có người còn sống, cửa hàng vẫn phải được tiếp tục.

“Lý do chính khiến chúng tôi không dừng lại đó là vì ai trong chúng tôi cũng ghét cái ý tưởng là người sẽ để cơ nghiệp này ra đi”

 

 

 

 

AD
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: