Kỷ niệm 100 năm Braille Mainichi, tờ báo duy nhất của Nhật Bản dành cho người khiếm thị
Braille Mainichi, tờ báo hàng tuần sử dụng chữ nổi Braille được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922, đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập vào ngày 11 tháng 5. Tờ báo này xuất hiện trước cả các chương trình phát thanh, là ấn phẩm cho người khiếm thị đầu tiên trên toàn cầu.
Braille Mainichi cũng là tờ báo chữ nổi duy nhất của Nhật Bản, được phát hành vào thứ 3 hàng tuần, thu thập và truyền tải thông tin cho người khiếm thị một cách độc lập. Mỗi tờ Braille Mainichi bao gồm 60 trang khổ A4.
Kể từ khi thành lập, tờ báo đã được xuất bản tại trụ sở chính của báo Mainichi Osaka, và được in ở tầng hầm đầu tiên. Hiện tại toà soạn có 9 nhân viên, bao gồm một phóng viên thường trú ở Tokyo.
Tổng biên tập đầu tiên của báo Braille Mainichi là Kyotaro Nakamura, một người làm giáo dục khiếm thị, khi đó 42 tuổi. Ông được toà soạn Osaka Mainichi Shimbun, tiền thân của The Mainichi Newspaper mời về làm.
Ông Kyotaro Nakamura là một giáo viên, ông muốn sử dụng báo Braille Mainichi như sách giáo khoa cho các học sinh khiếm thị của mình.
Báo ra đời nhằm mục tiêu tăng số lượng người thị lực kém có thể đọc được chữ nổi, làm việc theo phương châm ”kết hợp trí tuệ để tăng cường sức mạnh”.
Đúng như tầm nhìn của ông, tờ báo đã trở thành một diễn đàn của các độc giả khiếm thị, giúp họ trao đổi thông tin và kết nối các hoạt động văn hoá khác.
Có thể nói, Braille Mainichi góp phần xây dựng nền tảng văn hoá cho người khiếm thị, vượt lên vai trò là một đơn vị báo chí thông thường, để tạo nên những biến chuyển tích cực trong xã hội. Trải qua 100 năm, chúng ta có thể thấy nền tảng này đã trở nên mạnh mẽ như thế nào.
Braille Mainichi khai thác đa dạng nội dung, từ những chủ đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày, đến các thông tin được hệ thống hoá, tăng cường phúc lợi xã hội, và cả các cuộc đấu tranh vì quyền của người khiếm thị.
Một thế kỷ qua, ở trang báo chữ nổi của Mainichi, độc giả khiếm thị tìm thấy sự đồng cảm, được truyền cảm hứng để thực hiện những hành động tốt đẹp.
Dưới đây là bìa ấn bản đầu tiên của Osaka Braille Mainichi.
Braille Mainichi cung cấp cho người khiếm thị kiến thức, lòng dũng cảm, sự thoải mái cần thiết để họ có một cuộc sống độc lập trong cộng đồng, mặt khác để nâng cao nhận thức của xã hội vốn chưa hiểu rõ về người khiếm thị.
Ngày nay vị thế của chữ nổi và báo chí đã thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, Mainichi dự định vẫn sẽ tiếp tục bảo vệ tương lai của hình thức báo chữ nổi và xem xét vai trò mới của tờ báo để phù hợp với thời đại hiện nay, đồng thời tiếp tục khắc sâu lịch sử văn hoá của người khiếm thị và tiến tới 100 năm kỷ niệm tiếp theo.
Thuý Vân