Sổ hộ tịch của Nhật thay đổi như thế nào? Chấp nhận cho cha mẹ đặt tên “kira kira” cho con?
Sự gia tăng của những cái tên “Kira kira” ở Nhật Bản đã gây tranh cãi trong vài thập kỷ qua. Liệu những thay đổi trong hệ thống sổ hộ tịch sắp tới có ảnh hưởng đến điều này?
Nhằm phổ biến việc số hoá các hồ sơ koseki (sổ hộ khẩu), một ủy ban của Bộ Tư pháp đã đề xuất sửa đổi Luật Đăng ký hộ tịch yêu cầu cung cấp yomigana (cách đọc phiên âm của chữ kanji) đối với họ và tên cụ thể của từng thành viên trong gia đình. Mặc dù dự thảo tạm thời không thêm vào quy tắc nghiêm ngặt nào, nhưng có đề xuất sẽ giới hạn cách đọc phiên âm đối với một số từ Kanji cụ thể (Một từ, cụm từ Kanji có nhiều cách đọc, ví dụ: 大空 thường được phát âm là ozora, nhưng cách đọc là sukai có thể được chấp nhận vì nó phản ánh ý nghĩa chung của từ này là “bầu trời rộng lớn”).
Tên “Kira kira” là gì?
Xu hướng đặt tên theo cách bất thường bắt đầu vào những năm 90 tại Nhật Bản, cùng với sự gia tăng số người sử dụng Internet. Từ năm 2010, khái niệm キラキラネーム (Kira kira name) – dịch ra nghĩa đen là “tên lấp lánh” để chỉ những cái tên đặt theo cách bất thường, ví dụ ám chỉ văn hoá Pop như Pikachu (光宙). Kira kira name cũng bao gồm những cái tên có cách phát âm chẳng liên quan gì đến ý nghĩa Kanji (ví dụ Maria – 真理亜).
Ngày nay những cái tên như vậy lại càng phổ biến. Nhà văn Ito Hiromi không cho rằng việc cha mẹ đặt cho con cái những cái tên Kira kira là lạm dụng quyền. Thay vào đó cô cho rằng điều này thể hiện sự đa dạng về ngữ nghĩa sắc thái của ngôn ngữ.
“Ngôn ngữ tiến hoá theo thời gian và các quy ước đặt tên cũng thế”.
Vụ kiện liên quan đến Kira kira name?
Đặt Kira kira name cho con có thể cấu thành tội lạm dụng trẻ em không? Chính phủ nên can thiệp đến mức nào nếu cái tên có thể đe doạ đến các phúc lợi của trẻ? Những câu hỏi như vậy đã trở thành vấn đề bàn luận vào mùa hè năm 1993, liên quan đến một vụ kiện ở Tokyo.
Cụ thể, một cặp vợ chồng nộp giấy khai sinh cho Tòa thị chính Akishima, trong đó viết tên con trai của họ là Akuma (悪魔), dịch ra là “ác quỷ”. Văn phòng ban đầu chấp nhận tờ khai sinh này vì cả hai từ Kanji trong tên đứa trẻ đều được phép sử dụng. Nhưng sau đó, một cuộc thẩm định đã đưa ra câu hỏi “Liệu đặt tên một đứa trẻ là ác quỷ có phù hợp hay không?”. Cái tên hàm nghĩa tiêu cực có thể dẫn đến đứa trẻ bị bắt nạt, và một số thiệt thòi khác. Sau khi tham vấn ý kiến Bộ Tư pháp, văn phòng trả lại tờ khai, từ chối cái tên này với lý do lo ngại cho phúc lợi trong tương lai của đứa trẻ.
Cha đứa trẻ sau đó đệ đơn kiện lên Toà án quận Tokyo. Bởi vì bộ phận đăng ký đã thực hiện một số “đường tắt” về pháp lý để xoá tên đứa trẻ mà không thông báo với phụ huynh đứa trẻ trước tiên, Toà án phán quyết có lợi cho nguyên đơn.
Vụ việc này đã thu hút rất nhiều sự chú ý, và những quan ngại về việc lạm dụng trẻ em thông qua đặt tên đã được dấy lên vào thời điểm này.
Phức tạp hơn một cái tên.
Vấn đề này hiện vẫn đang được thảo luận rất nhiều. Uỷ ban đề xuất nên loại trừ những cái tên có hàm ý xúc phạm, nhưng các ý kiến trực tuyến có vẻ không thống nhất. Một chương trình truyền hình ở Shizuoka đã thực hiện phỏng vấn người đi đường, hỏi cách đọc những cái tên Kira kira. Không có gì bất ngờ, những người trung niên gặp khó khăn trong việc đọc đúng tên hơn người trẻ.
Chugoku Shinbun cũng nhận nhiều phản hồi sau khi hỏi người đọc qua ứng dụng LINE suy nghĩ của họ về kiến nghị sửa đổi. Mặc dù đa số kêu gọi các bậc phụ huynh hãy cân nhắc kỹ các vấn đề có thể xảy ra cho đứa trẻ khi đặt cho nó cái tên khác thường, các ý kiến vẫn rất đa dạng. Một người đàn ông 67 tuổi ở Hiroshima không ngần ngại cho biết ông ghét tên của mình, vì có quá nhiều người đọc sai nó. Mặt khác, một học sinh 17 tuổi bày tỏ sự tự hào vì cái tên độc đáo của mình.
Uỷ ban dự kiến sẽ tiếp tục nhận ý kiến của công chúng cho đến hết tháng 5.