Làm sao để nhận lại tiền đặt cọc khi trả lại nhà thuê?
Khi kết thúc hợp đồng thuê nhà ở Nhật, nếu tiền đặt cọc không được trả lại thì có thể đã phát sinh vấn đề gì đó. Vì vậy, chúng ta cùng tìm hiểu với luật sư Akihiro Morimoto về những điểm cần lưu ý khi chuyển nhà hoặc những điều liên quan đến tiền đặt cọc nhé.
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu tiền đặt cọc là gì?
Luật sư Morimoto cho biết: “Tiền đặt cọc hay còn gọi là tiền bảo đảm, đó là khoản tiền mà bên thuê nhà đặt cọc trước cho chủ nhà để tránh trường hợp không trả tiền thuê nhà hoặc vô tình làm hư hỏng phòng ốc. Về nguyên tắc, tất cả tiền đặt cọc sẽ được trả lại khi bên thuê hết hợp đồng và chuyển đi.”
Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp không được hoàn trả lại tiền đặt cọc, do liên quan đến chi phí sửa chữa sau khi bên thuê rời đi.
Chí phí này dùng để “phục hồi nguyên trạng” cho căn phòng. Nhưng trách nhiệm về những vết trầy xước hay những vết bẩn sẽ thuộc về bên nào, thì mọi người vẫn còn rất mơ hồ. Không ai để ý nó đã có ở đó từ khi nào hoặc khi bên thuê đến ở đã có hay chưa?
Giống như ví dụ dưới đây, sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa trách nhiệm của bên cho thuê hay bên thuê:
1. Bọc lại chiếu tatami và cửa kéo
2. Dọn dẹp vệ sinh nhà
3. Sửa chữa các vết trầy xước trên tường và sàn nhà.
Ở điều 1 và điều 2, trách nhiệm sẽ thuộc về bên cho thuê. Còn ở điều 3, nếu đó là do sự “bất cẩn” thì bên thuê sẽ phải chịu trách nhiệm về những vết xước trên tường hoặc sàn nhà.
Về nguyên tắc cơ bản, bên cho thuê sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa các vết trầy xước và vết bẩn phát sinh do cơ sở hạ tầng xuống cấp, hoặc hao mòn do sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, bên thuê phải chịu chi phí hư hại phát sinh do sự bất cẩn, chẳng hạn như xuất hiện nấm mốc do không lau chùi, vết bẩn do bị đổ đồ uống hoặc không vệ sinh dọn dẹp sạch sẽ.
Vậy làm cách nào để tránh phát sinh những vấn đề này?
Theo luật sư Morimoto, có hai vấn đề chính cần chú ý:
Thứ nhất, sẽ tốt hơn nếu bên cho thuê có mặt cả khi bên thuê chuyển đến và chuyển đi, nhằm xác nhận các vết trầy xước và bụi bẩn. Nếu cần thiết, hãy chụp ảnh để lưu lại làm bằng chứng sau này.
Thứ hai là kiểm tra hợp đồng cẩn thận trước khi thuê, đặc biệt nên kiểm tra cẩn thận mục “Phục hồi nguyên trạng cho căn phòng như ban đầu khi bên thuê chuyển đi”.
Ngoài ra, để ngăn chặn những rắc rối liên quan đến việc này, Bộ giao thông vận tải Nhật Bản đã soạn một bảng “kiểm tra” cho người thuê nhà. Nó sẽ cho bạn biết nên kiểm tra những phần nào của căn phòng. Để tránh gặp rắc rối về vấn đề này, các bạn nên tham khảo hướng dẫn trên trang web của Bộ giao thông vận tải trước khi thuê nhà. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tránh bị mất oan tiền đặt cọc khi trả lại nhà thuê ở Nhật!
Nguồn: TBS News Dig
hinhin