Bạn có biết văn hóa thưởng thức hương thơm hay còn gọi là “Hương đạo” ở Nhật?

Nhang thơm được làm chủ yếu bằng nhiều hương liệu có nguồn gốc từ thực vật trộn lại. Khoảng 1500 năm trước, văn hóa thưởng thức hương thơm được truyền đến Nhật Bản cùng với đạo Phật. Khi đó, nhang được thắp để cầu nguyện và dần làm cho cuộc sống cư dân Kyoto trở nên phong phú.

“Hương đạo” là thú thưởng thức hương gỗ thơm được nung nóng và đã được phát triển ở Kyoto. “Hương đạo” sử dụng trầm hương được cắt nhỏ thành từng mảnh với kích thước bằng hạt gạo.

Có nhiều người cho rằng nếu để mảnh gỗ lớn thì sẽ thơm hơn, nhưng thật ra để chiết xuất hương thơm từ trong gỗ tốt hơn thì chúng ta cần cắt nhỏ chúng ra. Hơn nữa trầm hương rất quý và không được sản xuất ở trong nước Nhật, nên mọi người rất quý trọng khi sử dụng nó.

Trầm hương là hương liệu thiên nhiên chiết xuất từ thực vật thường xanh ở các nước Đông Nam Á. Khi cây bị thương, chất dầu trong cây tụ lại để kháng cự sự nhiễm bệnh từ bên ngoài, chất dầu đọng lại đó dần dần biến tính và thành trầm.

Một hòn than nóng được đặt vào giữa bát tro. Sau đó người ta dùng dụng cụ nén tro để tạo ra hình chóp nón, nhằm tạo nhiệt độ thích hợp cho gỗ thơm. Kế đến họ sẽ dùng một cây đũa kim loại để tạo bề mặt đẹp, rồi để một tấm mica viền kim loại lên đỉnh chóp bát tro. Cuối cùng đặt những mẫu trầm hương nhỏ lên trên tấm mica và thưởng thức hương.

Cầm bát và dùng tay phải che quanh viền, sau đó hít sâu rồi thở ra sang một bên. Cứ như thế lặp lại 3 lần. Trong “Hương đạo” người ta sẽ không gọi là ngửi hương, mà sẽ gọi là “nghe hương”. Tập trung lắng nghe vào hương thơm và thưởng thức bằng cả tâm trí. Khi bạn lắng nghe hương thơm này bằng cả 5 giác quan, thế giới của bản ngã sẽ dần mở ra và giải thoát bạn khỏi những lo lắng, tà niệm.

Hương thơm cũng sẽ thay đổi theo khí hậu, phong thổ cũng như nhiều yếu tố khác. Nó được dùng để thanh lọc không gian và tẩy uế bản thân, là thứ không thể thiếu trong nghi lễ thờ Phật.

Ngày xưa, giới quý tộc thường pha trộn hương liệu để tạo ra hương thơm cho riêng mình. Họ dùng hương thơm thay đổi theo mùa như một biểu tượng địa vị. Họ để chiếc khung lên trên lọ đốt hương và trùm y phục lên để ướp hương. Phụ nữ còn dùng gối hương để ướp hương lên tóc mình.

Ngày nay, ở Kyoto đã hình thành nhiều cách thưởng thức hương thơm khác nhau. Nó giúp tạo ra sự gắn kết giữa hương thơm cuộc sống với trái tim người Kyoto. Nếu có dịp du lịch đến Kyoto, các bạn hãy thử một lần tìm hiểu và trải nghiệm về “Hương đạo” của vùng đất này nhé!

Nguồn: NHK

Đức Lâm
Xem thêm: