Giọt nước mắt hối hận của người em trai tự kỷ sát hại người anh bị tâm thần phân liệt

Vào tháng 11 năm 2020, bị cáo Takabatake Haruki (22 tuổi) đã giết chết người anh trai Joji (25 tuổi) bằng một cây búa tại nhà của họ ở thành phố Toyama. Người anh khi đó bị tâm thần phân liệt và rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Người anh đôi khi có những hành động bạo lực mất kiểm soát và đã nhiều lần phải ra vào bệnh viện.

Kể từ khi còn nhỏ, mối quan hệ giữa anh trai và bị cáo thường xuyên xảy ra những xung đột. Trong đầu Haruki luôn nghĩ rằng: “Anh trai Joji bị tâm thần, còn mình thì hoàn toàn khỏe mạnh”. Nhưng sau khi xảy ra vụ án mạng, Haruki cũng đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Haruki cho biết rằng anh ta đã bị bắt nạt ở trường trong nhiều năm từ lúc còn học tiểu học cho đến trung học.

Haruki trả lời tại phiên tòa rằng: “Chính vì anh trai tôi bị tâm thần, nên tôi nghĩ rằng mọi người mới không thích tôi và những người phụ nữ cũng không thèm để mắt đến tôi. Tôi là thế hệ Gen Z, nhưng mọi người Gen Z đều cười nhạo và đem tôi ra làm trò cười. Tôi thật sự cảm thấy rất nhục nhã.”

Có một vấn đề gây tranh cãi trong việc tuyên án, là liệu ASD có ảnh hưởng vào hành vi tội ác của bị cáo Haruki hay không?

Haruki nói trước tòa rằng mình đã được truyền cảm hứng từ vụ sát hại 19 cư dân tại một cơ sở dành cho người khuyết tật ở Sagamihara, tỉnh Kanagawa vào năm 2016. Anh đã bắt đầu suy nghĩ rằng: “Những người khuyết tật thì nên chết đi!”

 

Tại phiên tòa xét xử vào ngày 19, công tố viên cho biết: “Từ trước đến nay bị cáo luôn miệt thị người khuyết tật, sau khi giết người và đã xử lý xác bằng cách chôn trên núi. Những hành vi này đều đã có kế hoạch từ trước, vì vậy đây là hành vi cố ý giết người. Hành vi này là có chủ ý phạm tội và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi chứng ASD, nên đề nghị tòa tuyên án 15 năm tù giam đối với bị cáo.”

Mặt khác, luật sư bào chữa cho rằng: “Hành vi của bị cáo có vẻ như được lên kế hoạch từ trước, nhưng đó thật sự là do ảnh hưởng của chứng ASD đã khiến người bệnh khó có thể sửa đổi hoặc dừng kế hoạch giữa chừng. Vì vậy, mức độ để kết tội bị cáo nên được hạ xuống thấp hơn. Với hy vọng người bệnh có thể hồi phục như người bình thường, thì việc bỏ tù trong một thời gian dài là không cần thiết. Tôi nghĩ 8 năm tù là mức án phù hợp cho bị cáo.”

Khi được thẩm phán hỏi liệu anh có lời cuối cùng nào muốn nói hay không, Haruki đã từ từ mở miệng: “Có lẽ anh trai tôi cũng biết bản thân mình bị bệnh, nên anh ấy đã cố gắng hết sức để có thể sớm được phục hồi”. Sau đó anh cúi đầu và nghẹn ngào nói: “Làm sao bây giờ? Khi đó, lẽ ra tôi nên làm thế nào để điều này đã không phải xảy ra?”

Mọi người đang chờ đợi bản án cuối cùng dành cho Haruki, dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 31/3 sắp tới.

hinhin
Xem thêm: