Thực tập sinh từng bị kết tội bỏ mặc thai lưu song sinh được phán VÔ TỘI

Vào chiều ngày 24/3, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã đảo ngược phán quyết có tội của phiên tòa lần hai trước đó và tuyên án vô tội đối với TTS Lê Thị Thuỳ Linh (24 tuổi).

Vào tháng 11 năm 2020, chị Linh sinh non tại ký túc xá của công ty ở Ashikita thuộc tỉnh Kumamoto. Hai bé trai song sinh không may đã chết khi vẫn còn trong bụng mẹ. Sau đó, chị mang thùng các tông đựng thi thể 2 bé trai đến bệnh viện và khai báo với bác sĩ.

Chị Linh đã bị phía cảnh sát khởi tố vì họ cho rằng chị đã bỏ rơi thi thể của con mình. Tại phiên tòa sơ thẩm ở Kumamoto vào tháng 7 năm 2021, tòa đã tuyên phạt 8 tháng tù giam và 3 năm tù treo với cáo buộc chị Linh đã bỏ mặc thi thể thai nhi.

Điểm gây tranh cãi trong phiên tòa là liệu hành động đặt thi thể của con mình vào hộp các tông hai lớp, rồi dán băng dính lại thì có phải là hành vi “bỏ rơi” hay không. Chị Linh đã phủ nhận và cho rằng mình vô tội, vì mục đích ban đầu của chị là để chôn cất cho con mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm ở Fukuoka vào tháng 1 năm 2022, mức án của chị đã được giảm xuống còn 3 tháng tù giam và 2 năm tù treo. Tòa án Fukuoka cho rằng: “Tuy thời gian từ khi thai chết lưu đến khi thi thể được phát hiện ra chỉ là 1 ngày 9 giờ, nhưng hành vi tạo ra hoàn cảnh để người khác khó tìm thấy xác là một hành vi bỏ rơi thi thể.”

Chị Linh đã tiếp tục nộp đơn lên Tòa án Tối cao Nhật Bản. Vào tháng trước, Tòa án Tối cao đã tổ chức một buổi biện luận (thủ tục cần thiết để thay đổi phán quyết) và chị Linh đã nói rằng: “Các thực tập sinh kỹ năng đang đau khổ vì họ không thể nói với ai về việc mình mang thai và buộc phải sinh con một mình. Tôi hy vọng rằng bản án vô tội sẽ được trao đến cho tất cả những người phụ nữ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm như vậy.”

Trong phán quyết cuối cùng, tòa án Tối cao cho rằng: “Tuy bị cáo đã khiến cho những người khác khó tìm thấy thi thể. Nhưng xét về địa điểm, cách bọc và đặt thi thể thì không thể kết thành tội bỏ mặc thi thể được.”

Với trường hợp của chị Linh, trong quá trình làm việc với tư cách là TTS, chị từng được cảnh báo rằng không được có thai dù đạo luật Tiêu chuẩn lao động nghiêm cấm đối xử bất công với TTS. Vì vậy, chị đã lo sợ nếu việc mình mang thai và sinh con bị phát hiện, chị sẽ bị buộc phải về nước và không có tiền để trả nợ cho gia đình. Việc này đã bị nhiều người chỉ trích như là một “Chế độ nô lệ hiện đại” ở Nhật.

Nguồn: Yahoo News

 

Đức Lâm
Xem thêm: