Nơi nào ở Nhật Bản mà bạn có thể nói chuyện với người chết?
Bạn có biết rằng ở Nhật Bản có một nơi mà bạn có thể triệu hồi và nói chuyện với linh hồn người chết không?
Ở tỉnh Aomori của Nhật Bản, có những người phụ nữ mù được gọi là Itako. Họ được cho là có thể triệu hồi linh hồn của người chết và giúp cho linh hồn có thể giao tiếp với người thân của mình.
Liệu mọi người có tin đó là sự thật hay không? Nhưng trước tiên, hãy để tôi sẽ giải thích về văn hóa Itako kỳ lạ này của Nhật Bản.
Quan điểm của người Nhật về tôn giáo
Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, Nhật Bản cũng có một tôn giáo độc đáo khác gọi là Thần đạo. Nhiều người Nhật cho rằng họ không theo tôn giáo nào, vì họ không nghĩ rằng mình đang tuân theo các giáo lý.
Nhưng trên thực tế, Nhật Bản là một quốc gia có đức tin vô cùng mạnh mẽ. Họ nghĩ rằng thần linh có mặt ở khắp mọi nơi và đang dõi theo họ. Do đó, giáo dục đạo đức ở Nhật Bản là không được phép làm điều xấu dựa trên các giáo lý của Đạo Phật và Thần đạo.
Khi người Nhật ăn cơm, họ sẽ nói “itadakimasu”, điều này xuất phát từ sự ăn năn của bản thân họ về việc giết và ăn một sinh vật sống. Văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản cũng được hình thành dựa trên giáo lý cơ bản của tôn giáo.
Thờ cúng tổ tiên và nói chuyện với ông bà
Nhật Bản là đất nước có văn hóa xem trọng gia đình. Họ cũng rất coi trọng tổ tiên, những người đã tạo ra gia đình họ. Vì vậy, họ thường đặt mộ của những người trong dòng tộc mình chung một khu để có thể thường xuyên đến dọn dẹp và nói chuyện với tổ tiên của họ.
Những Itako triệu hồi linh hồn của người chết
Tỉnh Aomori nằm ở phía bắc, ngay dưới Hokkaido có một ngọn núi tên là Osorezan. Tại đây có những Itako mang nhiều sức mạnh tâm linh khác nhau. Công việc của họ giống như những nhà tư vấn ở thời hiện đại, nhưng những vấn đề mà họ tư vấn thì những người bình thường lại không thể biết được.
Một trong số đó là “Kuchiyose”, việc triệu tập linh hồn của người chết để họ có thể giao tiếp với người thân mình. Bạn có thể hình dung giống như việc các vũ nữ ở đền thờ Nhật Bản có thể giao tiếp với thần linh vậy.
Về cơ bản, Itako là những người phụ nữ mù. Itako được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng hiện nay Itako đang có nguy cơ biến mất do không có người kế vị. Số lượng người muốn trở thành Itako đang giảm dần và số lượng trẻ em mù cũng đã giảm đi rất nhiều. Vào thời kỳ đỉnh cao, Nhật Bản có tới khoảng 300 Itako. Nhưng hiện nay chỉ còn lại 6 người.
Nghi thức gọi hồn
Khi còn là học sinh cấp 3, tôi đã tuyên bố rằng mình sẽ không tiếp quản công việc kinh doanh nông nghiệp của gia đình. Kể từ đó, cha tôi đã trở nên ít nói hơn. Ngay cả sau khi tôi kết hôn, sinh con và trở về nhà, ông vẫn giữ thái độ lạnh lùng như vậy.
Do tính cách bướng bỉnh của mình, mà tôi đã khiến hai cha con trở nên xa cách và rồi ông ấy cũng đã qua đời. Tôi luôn mang trong lòng sự ân hận. Vì dù thế nào đi nữa ông vẫn là cha của tôi, nên tôi luôn mong ước rằng mình có thể ngồi lại nói chuyện với ông một cách rõ ràng hơn. Lần này, tôi đã nhờ bà Niwata làm nghi thức gọi hồn.
Bà Niwata bắt đầu tụng những bài kinh vang vọng trong căn phòng yên tĩnh. Có lẽ đó là một ngôn ngữ riêng của Itako, nên dù tôi có lắng nghe cũng không thể hiểu được những gì bà ấy đang đọc.
Sau khoảng 15 phút trôi qua, bà quay lại và hắng giọng: “Vâng, người cha quá cố của cô đã trở về.”
“Có chuyện vui gì hay sao mà mọi người lại tập trung đông đủ như vậy?”. Linh hồn của người cha hiện lên và bắt đầu nói qua miệng bà Niwata. Cuộc trò chuyện hôm ấy kéo dài khoảng 20 phút.
Tôi đã bật khóc khi ông nói rằng ông chưa hề nghĩ cháu trai mình không đáng yêu và có thành kiến với nó.
Có đời sống sau khi chết hay không?
Itako đã hoàn toàn bất tỉnh và không có ký ức nào khi linh hồn của người chết nhập vào thân xác mình. Sau khi Itako tỉnh lại, tôi đã hỏi bà rằng liệu có cuộc sống sau khi chết? (mặc dù trước đây tôi chưa hề nghĩ về điều này).
Bà ta trả lời rằng: “Tôi nghĩ là có…”
Sự tập luyện với cường độ cao
Bà Niwata bị mù năm 3 tuổi và được theo Itako học nghề năm 13 tuổi. Bà đã sống trong nhà của Itako và được đào tạo tới 10 năm.
Trong khoảng thời gian đó, bà cũng phải làm những việc để đền tội như ăn chay và tắm trong thời tiết giá lạnh. Ngoài ra, bà còn phải học khoảng 100 loại kinh điển bằng cách nghe qua đôi tai.
Những Itako cuối cùng
Hiện tại, ở Nhật Bản chỉ còn lại 6 Itako. Trong đó, có một Itako trẻ nhất tên là Matsuda (44 tuổi). Khi còn là nữ sinh trung học, Matsuda đã cảm động trước cách Itako chữa một căn bệnh nan y của cô mà ngay cả các bác sĩ cũng không thể chữa khỏi. Từ đó cô quyết định bắt đầu theo bà ta học để trở thành một Itako.
Tuy nhiên, một trong những nét văn truyền thống của Nhật Bản là Itako đang dần biến mất. Khi mà ngày càng có nhiều người không tin vào những thứ không thể nhìn thấy hoặc những thứ mà khoa học không chứng minh được, Itako đang trở thành một công việc bị rất nhiều người nghi ngờ.
Nhưng dù là thật hay giả, tôi cũng đã có thể giải thoát khỏi sự ân hận và đau khổ sau khi nói chuyện với người cha quá cố của mình. Điều quan trọng ở đây là bạn có thể dựa vào Itako để xoa dịu tâm trí mình.
Nhân tiện đây, bạn đã bao giờ thắc mắc rằng nếu đó là linh hồn của một người ngoại quốc thì họ sẽ dùng ngôn ngữ gì hay không?
Có những truyền thuyết về sự tái sinh, trong số đó được cho là sau khi con người chết sẽ quên đi ngôn ngữ trước đây của mình. Do đó người ta cho rằng những linh hồn sẽ dùng hình thức giao tiếp là thông tâm với nhau.
Việc cho linh hồn mượn thân xác để có thể nói bằng ngôn ngữ Nhật cũng là một phần năng lực của Itako. Ngoài ra, Itako cũng chỉ có thể triệu tập linh hồn của những người thân thiết với khách hàng, nên việc triệu tập linh hồn của các nhân vật lịch sử là điều không thể đối với Itako.
Abe Kengo