Giáo dục trẻ em về giúp đỡ người khác và tự mình làm mọi việc ở Nhật Bản

Giáo dục về “giúp đỡ người khác” ở Nhật là việc đưa ra những thách thức cho trẻ con, để chúng có thể trở nên tự lập. Mặc dù đó là một nét văn hóa đang dần mai một ở trẻ con Nhật Bản ngày nay, nhưng sự thật là văn hóa “giúp đỡ người khác” đã từng rất phổ biến ở Nhật Bản.

Con cái giúp mẹ làm việc nhà và đi mua sắm khi được bố nhờ. Ở trường thì các học sinh biết phụ giúp giáo viên. Vậy tại sao người Nhật lại để con cái họ làm điều này?

Đó là vì họ muốn để con cái có được tính “tự lập” trong những việc như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, đi chợ. Thành thật mà nói, khi chúng ta tự mình làm thì sẽ nhanh hơn là giao cho bọn trẻ.
Nhưng bọn trẻ sẽ không bao giờ có thể tự mình làm được, nếu cha mẹ chúng lúc nào cũng làm như vậy.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể đưa giáo dục về “tiền bạc” vào trong việc này. Bọn trẻ sẽ học được cách biến sức lao động thành tiền. Chẳng hạn như nếu chúng giúp bố mẹ gấp quần áo sẽ được bao nhiêu tiền, hay phụ giúp nấu ăn sẽ được bao nhiêu tiền.

Không có chuyện bạn chẳng làm gì mà lại có thể nhận được tiền. Chỉ những sự cố gắng của chính bạn mới có thể đổi ra thành tiền, đó cũng được xem là điều đương nhiên trong xã hội của người lớn.

Vì mục đích của người lớn chính là để cho trẻ nhận thức được việc làm ra đồng tiền rất vất vả, nên nếu chúng không cố gắng thì tất nhiên sẽ không thể có tiền.

Ở trường học cũng vậy, học sinh sẽ tự mình dọn vệ sinh lớp học của họ. Không chỉ tự dọn dẹp bàn của mình, các học sinh sẽ dọn dẹp tất cả các trang thiết bị được sử dụng chung trong lớp học, phòng tập thể dục, các lối ra vào,…

Việc chuẩn bị thức ăn cũng vậy, các chuyên gia sẽ là người chuẩn bị những bữa ăn, nhưng nhiệm vụ của học sinh sẽ là phân chia thức ăn cho mọi người và thu dọn sau khi ăn. Học sinh còn giúp đỡ thầy cô trong việc làm ra những bản in tài liệu số lượng lớn.

Kể cả khi họ trưởng thành và đi làm, họ vẫn xem đó là những việc cơ bản và tự mình lau dọn vệ sinh trong công ty.

Giáo dục tính tự lập cho trẻ em ở Nhật Bản là để chúng có thể trở nên tự làm được mọi việc. Bạn có thấy cách suy nghĩ về giáo dục này rất khác đối với nhiều quốc gia hay không?

Nhật Bản vốn dĩ là một môi trường rất khó sống. Thiên nhiên Nhật Bản rất đẹp, nhưng mùa đông thì rất lạnh và còn có tuyết rơi. Mùa hè lại rất nóng và ẩm ướt.

Quốc gia này cũng có nhiều thiên tai như động đất, sóng thần, cháy rừng và phun trào núi lửa.

Tôi tin điểm khởi đầu của nền giáo dục này bắt nguồn từ quan điểm: “chúng ta không thể sống mà không giúp đỡ lẫn nhau” và “chúng ta phải nên tự làm mọi thứ”.

Thời thế đã thay đổi, giờ đây chúng ta có thể phòng chống lại thiên tai ở một mức độ nào đó. Chúng ta cũng đã có thể thực hiện các biện pháp để chống lại cái lạnh và nóng. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc “giúp đỡ lẫn nhau” và “tự mình làm lấy” vẫn rất cần thiết trong thời đại ngày nay.

Abe Kengo
Xem thêm: