Công nghệ giúp cho tháp Tokyo Skytree không bị đổ đã có từ 1300 năm trước!

Tokyo có một tháp phát sóng khổng lồ cao 634m là Skytree. Đây cũng chính là tháp phát sóng cao nhất thế giới.

Bạn có biết ở một đất nước thường xuyên xảy ra động đất như Nhật Bản, việc xây những công trình lớn thế này sẽ cần dựa vào công nghệ chống động đất đã có từ 1.300 năm trước?

Công trình bằng gỗ lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới hiện nằm ở tỉnh Nara. Đó là tòa tháp năm tầng của ngôi chùa Horyuji được xây dựng từ hơn 1.300 năm trước, đã trải qua nhiều trận động đất kinh hoàng mà vẫn đứng vững cho đến ngày nay.

Đó là tòa tháp bên phải của bức ảnh.

Đây là một tòa tháp khổng lồ với tổng trọng lượng 1200 tấn và chiều cao 32,67m. Theo các thống kê, người ta cho rằng một trận động đất dù lớn đến đâu cũng không thể làm tòa tháp sụp đổ.

Không chỉ có tòa tháp này, còn khoảng hơn 500 tòa tháp gỗ cũng đã được xây dựng từ rất lâu ở Nhật Bản và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Hầu hết những tòa tháp này đều không bị sụp đổ bởi các trận động đất.

Chỉ có duy nhất 1 trong số 15 tòa tháp trong khu vực bị động đất dữ dội, đã bị sụp đổ ở trận động đất lớn Hanshin-Awaji vào năm 1995.

Cấu trúc “mềm mại”

Để những tòa tháp này không bị sụp đổ, điều quan trọng là phải làm cho nó trở nên mềm mại hơn thay vì cố gắng làm kiên cố nó. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng nếu làm kiên cố tòa tháp thì nó sẽ chống lại được động đất. Nhưng động đất ở Nhật Bản khá mạnh, các tòa nhà kiên cố sẽ tích tụ những thiệt hại do rung lắc và sụp đổ.

Vì thế, trong các cấu trúc của chùa Horyuji có rất nhiều kẽ hở. Ngoài ra, còn có một cây cột khổng lồ ở trung tâm của tòa tháp. Vì tòa tháp không được liên kết với các sàn nhà xung quanh, nên nó có thể nhẹ nhàng hấp thụ năng lượng địa chấn.

Công nghệ này cũng đã được áp dụng đối với tòa tháp Skytree, giúp nó mang một cấu trúc chống động đất cực tốt. Thay vì chống lại sức mạnh của trận động đất, người Nhật đã chọn cách sống chung với nó.

Mặc dù tòa tháp có thể không bị đổ, nhưng bạn có nghĩ rằng gỗ sẽ xuống cấp hay không? Vì Nhật Bản có các mùa với độ ẩm cao, nên khiến vật liệu gỗ rất dễ bị mục nát.

Tòa tháp năm tầng của chùa Horyuji đã từng được bảo trì bằng cách dỡ bỏ toàn bộ vật liệu xây dựng cũ. Họ định thay thế vật liệu xây dựng đã xuống cấp bằng vật liệu xây dựng mới. Thế nhưng khi tháo rời từng bộ phận ra và đánh bóng gỗ, người ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy chúng vẫn còn rất mới và còn có cả mùi thơm của gỗ.

Chỉ một số bộ phận bên ngoài tháp do tiếp xúc trực tiếp với thời tiết, nên đã xuống cấp và được thay thế mới. Còn lại hầu hết các bộ phận khác với tuổi thọ hơn 1.300 năm tuổi, vẫn đang được tiếp tục sử dụng cho tới hiện tại.

Loại gỗ được sử dụng ở đây có tên gọi là Hinoki. Hinoki được cho là có độ bền và khả năng bảo quản cao nhất trong số các loại gỗ. Người ta nói loại gỗ này sau khi khai thác sẽ tăng dần độ bền sau 200 năm, sau đó sẽ suy yếu dần sau 1000 năm.

Hơn nữa, người ta nói rằng cây càng lâu năm thì lúc bị đốn hạ sẽ càng bền. Vậy nên những cây Hinoki được dùng để xây chùa Horyuji trước đó cũng đã có tuổi thọ hơn 1.000 năm rồi.

Vì là loại gỗ vô cùng cao cấp không thể bị hư hỏng kể cả khi đã trải qua 1300 năm, nên người ta không có cách nào để dự đoán chính xác được tuổi thọ của nó. Điểm yếu khi xây dựng bằng vật liệu gỗ chính là lửa. Vì thế nếu ngăn chặn được hỏa hoạn, chúng ta sẽ có thể bảo tồn được nhiều công trình với tuổi thọ cao như vậy.

Các tòa nhà được làm bằng bê tông cốt thép trong những năm gần đây, được cho là có tuổi thọ từ 47 đến 120 năm. Nếu nhìn vào việc chúng cần phải được trùng tu lại cứ sau 35 đến 50 năm, bạn sẽ có thể thấy được giá trị thực sự của các kiến ​​trúc bằng gỗ.

Nhật Bản đã sở hữu những công nghệ xây dựng tiên tiến này từ hơn 1300 năm trước. Nên có lẽ cho dù chúng ta có nhìn vào Nhật Bản ở hiện tại, cũng không thể tưởng tượng được nơi đây đã từng là một cường quốc công nghệ từ hơn một thiên niên kỷ về trước.

Abe Kengo
Xem thêm: