Văn hóa về “đũa” của người Nhật

Không chỉ Nhật Bản, mà nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng sử dụng đũa. Mặc dù đũa được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng Nhật Bản lại có một văn hóa vô cùng độc đáo về đũa.

Nguồn gốc của từ “đũa” trong tiếng Nhật

Nếu bạn đang học tiếng Nhật, có thể bạn sẽ cảm thấy khó hiểu vì cách viết bằng chữ hiragana của hai từ “đũa” và “cây cầu” đều là “hashi”. Mặc dù cách phát âm của hai từ này khác nhau, nhưng do có cùng nguồn gốc từ chữ “hashi” nên chúng mang ý nghĩa tương tự nhau.

Cây cầu để nối hai bờ là “hashi” (橋). Cái thang để nối nơi cao và nơi thấp là “hashiko”. Vì vậy, “hashi” vốn mang ý nghĩa là để kết nối những nơi nào đó lại với nhau.

Thế nên từ “hashi” (箸) của đũa cũng vậy, đầu đũa là phần của con người, còn đuôi đũa là phần của thần linh. Nói cách khác, đũa đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa con người và thần linh.

Trong tôn giáo Shinto cổ đại của Nhật Bản, đũa được cho là nơi thần linh trú ngụ nên rất được mọi người xem trọng. Đó là lý do vì sao Nhật Bản lại có nhiều loại đũa đặc biệt hơn so với đũa của các nước khác.

Tại sao đầu đũa Nhật lại nhọn?

Văn hóa dùng đũa được phổ biến rộng rãi ở châu Á, nhưng đũa Nhật lại có một đặc điểm là đầu đũa nhọn. Nó được thiết kế như vậy là để người ăn dễ dàng tách thịt ra khỏi xương cá.

Đôi đũa dùng trong các lễ kỷ niệm sẽ có đầu nhọn như thế này.

Đôi đũa được thiết kế để thần linh có thể sử dụng một cách dễ dàng.

Đôi đũa Meotobashi dành cho các cặp vợ chồng

Tuy ngày nay đã không còn phổ biến, nhưng ở Nhật có một văn hóa về đũa vợ chồng. Đó là một bộ hai đôi đũa dành cho vợ chồng, thường được dùng để làm quà tặng cho các cặp đôi mới cưới.

Nhưng tại sao lại là đũa? Vì nó mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Chúng ta chỉ có thể sử dụng đũa khi có đủ một đôi. Người tặng đũa với hy vọng các cặp đôi có thể luôn sánh bước bên nhau và dùng đôi đũa này để có được những bữa ăn thật ngon miệng.

Thường thì đũa của người nam sẽ dài hơn đũa của người nữ. Bạn có thể hình dung kích thước khác nhau của hai đôi đũa qua bức ảnh này.

Đặc điểm của những đôi đũa vợ chồng là dù cho kiểu dáng của chúng có giống nhau, nhưng chúng sẽ được sơn một cách tỉ mỉ bằng các màu sắc khác nhau.

Những đôi đũa được làm ra bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như sử dụng vàng, hay được sơn mài sau khi đánh bóng và nhúng vỏ sò sẽ làm cho chúng có giá trị cao hơn rất nhiều. Thường có rất nhiều người mua đũa Nhật để về làm quà lưu niệm cho mọi người.

Dù nhiều quốc gia có văn hóa dùng đũa giống nhau, nhưng hình dạng của đôi đũa mỗi nước sẽ khác nhau. Đũa ở Hàn Quốc được làm bằng các vật liệu như thép không gỉ, trong khi đũa ở Trung Quốc và Việt Nam lại không nhọn ở đầu đũa.

Mặc dù có thể đũa mà bạn sử dụng quen sẽ là tốt nhất, nhưng bạn có cho rằng những chiếc đũa Nhật Bản vừa dễ sử dụng lại vừa đẹp đã đạt đến cảnh giới nghệ thuật không? Bạn sẽ thấy thú vị khi so sánh chúng với đũa của nước bạn đấy.

Abe Kengo
Xem thêm: