Mỹ có đang thật sự muốn giúp Nhật Bản hồi sinh trở lại ngành công nghiệp bán dẫn?
Các sản phẩm bán dẫn không chỉ được sử dụng trong máy tính cá nhân, mà còn được sử dụng trong ô tô, đồ gia dụng và nhiều thiết bị khác.
Nó đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Bạn có biết rằng Mỹ đang muốn hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản phát triển trở lại, để cùng hợp sức đối đầu với Trung Quốc hay không?
Nhưng liệu lịch sử có lặp lại khi Mỹ chiến thắng Trung Quốc và quay sang xem Nhật Bản là đối thủ của họ?
Chất bán dẫn mà Mỹ phát minh ra đã được Nhật Bản cải tiến
Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn vào những năm 1940. Vào thời điểm đó, việc sản xuất chất bán dẫn của thế giới do Mỹ thống trị, nhưng chính người Nhật đã lật đổ thế thống trị ấy của Mỹ.
Chất bán dẫn được sản xuất bằng các vật liệu có độ nhạy cao, yêu cầu điều kiện môi trường sản xuất ở mức tốt nhất. Vì vậy, nếu chúng không được sản xuất trong môi trường đạt tiêu chuẩn, thì tỷ lệ sản phẩm bị lỗi sẽ là rất cao. Hiện nay, tuy nhiều nước đã có thể tạo ra phòng sạch sản xuất chất bán dẫn, nhưng thật ra Nhật Bản chính là quốc gia đầu tiên sở hữu được công nghệ cao này.
Tỷ lệ sản phẩm lỗi được giảm xuống đồng nghĩa với hiệu quả sản xuất tăng lên, khiến cho giá thành của sản phẩm cũng trở nên rẻ hơn. Bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, Nhật Bản đã chiếm thị phần hàng đầu thế giới về chất bán dẫn trong những năm 1980.
Ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) của Nhật Bản tràn ngập thị trường thế giới
Từ những năm 1980 đến đầu những năm 1990, các công ty như NEC, Fujitsu và Sharp đã chế tạo ra được những máy tính cá nhân với thông số kỹ thuật của riêng họ. Những công ty này cạnh tranh nhau trong lúc họ cũng vừa nghiên cứu để tạo ra chất bán dẫn nhằm sử dụng cho hệ thống của riêng mình.
Từ đó khiến cho ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản bùng nổ nhanh chóng, đưa thị phần của Nhật Bản chiếm hơn 50% trên toàn thế giới. Hoa Kỳ đã không thể cạnh tranh lại Nhật Bản về cả công nghệ, giá cả hay doanh số bán hàng. Cuối cùng khiến cho ngành công nghiệp bán dẫn tại quốc gia này bắt đầu ca thán.
Âm mưu nghiền nát các sản phẩm Nhật của chính phủ Mỹ
Vào năm 1985, Mỹ đã kiện Nhật Bản với lý do: “Các công ty sản xuất chất bán dẫn Nhật Bản đang cạnh tranh không công bằng khi bán phá giá các sản phẩm của họ.”
Phía Nhật Bản đã phản bác lại các cáo buộc, họ cho rằng sự chênh lệch về giá chất bán dẫn là do Mỹ đã thất bại cả về công nghệ lẫn chi phí sản xuất trong cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty. Vì vậy, các cáo buộc từ phía Mỹ là hoàn toàn vô căn cứ, nhưng những công kích của Mỹ dường như vẫn không hề lắng xuống.
Kết quả là Nhật Bản bị buộc phải chấp nhận yêu cầu vô lý là: “1/5 số tiền mua sắm chất bán dẫn của Nhật phải được mua từ nước ngoài.”
Mặc dù sau đó Nhật đã làm theo, nhưng vào năm kế tiếp Mỹ lại tiếp tục chỉ trích chính rằng chính phủ Nhật không tuân thủ theo hiệp định. Do đó, Mỹ đã đe dọa sẽ áp đặt thuế quan 100% đối với các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, TV màu và các mặt hàng điện gia dụng khác do Nhật Bản sản xuất.
Ngay từ đầu, Mỹ đã muốn sử dụng các biện pháp này để có thể kìm hãm ngành công nghiệp Nhật Bản. Đối phó với mối đe dọa này, chính phủ Nhật Bản đã chỉ thị cho các nhà sản xuất chất bán dẫn phải hạn chế số lượng sản phẩm mà công ty mình sản xuất ra. Do đó, thị phần của ngành chất bán dẫn do nước ngoài sản xuất được mở rộng tại Nhật Bản, khiến số lượng công ty sản xuất chất bán dẫn của Nhật dần bị suy giảm.
Nhật Bản sẽ hồi sinh từ cuộc xung đột với Trung Quốc?
Giờ đây, Mỹ đang bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Do Mỹ biết rằng một mình họ sẽ không thể cạnh tranh với Trung Quốc, nên đã quyết định hợp tác với Nhật Bản để chế ngự ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Nhưng chúng ta hãy thử nghĩ xem:
Đó chẳng phải là kết quả của việc Mỹ đè bẹp ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản, khiến cho Nhật Bản không thể tiếp tục phát triển công nghệ của mình hay sao?
Nếu sau khi dùng Nhật Bản để đánh bại Trung Quốc, thì liệu Mỹ có lại vứt bỏ Nhật Bản như cách mà họ đã từng làm trong quá khứ hay không?
Chẳng bao lâu nữa sẽ tròn 80 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945. Người dân Nhật Bản vẫn luôn thắc mắc rằng Mỹ sẽ còn tiếp tục chi phối Nhật Bản cho tới bao lâu nữa?
Abe Kengo