Người đàn ông đi lên từ đáy xã hội đến lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Ấn Độ

Có một người đàn ông Nhật Bản hiện đang giữ chức vị cao nhất trong Giáo hội Phật giáo ở Ấn Độ, nơi được xem là cái nôi của đạo Phật. Đó chính là ông Sasaki Shurei (87 tuổi). Tuy nhiên, rất nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết về quá khứ không mấy tốt đẹp của ông.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem hành trình nào đã đưa ông Sasaki từ một nơi được cho là tận cùng của đáy xã hội, thành người có quyền lực cao nhất trong Giáo hội Phật giáo Ấn Độ nhé.

Khi còn là một học sinh lớp 8, ông đã bị ngã từ trên một đỉnh núi tuyết xuống đất và bị thương nặng. Kể từ đó, ông bắt đầu mất đi sự tự tin và trở nên nhút nhát trong mọi việc. Ngay cả khi tập luyện các môn thể thao ở trường, ông cũng không thể nào hòa nhập lại cùng bạn bè. Nhiều lần ông tự hỏi tại sao bản thân mình lại không thể làm được như mọi người và đã khóc rất nhiều.

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông không đi tìm việc mà bắt đầu cuộc sống như một kẻ lang thang đam mê tửu sắc. Hơn nữa, ông cũng đã từng tự tử ba lần nhưng không thành, do muốn sớm kết thúc cuộc sống mà ông cho là vô nghĩa. Ông luôn cảm thấy cô độc, mong ước sẽ ai đó đến cứu vớt cuộc đời ông, nhưng rồi cuối cùng vẫn chỉ là cảm giác tuyệt vọng.

Vào năm 25 tuổi, ông quyết định vào một ngôi chùa ở Thái Lan để tìm kiếm sự cứu rỗi. Dù đã quyết tâm tu tập để làm lại cuộc đời, nhưng dường như ông cũng không thể thay đổi tốt hơn là bao, khi có mối quan hệ bất chính với hai người phụ nữ cùng lúc. Hai người phụ nữ này sau đó đã phát hiện ra việc bản thân mình bị lừa dối và dùng súng đe dọa đòi lấy mạng ông.

Rất may cho ông là mọi chuyện đã được giải quyết một cách êm đẹp. Ông quyết định chọn rời khỏi Thái Lan và chuyển đến Ấn Độ vào năm 32 tuổi, để tiếp tục hành trình làm lại cuộc đời một lần nữa.

Khi đến Ấn Độ, ông chọn tu hành theo Ấn Độ giáo, một đạo giáo có sức ảnh hưởng rất lớn với khoảng 80% dân số là tín đồ theo đạo này. Ngoài ra, mỗi người từ khi được sinh ra tại đất nước này đã mang cho mình một địa vị nhất định trong xã hội. Dựa theo địa vị xuất thân của mỗi người, những người ở tầng lớp thấp nhất sẽ bị phân biệt đối xử một cách vô cùng hà khắc, mặc dù họ không làm gì sai cả.

Khi chứng kiến ​​việc người dân nước này bị đối xử chẳng khác gì một con vật, ông Sasaki đã rất tức giận và nói rằng: “Không phải thần linh sẽ gia hộ và cứu độ cho con người hay sao?”. Sau đó, ông đã từ bỏ Ấn Độ giáo để chuyển sang tu tập theo Phật giáo.

Kết quả là sau 50 năm hoạt động tích cực trong Giáo hội Phật giáo, Sasaki đã đưa số lượng Phật tử tại nước này tăng từ vài trăm nghìn lên hơn 150 triệu người. Điều có cũng khiến ông trở thành người có tiếng nói nhất trong giáo hội.

“Hãy vượt qua giới hạn của bản thân và dũng cảm đứng lên chiến đấu!”

Đây là lời kêu gọi được rất nhiều người hưởng ứng của ông Sasaki, vì chính bản thân ông cũng từng là một người đi lên từ dưới đáy xã hội.

Ông Ono Ryuko (48 tuổi), hiện là đồ đệ của Sasaki chia sẻ:

“Trước đây, tôi từng là một doanh nhân về ngành công nghệ thông tin, người đã tạo ra một ứng dụng rất phổ biến và có doanh thu hàng năm lên đến 10 tỷ yên. Nhưng cuộc đời tôi đã thay đổi từ khi tôi gặp được ông Sasaki.

Tất cả lời nói và hành động của ông Sasaki đều luôn vì người khác, tôi thật sự rất cảm động cách ông ấy sẵn sàng giúp đỡ mọi người, mà không quan tâm đến việc bản thân mình có bị họ lừa dối hay không. Sasaki giúp tôi nhận ra nhiều điều và tôi đã quyết định từ bỏ mọi thứ để theo ông học đạo.”

Cả Sasaki và Ono đều luôn mong muốn có thể giúp đỡ được thật nhiều người. Tuy nhiên, điều mà họ hy vọng là có thể truyền tải đến mọi người rằng trước tiên chúng ta cần phải chiến thắng bản thân của chính mình.

Giới hạn của bản thân chỉ là do chúng ta cảm giác, nó sẽ mất đi nếu chúng ta có thể nỗ lực tiến thêm một bước về phía trước. Vậy nên chẳng phải điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là chiến đấu cho đến khi vượt qua giới hạn của chính mình hay sao?

Abe Kengo
Xem thêm: