Wabi và Sabi trong mỹ học của Nhật Bản

Bạn đã bao giờ cảm nhận rõ được sự khác biệt khi tận mắt trải nghiệm các tác phẩm như tranh, vườn, hay văn học của Nhật Bản hay chưa?

Những khác biệt trong nghệ thuật này được tạo ra nhờ sự tồn tại của cái gọi là Wabi và Sabi, vốn là cốt lõi của mỹ học truyền thống Nhật Bản. Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó hiểu, nhưng tôi sẽ giải thích cho bạn về hai điều vốn được cho là nền tảng của văn hóa Nhật Bản này.

Wabi là gì?

Nói đơn giản đó chỉ là sự yên tĩnh, nhưng con người lại có thể cảm nhận được vẻ đẹp chứa đựng bên trong sự tĩnh lặng ấy. Ngoại trừ một số tác phẩm, hầu hết những ngôi vườn và tranh vẽ của Nhật đều không sử dụng các màu sắc lòe loẹt, mà màu sắc của chúng được dựa trên những màu giản dị từ thiên nhiên. Giống như ngôi chùa dát vàng Kinkakuji ở Kyoto tuy rất đẹp, nhưng lại được cho là không chứa đựng được Wabi ở bên trong.

Mặt khác, nhiều người thường nghĩ rằng bóng tối chẳng có gì khác ngoài một màu đen buồn tẻ. Nhưng với tôi đó là một cảm giác thật tuyệt khi lắng nghe tiếng ếch nhái trong màn đêm, để có thể cảm nhận được không gian thanh bình của đêm hè. Khi trời bắt đầu sang thu, việc lắng nghe âm thanh của những loài côn trùng để cảm nhận mùa cũng được gọi là Wabi.

Sabi là gì?

Đó là sự cảm nhận tinh tế về những thay đổi của sự vật theo thời gian giống như một nghệ thuật vậy. Đối với những khu vườn Nhật Bản, rêu mọc lên trên đá và cây, khiến người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp từ đó và đây được gọi là Sabi.

Những bức tranh cũ sẽ dần thay đổi màu sắc của chúng theo thời gian. Tất nhiên nếu cứ để nguyên như vậy thì chỉ càng làm cho chúng bẩn hơn, nên việc quản lý sao cho sự thay đổi theo thời gian có thể khiến chúng trở đẹp hơn mới là cả một nghệ thuật. Thời gian tác động lên tất cả những thứ gọi là nghệ thuật. Vì vậy, thông qua nghệ thuật chúng ta cũng sẽ cảm nhận được dòng chày của thời gian từ trong đó.

Việc chọn Wabi và Sabi để làm nghệ thuật với mục đích tạo ra sự không hoàn hảo

Sabi tượng trưng cho dòng chảy của thời gian, nên nó không mang bất kỳ hình thức cố định nào. Thời gian sẽ cứ tiếp tục trôi và Sabi sẽ mãi là một nghệ thuật không có hình thái hay một điểm dừng cuối cùng nào cả.

Tương tự với Wabi cũng vậy. Ở các khu vườn của nước Anh, bố cục cơ bản của chúng thường được sắp xếp một cách cân đối và ngay ngắn ở hai bên. Nhưng ngược lại ở các khu vườn của Nhật Bản, rất khó để người ta có thể tìm ra sự cân xứng trong thiết kế của chúng. Nhờ vậy họ sẽ có thể tìm thấy được những vẻ đẹp từ trong chính sự không hoàn hảo ấy.

Ví dụ như khi trồng cây trong vườn, thông thường mọi người sẽ đặt vị trí của ba cây thành một hình tam giác cân. Nhưng tôi thì nghĩ chúng ta nên đặt chúng sao cho có thể thưởng thức được quang cảnh của khu vườn từ nhiều góc độ khác nhau.

Các công trình kiến ​​trúc ở Nhật cũng áp dụng triết lý này, như đền Toshogu ở thành phố Nikko thuộc tỉnh Tochigi. Tại đây có một cánh cổng được chạm khắc rất tinh xảo gọi là Yomeimon, nhưng một trong những cây cột bên trong cổng lại bị dựng ngược.

Đó không phải do sai sót, mà là do người ta đã cố ý lộn ngược nó lại. Người ta tin rằng những thứ được hoàn thành rồi cũng sẽ chỉ bị hủy hoại. Nó cũng là lý do tại sao họ lại chọn cách làm khuyết đi một điểm và cầu nguyện cho vẻ đẹp của nó sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian.

Nhật Bản có một nền mỹ học vô cùng tinh thế và phức tạp, khó có thể tìm thấy được ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Vậy nên qua bài viết này, tôi hy vọng các bạn sẽ có thể hình dung được ít nhiều về khái niệm mỹ học ở đất nước mặt trời mọc này.

Abe Kengo
Xem thêm: