Mỹ học của Nhật Bản xem trọng Trung Nghĩa hơn cả Cái Chết
Lòng trung nghĩa là sự trung thành tuyệt đối với một tổ chức hay người đã thu nhận mình. Trong cách suy nghĩ của samurai, họ luôn mong muốn có thể mang theo lòng trung nghĩa của mình cho đến hơi thở cuối cùng.
Các bạn hãy cùng xem qua tinh thần samurai và tìm hiểu về quan điểm mỹ học này là như thế nào nhé.
Lực lượng cảnh vệ Shinsengumi
Vào thời đại samurai, hệ thống giai cấp trong xã hội vô cùng hà khắc. Để trở thành samurai, thông thường người đó phải là con trai của một samurai. Tuy nhiên, cũng có không ít câu chuyện về những người đàn ông xuất thân từ tầng lớp nông dân, lại được thu nhận để chiến đấu như một samurai thực thụ. Vì vậy, họ luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ lòng trung nghĩa đối với chủ nhân.
Khi thời đại của samurai kết thúc và bắt đầu chuyển sang một thời đại mới, các samurai này vẫn trung thành đứng về phía chính quyền cũ. Vì họ không bao giờ quên ơn người đã từng cho họ cơ hội để trở thành samurai, nên đã quyết định chiến đấu vì chính quyền cũ cho đến chết.
Những samurai này bị chính quyền mới xem là tội phạm. Tuy nhiên nếu đầu hàng, họ vẫn sẽ được trọng dụng vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền mới. Thế nhưng điều mà các samurai này quan tâm chỉ là làm sao để có thể bảo vệ được hai chữ “trung nghĩa”. Vì vậy, kết cục cuối cùng của họ đều là bị giết hoặc tự sát.
Sự kiện Ako Roshi
Sự kiện này bắt nguồn từ việc chủ nhân của các samurai đã rất tức giận khi bị một người khác chế giễu tại Lâu đài Edo (trung tâm của chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ), nên ông ta đã tấn công kẻ gây chuyện với mình. Theo luật pháp ở Nhật Bản vào thời điểm đó, một cuộc ẩu đả như vậy được cho là sẽ “có hại cho cả hai bên”, nhưng chỉ có bên tấn công trước mới phải bị xử tử.
47 thuộc hạ của người đàn ông này không phục với phán quyết bất công như thế, nên đã giết chết kẻ gây chuyện để trả thù cho chủ nhân của mình. Sau đó họ đã đem đầu của hắn ta đến dâng lên trước mộ chủ nhân. Chính quyền sau khi biết tin đã bắt được 46 samurai và bắt họ phải mổ bụng tự sát. Còn lại một samurai đã trốn thoát được và từ đó không ai biết về tung tích anh ta.
Ta có thể thấy lòng trung nghĩa của các samurai được dùng để trả thù cho tội lỗi của chủ nhân mình, bất kể họ có phải đối mặt với cái chết đi nữa. Cả hai sự kiện này về sau đều trở thành những câu chuyện sử thi ở Nhật Bản và là một trong những ví dụ điển hình nhất về lòng trung nghĩa của samurai. Người ta còn dựng những câu chuyện này thành các bộ phim truyền hình, khiến chúng trở nên rất nổi tiếng ở Nhật Bản.
Có lẽ quan niệm về lòng trung nghĩa của các samurai có phần hơi tiêu cực và sai lệch, vì trung nghĩa không có nghĩa là phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của chủ nhân. Nếu họ nghĩ rằng hành động của chủ nhân là không đúng và không có lợi cho chính bản thân ông ta, thì cho dù có phải dùng tính mạng của bản thân để lên tiếng và đưa ra khuyến nghị thì mới là cách làm khôn ngoan.
Có như vậy mới giúp cho chủ nhân mình tránh được bản án “tử hình”. Cho dù không xem trọng mạng sống của bản thân đi nữa, thì ít nhất họ cũng nên dùng nó để bảo vệ lấy mạng sống quý giá của chủ nhân phải không nào?
Các công ty Nhật có mang tư tưởng về mỹ học này cũng thường tìm kiếm lòng trung nghĩa ở các nhân viên trong công ty. Trong thời đại ngày nay, tuy không cần thiết phải mạo hiểm đến mạng sống của chính bạn cho công việc, nhưng mọi người sẽ đánh giá cao nếu bạn có thể toàn tâm toàn ý vì công ty mà cống hiến hết sức lực của mình.
Vì nhiều người ngày càng có xu hướng thích tự do thay đổi công việc, nên có lẽ rất khó để bắt họ trung thành với một công ty nào đó. Tuy nhiên, nếu bạn thử nghĩ một chút về tình yêu đối với công ty theo như quan niệm về mỹ học trong trái tim người Nhật, có lẽ bạn sẽ cảm nhận được “lòng trung nghĩa” cũng giống như sự thủy chung mà bạn dành cho người mình yêu vậy.
Abe Kengo