Khoảng cách thế hệ – Sự khác nhau về quan điểm của từng thế hệ ở Nhật Bản

Những lời than vãn về “giới trẻ ngày nay” có lẽ từ lâu đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Người ta nói rằng lời than vãn như thế này vốn đã được viết bởi một công nhân xây dựng kim tự tháp Ai Cập. Thế thì đâu là sự khác biệt giữa các thế hệ đang làm việc trong xã hội Nhật Bản hiện tại?

Khi đã bước sang tuổi 50 vào năm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn về khoảng cách thế hệ ở Nhật Bản mà bản thân tôi đã trông thấy được.

Thế hệ của những người từ 50 tuổi trở lên

Thế hệ này được gọi là “Thế hệ Showa”, vì đó niên hiệu của thời đại mà những người ở lứa tuổi như tôi được sinh ra. Tôi lớn lên trong một thời đại mà chưa có internet hay điện thoại di động, ngay cả việc đến trường lúc ấy cũng khá khó khăn.

Ưu điểm về quan niệm của thời đại này là mọi người thường muốn có được sự gan góc cho bản thân. Họ không ngần ngại khi phải thức trắng đêm để có thể hoàn thành công việc. Vì cũng có nhiều người xem trọng việc xây dựng các mối quan hệ con người thông qua công việc, nên họ thường hướng đến làm các công việc có liên quan đến bán hàng.

Còn nhược điểm của thế hệ này cũng chính là việc họ thường dùng sự gan góc ấy để xử lý mọi công việc. Trong thời đại ngày nay, khi tính chất của các công việc ngày càng trở nên phức tạp, thì chỉ với sự gan góc ấy thôi là chưa đủ để họ có thể giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong công việc.

Thế hệ của những người từ 30 đến 40 tuổi

Thế hệ này còn được gọi là “Thế hệ Heisei”, theo niên hiệu của năm mà họ được sinh ra. Do môi trường giáo dục ở thế hệ Showa đã từng rất nghiêm khắc, nên ngược lại như một phản ứng tự nhiên thì môi trường giáo dục ở thế hệ này đã trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều.

Ưu điểm của thế hệ này là khi xét về độ tuổi, họ nằm giữa ba thế hệ được giới thiệu đến trong bài viết này, nên tôi nghĩ đây được xem là thế hệ cân bằng nhất.

Nhược điểm đó là họ thường không cố gắng tự giải quyết khi có vấn đề phát sinh, họ nghĩ rằng cách tốt nhất là nên hỏi mọi người ngay lập tức. Tuy đó có thể là giải pháp nhanh nhất, nhưng nếu cứ làm vậy thì họ sẽ rất khó để có thể vượt mặt những người đã chỉ dạy cho mình.

Thế hệ của những người dưới 20 tuổi

Những người trẻ này được gọi là “Thế hệ Z”. Họ được sinh ra trong một thời đại mà công nghệ thông tin đã rất phát triển, khi Internet và điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đó cũng là lúc nền kinh tế ở Nhật Bản đã trở nên suy yếu, nên tôi không chắc rằng mọi thứ có thật sự tốt cho họ hay không?

Ưu điểm của “Thế hệ Z” là khả năng sử dụng máy móc và công nghệ mới mà không cần phải gặp quá nhiều khó khăn. Việc nền kinh tế thế giới trở nên suy thoái cũng đã khiến cho những người trẻ này không còn thói quen tiêu xài phung phí như trước.

Nhược điểm đó là việc lớp trẻ hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào Internet, vì họ có thể tìm hiểu mọi thứ trên mạng mà không cần phải đi hỏi ai khác. Nhưng cũng do quá tin vào những thông tin trên mạng, nên họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực trên đó. Đồng thời, điều đó cũng sẽ làm giảm khả năng giao tiếp của họ với mọi người xung quanh, khiến họ trở nên vụng về trong việc xây dựng các mối quan hệ con người.

Có thể thấy được khoảng cách thế hệ tồn tại những khác biệt khá lớn về quan niệm của con người chỉ trong 30 năm. Tuy tôi cũng thường có xu hướng biện hộ cho thế hệ Showa của mình, nhưng thời thế đã thay đổi và tôi nghĩ bản thân cần phải nỗ lực để hiểu được suy nghĩ của những người trẻ tuổi.

Mặc dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng thế hệ trẻ nên biết lý do mà Nhật Bản có thể trở nên hùng mạnh là nhờ được tạo nên bởi những người thuộc “thế hệ Showa”. Thế nên điều quan trọng ở đây là chúng ta có thể tìm được sự cân bằng, thông qua việc học hỏi những ưu điểm trong từng thế hệ phải không nào?

Abe Kengo
Xem thêm: