Giải đáp bí ẩn tại sao các nhà sư Nhật Bản có thể ăn thịt, uống rượu và kết hôn

Ngay cả ở trong đạo Phật, những nhà sư Nhật Bản cũng có nhiều điểm khác biệt so với thế giới. Đó là việc họ có thể ăn thịt, uống rượu và thậm chí là kết hôn.

Hầu hết mọi người khi nghe như vậy đều thắc mắc rằng liệu các nhà sư Nhật Bản có quá tự do hay không? Đối với Phật giáo ở các nước khác thì điều này rất khó có thể chấp nhận, nhưng lần này tôi sẽ giải đáp cho bạn bí ẩn đằng sau các điều luật của Phật giáo Nhật Bản.

Nhà sư có thể ăn thịt?

Điều đó phụ thuộc vào luật lệ của mỗi tôn giáo, nhưng về cơ bản thì các nhà sư Nhật Bản không được phép ăn thịt. Tuy nhiên, nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện sau đây thì dù họ có ăn thịt cũng không sao.

Có một khái niệm về ba loại thịt sạch, nghĩa là có thể đáp ứng được 3 điều kiện sau: “見” (Kiến), ”聞” (Văn), ”疑” (Nghi).

Giải nghĩa

Kiến: Không thấy con vật bị giết

Văn: Không nghe con vật đã bị giết vì mình

Nghi: Không nghi ngờ con vật đã bị giết vì mình

Chẳng hạn khi ai đó có cơ hội mời nhà sư dùng bữa cùng mình trong đám tang, thì nhà sư cũng có thể ăn các món mặn mà gia chủ đã chuẩn bị từ trước. Ngược lại, nếu họ nói với nhà sư rằng: “Tôi đã đặc biệt chuẩn bị món ăn này cho thầy, vậy nên thầy hãy ăn nhiều vào nhé!”. Trong trường hợp này về nguyên tắc thì nhà sư không được phép ăn.

Nhưng gia chủ cũng chỉ vì muốn bố thí và mang lòng thành kính đối với nhà sư, nên nhà sư sẽ ăn món ăn đó bằng lòng biết ơn đối với những gì đã được chuẩn bị vì mình. Điều đó có nghĩa là các nhà sư thật ra cũng có thể ăn thịt như một người bình thường.

Nhà sư có thể uống rượu?

Người ta nói rằng rượu sake ban đầu được làm bởi các vũ nữ trong đền thờ để dâng lên các vị thần. Trong số các tôn giáo của Nhật Bản, Shinto hay còn gọi là Thần đạo lại xem rượu sake như một trong những thứ thiêng liêng.

Phật giáo đã du nhập vào Nhật Bản và được hợp nhất cùng với Thần đạo. Người ta nói rằng trước đây có nhiều ngôi chùa còn nấu rượu sake, nên cho tới ngày nay các nhà sư cũng vẫn được phép uống rượu.

Tuy nhiên, có một quan niệm triết lý gọi là “Onshukai”, dạy rằng uống rượu là điều không nên làm khi tu hành theo đạo Phật. Nhưng đó không phải là một quy tắc nghiêm ngặt như ở các quốc gia khác, nên nếu nhà sư có uống rượu đi nữa thì cũng không bị xem là phạm giới.

Nhà sư được phép kết hôn?

Đây là một trong những điều gây bất ngờ nhất đối với người nước ngoài. Đó là việc các nhà sư ở Nhật Bản có thể kết hôn. Ở Nhật Bản có rất nhiều chùa, theo như số liệu thống kế có tổng cộng 77.256 ngôi chùa trên toàn nước Nhật.

Trong số đó cũng bao gồm các ngôi chùa nhỏ để trông coi những ngôi mộ của người dân địa phương. Những ngôi chùa nhỏ này thường có nguy cơ bị mất đi do không có người để kế nghiệp.

Người dân địa phương lo lắng rằng họ sẽ gặp rất rắc rối nếu không có ai trông coi phần mộ của tổ tiên mình, nên mọi người đã ủng hộ việc các nhà sư có thể kết hôn để người kế vị chức trụ trì cho ngôi chùa. Thay vì cho rằng các nhà sư muốn kết hôn, nhưng nói đúng hơn đây chính là mong muốn của tất cả người dân đối với việc duy trì những ngôi chùa ở các địa phương.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là cho phép các nhà sư có thể tự do ăn chơi phóng khoáng bên ngoài, vì điều này ngay cả đối với một người bình thường cũng bị cho là hành động trái với đạo đức.

Bạn cảm thấy sao về ba điều bí ẩn của các nhà sư Nhật Bản? Đối với tôi thì về lý do để được phép ăn thịt có hơi giống cái cớ để các nhà sư ăn như một người bình thường, nhưng suy cho cùng có lẽ là vì các nhà sư cũng là con người mà thôi.

 

Abe Kengo
Xem thêm: