Người Nhật là dân tộc lịch sự và cũng là dân tộc có tâm địa xấu nhất thế giới?

Nhật Bản được thế giới biết đến là một đất nước luôn đề cao tính lịch sự. Từng có những câu chuyện khiến thế giới phải nể phục khi người Nhật ở lại khán đài để nhặt rác sau một trận đấu bóng đá quốc tế. Ngay cả trong phòng thay đồ của các cầu thủ, người ta cũng thấy mọi thứ được dọn dẹp vô cùng ngăn nắp và sạch sẽ sau khi đội tuyển Nhật Bản rời đi.

Tuy nhiên, bạn có biết không ít những chỉ trích cho rằng đằng sau tính lịch sự ấy của người Nhật lại tồn tại một tâm địa xấu nhất thế giới hay không?

Đặc biệt là trong thời đại mà các trang mạng xã hội ngày càng phổ biến, tâm địa xấu này càng dễ được nhìn thấy qua những bình luận tiêu cực mang tính công kích, mà hậu quả
của nó khiến cho nhiều người phải rơi vào trạng thái trầm cảm hay thậm chí chọn cách tự sát.

Những việc như vậy dường như đã trở thành vấn nạn chung trên toàn thế giới, nhưng tôi cho rằng Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội.

Điều gì đang xảy ra với người Nhật kể từ khi mạng xã hội xuất hiện?

Nhiều người Nhật thường có xu hướng không muốn bày tỏ ý kiến tiêu cực của mình trước mặt người khác. Vậy nên họ thường sử dụng nụ cười giả tạo để đánh lừa mọi người, rồi sau đó lên mạng xã hội để nói ra hết những lời than phiền của bản thân. Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả người Nhật nào cũng đều như vậy.

Những người Nhật không muốn bàn luận trực tiếp với người khác sẽ chọn cách thay đổi phương thức giao tiếp của họ bằng việc tạo ra các tài khoản ảo trên mạng xã hội. Mặc dù các mạng xã hội thường khuyến cáo người dùng nên sử dụng tên thật của mình, nhưng vẫn có rất nhiều người đang giấu đi tên thật của họ. Vì họ nghĩ điều này cho phép họ có thể tự do phán xét đối phương mà không sợ bị người khác công kích ngược lại. Đối phương sẽ không thể biết được họ là ai để mà tìm gặp và nói chuyện rõ ràng.

Trái với bài đăng của những người nổi tiếng mà ai cũng có thể xác định danh tính rõ ràng, thì đa số những phần bình luận bên dưới đều được viết từ tài khoản ảo và rất khó để có thể điều tra ra họ là ai. Như vậy thì bạn có cảm thấy quá bất công hay không?

Bản chất của tính dân tộc

Điều này cũng đã một phần được thể hiện ở độ khó của tiếng Nhật, đó chính là một khía cạnh khác trong tính dân tộc vốn mang một ý niệm xấu mà không thể diễn đạt một cách rõ ràng.
Nó có thể được ví như từ “Iyami” trong tiếng Nhật, tạm dịch là lời mỉa mai. Nghĩa là họ sẽ xem bạn như một kẻ ngốc và nói những lời giống như đang khen ngợi, nhưng thật ra là đang chế giễu bạn mà thôi.

Có lẽ bạn nên đặc biệt chú ý điều này ở Kyoto. Khi bạn được một ai đó khen, khả năng cao sẽ có ẩn ý đằng sau lời khen ấy. Ví dụ như câu: “Thật tốt khi trông thấy bạn khỏe mạnh như vậy đó!”
Tuy nghe có vẻ giống như một lời khen, nhưng ý nghĩa thật sự mà họ muốn nói đó là: “Bạn thật là ồn ào!”. Quả thật là rất phức tạp phải không nào?

Do ở Osaka không có mấy ai sử dụng cách nói như thế, nên tôi nghĩ tiếp theo sau Kyoto sẽ là Tokyo! Có lẽ vì được quá nhiều người biết đến cách nói chuyện châm biếm của người Tokyo, nên bản thân tôi là người dân Tokyo nhiều lúc cũng bị mọi người hiểu lầm khi chỉ muốn nói chuyện đùa vui một chút. Nên dù là không biết người Nhật mà bạn gặp như thế nào, nhưng bạn cũng hãy nên để ý đến những điều mà họ nói ra liệu rằng có còn ý nghĩa gì khác hay không.

Có một tính dân tộc mang các ý niệm xấu và tồn tại bên trong tiếng Nhật, nên đó cũng là lý do mà người Nhật thường hay suy nghĩ lại sau một cuộc trò chuyện như: “Tại sao người đó lại phải tốn công nói ra những điều như thế?”. Qua đó, chúng ta có thế thấy được tính cách của người Nhật cũng vô cùng khó hiểu giống như ngôn ngữ của họ vậy.

Abe Kengo
Xem thêm: