Cách ngồi đúng của người Nhật không phải là Seiza?
Seiza hay còn được gọi là kiểu ngồi “Chính tọa”, bằng cách gấp hai chân của bạn lại và ngồi lên chúng giống như đang quỳ gối. Đây là kiểu ngồi trang trọng trong võ thuật, thư pháp, hay trà đạo. Tuy nhiên, bạn có biết ban đầu Seiza đã từng không được công nhận là cách ngồi đúng và lịch sự hay không?
Lịch sử ra đời của kiểu ngồi Seiza
Tôi cũng từng nghĩ về hình ảnh của samurai với kiểu ngồi Seiza, nhưng thật ra ý nghĩa ngôn từ cũng như khái niệm về kiểu ngồi này lại được hình thành từ sau thời Minh Trị, khi mà thời đại của các samurai đã kết thúc.
Trước đó, “Seiza” là từ ngữ được dùng để diễn tả về sự “cung kính” và “quỳ gối”. Ngoài những trường hợp cần thiết, thông thường mọi người sẽ rất hạn chế kiểu ngồi như thế.
Khi Seiza được dùng với ý nghĩa cung kính
Có thể nói ngày xưa Seiza chỉ được giới hạn ở lúc bái lễ và thờ cúng các bậc bề trên trong đền thờ Thần đạo hay các ngôi chùa Phật giáo. Vậy nên nó vốn không phải là cách ngồi lịch sự trong cuộc sống thường ngày, mà là cách ngồi để bày tỏ lòng cung kính đối với người đối diện. Vì thế cũng có người nói rằng samurai và phụ nữ Nhật ngày xưa có thể ngồi bắt chéo chân hoặc thậm chí ngồi chống tay lên gối.
Khi Seiza được dùng với ý nghĩa lịch sự
Tuy nói rằng khái niệm của Seiza ngày nay được hình thành từ sau thời đại samurai, nhưng vào kỷ nguyên cuối cùng của samurai trong thời Edo, dường như cũng đã có một số nơi quy định Seiza là kiểu ngồi chính thức. Đó là trong những cuộc gặp mặt với các tướng quân.
Tướng quân khi ấy được xem là “Vua của các samurai”, nên mọi người thường tôn kính họ giống như những vị thần vậy. Ngoài ra, cũng sẽ rất khó để một người có thể lập tức cầm kiếm đứng dậy khi đang ngồi theo kiểu Seiza. Nên quy định về cách ngồi này cũng là để các vị tướng đề phòng việc bị đối phương ám sát.
Một yếu tố khác liên quan đến sự phổ biến của chiếu tatami. Ngày xưa, các hộ gia đình bình thường đều có sàn nhà làm bằng ván gỗ, nên nếu ngồi như thế sẽ rất đau chân.
Nhờ sự phổ biến của chiếu tatami nên sàn gỗ trong phòng của người Nhật đã được thay thế thành các tấm chiếu mềm mại hơn. Điều này đã giúp cho đầu gối mọi người đỡ đau hơn nhiều khi ngồi theo kiểu Seiza và cơ thể cũng dễ dàng giữ được thăng bằng hơn.
Seiza vốn từng không được xem là kiểu ngồi lịch sự ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như khi phải gặp mặt các tướng quân ngày xưa. Nhưng nay nó đã được mọi người công nhận là một kiểu ngồi đúng và mang tính lịch sự như tên gọi của nó.
Nhưng đối với một người Nhật như tôi thì cũng không mấy thích cách ngồi gây tê chân như vậy. Tôi đã từng tham gia lớp học thư pháp, nhưng đã phải bỏ cuộc chỉ vì không hợp với tư thế Seiza. Vậy còn bạn có thể ngồi tư thế Seiza này trong bao lâu nào?
Abe Kengo