MRJ – Dự án sản xuất máy bay chở khách đã bị đình trệ bởi chính phủ Nhật
Trong chiến tranh, ngành công nghiệp sản xuất máy bay của Nhật Bản đã sở hữu những công nghệ hàng đầu trên thế giới. Những giới hạn trong ngành này không chỉ tồn tại ở thời điểm hiện nay mà còn là câu chuyện của quá khứ. Đó là khi Nhật Bản đã sản xuất ra máy bay cỡ trung có thiết kế cánh quạt hay còn gọi là YS-11.
Nhằm chạy đua với thời đại máy bay phản lực, dự án MRJ (Space Jet) đã được bắt đầu với ước mơ đưa máy bay cỡ trung mang thương hiệu Made in Japan sải cánh khắp bầu trời trên thế giới. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi dự án này đã bị tạm dừng. Trong khi đó, HONDA JET – một dự án được phát triển bởi công ty HONDA, lại nhận được đánh giá rất cao và hiện nay doanh số ngày càng tăng vọt.
Vậy bạn có biết nguyên nhân tại sao HONDA thành công trong khi MRJ lại thất bại? Chẳng phải nguyên nhân chính là do chính phủ Nhật Bản hay sao? Có lẽ bạn sẽ hơi bất ngờ khi biết được những mặt tối của chính phủ Nhật Bản đấy!
Liệu năng lực công nghệ cao có phải là tất cả?
Dự án MRJ được khởi xướng bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp phối hợp cùng tổ chức phát triển Công nghệ, Công nghiệp và Năng lượng Mới của Nhật Bản (NEDO), một tập đoàn nghiên cứu quốc gia.
Trong dự án này, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries là đơn vị đóng vai trò chính và cũng có sự tham gia của cơ quan thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Vì vậy, dự án này đã bắt đầu với quy mô tầm cỡ quốc gia.
Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries là một tập đoàn có quy mô lớn chuyên chế tạo máy bay chiến đấu cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nên hiển nhiên họ sở hữu nhiều công nghệ sản xuất máy bay. Hơn nữa, vì tập đoàn Mitsubishi cũng vận hành việc phát triển ô tô nên họ có kiến thức và cách tiếp cận về các tiêu chuẩn an toàn cho phương tiện giao thông.
Do đó về mặt kỹ thuật, dự án MRJ hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể tiếp tục sản xuất và bán ra thị trường. Thế nhưng, cuối cùng thì MRJ lại không thể nhận được giấy chứng nhận tiêu chuẩn. Đây là giấy chứng nhận liên quan đến các tiêu chuẩn an toàn do nước sản xuất chủ động quyết định cấp phép, thế nhưng chính phủ Nhật Bản đã không cấp giấy phép cho dự án này.
Tại sao chính phủ không cấp phép cho dự án này?
Nguyên nhân chính được cho là do sự trốn tránh trách nhiệm của các quan chức trong chính phủ Nhật Bản.
Chúng ta sẽ phải làm gì nếu sau khi cấp phép, nó sẽ được bán trên toàn thế giới nhưng lỡ đâu lại có vấn đề thì sao?
Có lẽ chính phủ đã lo sợ như thế! Ngoài ra, họ không có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong việc kiểm tra và cấp phép hạng mục này. Do đó, các hạng mục được chỉ ra trong quá trình kiểm tra đã thay đổi xoành xoạch và dự án đã không biết bị trì hoãn bao nhiêu lần. Cuối cùng, các quan chức chính phủ đã quyết định việc tiếp tục là không khả thi và dự án đã bị tạm dừng. Vậy nên cốt lõi của vấn đề lần này không phải là về mặt sản xuất, mà chính là việc cấp phép từ phía chính phủ Nhật Bản.
Tại sao dự án HONDA JET lại được chính phủ chấp thuận?
Lý do rất đơn giản. Vì Honda Aircraft Company – công ty sản xuất máy bay HONDA JET là một công ty của Mỹ, nên sản phẩm này đã được sản xuất tại Mỹ.
Một ví dụ khác là Trung Quốc cũng sản xuất máy bay, nhưng họ tập trung vào việc sử dụng nội địa nên không cần có giấy chứng nhận quốc tế, chỉ cần chính phủ Trung Quốc công nhận tính an toàn là đủ.
Tương tự, dự án MRJ ban đầu được sản xuất để phục vụ thị trường nội địa Nhật. Mặc dù sau này có kế hoạch mở rộng ra các tuyến quốc tế, nhưng vì không được chấp thuận bởi chính phủ Nhật Bản nên dự án đã bị gác lại.
Ngành công nghiệp hàng không toàn cầu là một ngành công nghiệp lý tưởng với quy mô khoảng 130 nghìn tỷ yên và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tỷ lệ 5% hàng năm. Vì quy mô sản xuất lớn và cần nhiều nhân công, nên đây chính là một giải pháp cho bài toán suy thoái kinh tế của Nhật Bản.
Lần này bởi do sự trốn tránh trách nhiệm của chính phủ mà ước mơ về một chiếc máy bay tầm trung mang thương hiệu Nhật Bản đã tan thành mây khói. Dự án MRJ có thể sẽ được thử sức tại nước Mỹ nhưng nó sẽ không còn là “Made in Japan” nữa. Tôi nghĩ đó là một điều thật đáng tiếc cho một giấc mơ lớn của Nhật Bản.
Các dự án lớn tầm cỡ như MRJ đòi hỏi sự đoàn kết giữa chính phủ và doanh nghiệp thì mới có thể thành công. Việc đầu tư tới 600 tỷ yên từ ngân sách và sau đó chính phủ chọn cách rút lui đã khiến dự án này thất bại mà không một ai đứng ra để chịu trách nhiệm.
Đây là một ví dụ điển hình về “Mô hình thất bại kiểu Nhật”. Nếu chính phủ Nhật Bản không chịu trách nhiệm và có lập trường vững chắc hơn, thì trong tương lai toàn bộ các ngành công nghiệp lớn sẽ bị độc chiếm bởi các cường quốc trên thế giới.
Abe Kengo