Nhật Bản – Quốc gia đầu tiên trên thế giới chống lại nạn phân biệt chủng tộc
Mặc dù những lời kêu gọi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc đã xuất hiện liên tục qua nhiều năm tháng, nhưng vấn nạn này đến nay vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Bạn có cho rằng việc phân biệt đối xử dựa trên màu da, quê hương, màu mắt hoặc tôn giáo là một điều hết sức kỳ quặc hay không?
Khi mà nhiều người vẫn còn xem đó như một lẽ đương nhiên, Nhật Bản đã là quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt vấn đề và đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
Tại hội nghị hòa bình Paris của Hội Quốc Liên sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật Bản đã kêu gọi việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc cần được ghi một cách rõ ràng trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Sự việc này diễn ra vào năm 1919 – 1920, khi các nước phương Tây đang đóng vai trò là trung tâm của thế giới trong khi người châu Á lại rất bị xem thường.
Với vai trò là một quốc gia ở châu Á, Nhật Bản đã nhanh chóng nâng cao sức mạnh quân sự và vị thế của mình đến mức được trao quyền phát ngôn trên trường quốc tế. Từng là một đất nước bị phân biệt đối xử, Nhật Bản đã mạnh mẽ đưa ra đề xuất để giải quyết vấn đề này.
Kết quả là đề xuất của Nhật Bản đã bị từ chối dưới sự quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson. Tuy nhiên, sau đó cũng có một số người đã đến sống và trải nghiệm đất nước Nhật Bản. Như được sống trong một thế giới không còn nạn phân biệt chủng tộc, những người này đã nhanh chóng trở nên yêu thích đất nước Nhật Bản.
Nhà báo W.E.E.Du Bois
Ông là một nhà báo người Mỹ và là người đã lãnh đạo phong trào đòi quyền lợi bình đẳng cho người da đen. Ông đến Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 1936.
Mục đích chính của ông trong chuyến đi này là điều tra những ảnh hưởng của xã hội người da trắng đối với người da màu. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nói về sự kiện xảy ra tại Thượng Hải, Trung Quốc:
Một đứa trẻ da trắng khoảng 4 tuổi đã ra lệnh một cách rất trịch thượng cho ba người Trung Quốc trưởng thành: “Tránh đường!”. Trước dáng vẻ đó của cậu bé, những người Trung Quốc này ngay lập tức đã bỏ chạy.
Điều này dường như không chỉ xảy ra tại Thượng Hải mà còn rất phổ biến trên toàn khu vực châu Á lúc bấy giờ. Trải nghiệm này đã khiến ông nhận thấy rằng nạn phân biệt chủng tộc không chỉ tồn tại ở riêng nước Mỹ mà còn ở trên khắp thế giới.
Nhưng khi đến Nhật Bản, những gì Du Bois nhìn thấy lại hoàn toàn khác biệt. Khi ấy, ông đang làm thủ tục thanh toán tiền tại khách sạn ở Tokyo. Một phụ nữ da trắng đã ngang nhiên chen hàng ngay trước mặt ông nhưng lại tỏ ra như thể đó là một chuyện bình thường. Tuy nhiên, nhân viên của khách sạn này thay vì phục vụ người phụ nữ da trắng, thì họ vẫn tiếp tục phục vụ ông trước. Sau khi thanh toán xong, họ kính cẩn cúi chào Du Bois trước khi chuyển sang phục vụ người phụ nữ da trắng.
Với hành động như vậy, người nhân viên này đã thực sự gây cho ông ấn tượng mạnh mẽ. Sau đó, ông đã viết một vài nhận xét như sau:
“Ở Mỹ – quê hương của tôi, những người da đen không bao giờ được chào đón một cách tử tế thì nay ở Nhật Bản, tôi đã được đón tiếp một cách vô cùng tận tình. Đó là lòng hiếu khách đến từ trái tim. Người Nhật với cùng một nỗi khổ và cùng một số phận là người da màu, họ đã thực sự thấu hiểu để đồng cảm với chúng tôi – 12 triệu người da đen ở Mỹ.“
Với những trải nghiệm này, trong mắt ông Nhật Bản đã trở thành hình mẫu của một xã hội không có nạn phân biệt chủng tộc của thế giới tương lai.
Art Blakey
Đây là một huyền thoại trống jazz mà tôi vô cùng hâm mộ. Ông đã nói rằng: “Chỉ châu Phi và Nhật Bản là những nơi duy nhất chào đón chúng tôi như con người.”
Vào năm 1961, ban nhạc Jazz Messengers của ông đã đến Nhật Bản. Với sự nổi tiếng toàn cầu của mình, ông đã đưa nước Nhật đến với thời kỳ bùng nổ của nhạc jazz. Ban nhạc đã được chào đón nồng nhiệt và buổi biểu diễn còn được phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia.
Điều này đã khiến ban nhạc rất ngạc nhiên, vì họ chưa bao giờ nhận được sự chào đón như vậy ngay cả khi ở Mỹ – quê hương của chính họ. Sau khi đến Nhật Bản, họ đã trải qua nhiều trải nghiệm thú vị.
Các fan cuồng nhiệt đã xếp hàng dài ở sân bay để đón ban nhạc. Ban đầu ban nhạc không nghĩ rằng mình là người mà các khán giả ở Nhật Bản mong chờ, nên ngay khi nhận ra điều đó họ đã bất ngờ và hạnh phúc đến mức bật khóc.
Một người hâm mộ đã đến gần và nói với ông như sau:
“Ông Blakey, ông có thể chụp ảnh cùng tôi được chứ?”
Ông đã ngạc nhiên và hỏi: “Tôi là người da màu đấy. Liệu tôi có thể chụp ảnh cùng bạn được không?”
Người hâm mộ đáp rằng: “Tất nhiên là tôi biết. Xin ông hãy chụp ảnh cùng tôi. Tôi muốn giữ lại kỷ niệm này.”
Vì sự kiện này, ông đã trở nên yêu thích Nhật Bản và sau đó lấy một phụ nữ Nhật làm vợ.
Tất nhiên, có những người Nhật cũng mang thái độ phân biệt đối xử với người khác và tôi cảm thấy thật đáng tiếc về điều đó. Việc phân biệt đối xử dựa trên màu da, quốc tịch, giới tính, tôn giáo hay nơi họ lớn lên là một điều thật vô nghĩa, vì những thứ ấy hoàn toàn không thể nói lên được tính cách và đặc điểm riêng của một con người.
Chúng ta chỉ nên phán đoán một người là tốt hay xấu sau khi đã quan sát những điều họ làm. Có như thế, mọi người mới có thể chung tay tạo nên một xã hội “Nói không với nạn phân biệt chủng tộc”!
Abe Kengo