Palau – Tình yêu và lòng biết ơn từ những lời lẽ lăng mạ!

Bạn đã từng nghe về Palau – một quốc gia nhỏ ở Tây Thái Bình Dương? Đây chính là lá cờ của quốc gia này.

Nó có thiết kế khá giống với cờ Nhật Bản. Tuy Palau không thừa nhận điều này, nhưng nếu tôi nói rằng đất nước “Tân Nhật Bản” này được tạo nên từ những lời lẽ xúc phạm của các quân lính Nhật thì bạn có tin hay không?

Lịch sử của Palau

Vào thế kỷ 19, quốc gia này trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha và sau đó lại bị đô hộ dưới ách thống trị của người Đức. Giống như các nước thuộc địa khác, quốc gia này đã phải trải qua một thời gian dài bị áp bức.

Dân số của quần đảo Palau đã suy giảm đáng kể do các căn bệnh từ người châu Âu mang đến. Số dân trên đảo quốc này giảm từ hàng chục nghìn xuống chỉ còn vài nghìn người.

Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra và nước Đức bị đánh bại, quyền quản lý Palau được chuyển giao cho Nhật Bản. Người Nhật cho biết họ sẽ làm tất cả vì sự phát triển và hòa bình của Palau thông qua các việc như đào giếng, chữa trị cho người dân bị thương hay bệnh tật trên đảo, xây dựng đường sá, bệnh viện và trường học. Mọi thứ đều sẽ được hỗ trợ miễn phí.

20.000 người Nhật đã di cư đến nơi đây. Mối quan hệ của họ với cư dân địa phương rất tốt đẹp và họ còn giúp người dân khai hoang ruộng đất. Nhờ vậy mà đất nước Palau nhanh chóng trở nên giàu có và khác hoàn toàn với các quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của châu Âu.

Palau rơi vào tay người Mỹ trong Thế chiến thứ hai

Khi Nhật và Mỹ tuyên chiến với nhau, người dân Palau dự đoán nơi đây sẽ nhanh chóng trở thành bãi chiến trường. Bởi vị trí của Palau vô cùng hoàn hảo để Mỹ có thể sử dụng làm căn cứ cho cuộc xâm lược Đông Nam Á.

Palau – nơi cuộc sống đã trở nên giàu có hơn nhờ Nhật Bản, đã thề sẽ sát cánh chiến đấu cùng Nhật Bản. Đáp lại tấm lòng ấy của người dân, Thuyền trưởng Nakagawa – người đang đóng quân tại đây nói rằng: “Chúng tôi thề sẽ bảo vệ các bạn ngay cả khi có phải trả giá bằng mạng sống của chính mình”, nhưng ông lại không cho phép người dân trên đảo gia nhập quân đội của mình.

Cuộc chia ly đầy nỗi niềm và chua xót

Tuy nhiên, người dân trên đảo vẫn quyết định chiến đấu bên cạnh Thuyền trưởng Nakagawa, khiến thuyền trưởng Nakagawa đã phải từ chối người dân trên đảo bằng những lời nói gây sốc:

“Đừng ngu ngốc như thế. Các người chỉ là cư dân thuộc địa, nên chẳng thể làm được gì đâu.

Chúng tôi là những người lính Hoàng gia cao quý, sẽ không được phép chiến đấu cùng các người!”

Những người lính Nhật khác cũng bắt đầu xúc phạm người dân địa phương bằng những lời lẽ lạnh lùng.

Người dân trên đảo đã được sơ tán bằng những con tàu do Nhật Bản cung cấp. Họ đã rất thất vọng và tức giận nói rằng: “Chúng tôi thật ngu ngốc khi đã tin vào người Nhật.”

Điều cuối cùng người dân trên đảo nghe thấy từ trên con tàu sơ tán là những người lính Nhật đang hét lên để tiễn biệt họ: “Hãy sống thật có ích nhé!”

Đó là cách mà llính Nhật đã chọn lựa để có thể sơ tán cư dân trên đảo. Sau đó, quân đội Mỹ đã tấn công vào nơi này và tiêu diệt hơn 10.000 lính Nhật.

Mỹ muốn biến Nhật Bản thành kẻ xấu xa

Mỹ thay Nhật Bản cai trị Palau. Đối với cư dân trên đảo, người Mỹ cũng rất tốt bụng giống như người Nhật. Nhưng có một điều mà họ không thể chấp nhận được là việc bị người Mỹ dạy rằng người Nhật rất xấu xa.

Dù những cuốn sách giáo khoa lịch sử mà người Mỹ viết ra tại nơi đây đều dạy rằng người Nhật đã phạm phải những tội ác tàn bạo, thế nhưng người dân Palau vẫn tiếp tục yêu mến Nhật Bản.

Tình yêu dành cho Nhật Bản vẫn còn đó

Tiếng Palau là ngôn ngữ chính thức của Palau nhưng nó có chứa nhiều từ của tiếng Nhật. Ngoài tiếng Palau và tiếng Anh, tiếng Nhật đã được công nhận là ngôn ngữ chính thức tại bang Angaur của Palau. Ngoài Nhật Bản ra, thì điều này chỉ có ở đất nước Palau.

Nhiều người dân nước này cũng đang chọn tiếng Nhật là ngoại ngữ chính cho con mình. Một tình yêu sinh ra trong một lịch sử có kết thúc buồn, nhưng nó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Tôi mong rằng mối quan hệ thân tình giữa hai quốc gia này sẽ mãi tiếp tục và ngày càng sâu sắc hơn.

Abe Kengo
Xem thêm: