Samurai mưu lược và khôn ngoan bậc nhất đã thống nhất Nhật Bản là ai?

Đó chính là Tokugawa Ieyasu – người được biết đến là một trong những samurai đã có công lớn trong sự nghiệp thống nhất Nhật Bản.

Ông đã lập ra Mạc phủ Edo và cũng là chính quyền nắm giữ mọi quyền hành cao nhất ở Nhật Bản trong suốt hơn 260 năm. Để làm nên được những thành tựu như vậy, tất cả đều là nhờ vào tài năng chiến lược tâm lý vô cùng khéo léo của Ieyasu.

Thay đổi đất nước

Vào thời điểm đó, đất nước do Thiên hoàng đứng đầu được chia thành nhiều vùng giống như các tỉnh thành ở Nhật Bản hiện nay.

Các samurai tại những vùng đất này sẽ là người thay mặt Thiên hoàng để cai trị và được gọi lãnh chúa. Tùy vào hoàn cảnh mà samurai sẽ được chuyển đổi đến một vùng khác để cai trị. Đó được gọi là “thay đổi đất nước”.

Bởi những vùng đất này từng là các quốc gia nhỏ được cha ông của samurai truyền lại qua nhiều thế hệ, nên đa số samurai đều rất ghét việc phải rời bỏ quê hương để đi đến một vùng đất xa lạ. Hơn nữa, người dân sống ở các khu vực này cũng sẽ cảm thấy lo lắng khi có một samurai từ nơi khác đến cai trị cuộc sống của họ.

Tất nhiên, các lãnh chúa cũng có thể lựa chọn làm theo hoặc từ chối mệnh lệnh, nhưng Ieyasu thì luôn sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của triều đình.

Ngoài mặt là như vậy, nhưng bên trong Ieyasu lại âm thầm mượn việc “thay đổi đất nước” này để quản lý và làm mọi cách để không cho các thế lực lãnh chúa khác có cơ hội trỗi dậy.

Tỏ ra tức giận và sau đó làm theo mệnh lệnh

Người nắm giữ quyền lực cao nhất trong triều đình lúc bấy giờ là lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi, cũng là người đã bắt đầu cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên.

Vì diễn biến trận chiến này lại không mấy thuận lợi, nên Hideyoshi quyết định sẽ tự mình tham chiến với hy vọng có thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này. Khi ấy Hideyoshi đã nói với Ieyasu rằng:

“Ta sẽ dẫn đầu một đại quân 300.000 người tấn công kẻ địch. Đội quân sẽ chia thành ba cánh, Toshiie Maeda và Ujisato Gamo sẽ lần lượt dẫn dắt hai cánh trái và phải, sau đó cùng ta đồng loạt tấn công vào kẻ địch. Nhưng ta sẽ có thể yên tâm hơn nếu như Ieyasu ở lại trấn thủ Nhật Bản.”

Mặc dù không hề muốn phải tham gia vào trận chiến này, nhưng Ieyasu đã giả vờ tức giận nói rằng:

“Trong khi lãnh chúa Hideyoshi phải tự mình ra chiến trận, còn tôi lại có thể ở nhà một cách hèn nhát hay sao? Tôi thật sự không muốn như vậy! Hãy mang theo tôi và quân đội của mình, chúng tôi sẽ sát cánh chiến đấu cùng ngài Hideyoshi đến hơi thở cuối cùng.“

Hideyoshi đã rất cảm kích trước những lời nói này và niềm tin của ông dành cho Ieyasu cũng ngày một tăng cao. Ngược lại, nhiều samurai khác đã phản đối rất nhiều cho cuộc chiến tốn kém này, đặc biệt là khi tình hình chiến sự đang trở nên không mấy khả quan.

Cuối cùng, Ieyasu vẫn tiếp tục được giao trọng trách ở lại bảo vệ Nhật Bản. Trong thời gian này, ông đã nhanh chóng phát triển vùng Kanto mà mình được giao phó vươn lên thành một khu vực hùng mạnh.

Nếu là các samurai khác thì thường họ sẽ phải lo lắng rằng một khi thế lực của mình tăng lên sẽ dẫn đến sự nghi ngờ từ mọi người. Nhưng Ieyasu vì đã chiếm được lòng tin của Hideyoshi, nên ông đã có thể tự do hoạt động bằng quyền tự trị đặc biệt của mình.

Kết quả

Sau cái chết của Hideyoshi, Ieyasu đã nhanh chóng sử dụng quyền lực của mình để tạo thành một cường quốc hùng mạnh và thành công thống nhất toàn bộ Nhật Bản.

Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng Nhật Bản là đất nước luôn đề cao tính “trung thực”, thế nhưng đôi lúc sự “giả tạo” và “khôn ngoan” lại là con đường dẫn đến thành công của những nhân vật làm nên lịch sử.

Bạn cảm thấy sao về nhà chiến lược gia đại tài Ieyasu và những chiến lược của ông liệu có còn hiệu quả khi áp dụng vào cuộc sống ở thực tại?

 

Abe Kengo
Xem thêm: