“Khu rừng nhỏ” do người Nhật tạo ra có thể cứu lấy Trái Đất?
Chúng ta đều biết rằng nạn phá rừng vẫn đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia, điều này đã gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường toàn cầu.
Bạn suy nghĩ thế nào về vai trò của rừng?
Đất rừng có tác dụng giữ nước, lọc và tạo ra nước sạch.
Ngoài ra, nhờ rễ cây bám vào sâu trong lòng đất sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng sạt lở đất. Vì vậy, rừng đóng một vai trò rất lớn đối với sự tồn tại của nhiều sinh vật sống trong tự nhiên.
Cây cối đóng vai trò chuyển đổi carbon dioxide thành oxy. Trung bình mỗi một người chúng ta sẽ tiêu thụ tương đương với lượng oxy cần cho 23 cây tuyết tùng có tuổi thọ 50 năm.
Bạn có thể thấy rằng Trái Đất cần phải có một lượng cây cối rất lớn để đảm bảo được việc cung cấp oxy đủ cho tất cả mọi người. Người ta nói rằng sẽ phải mất ít nhất 100 năm để khôi phục lại một khu rừng bị khai thác, nhưng có lẽ thời gian đó sẽ là không kịp đối với sự tồn vong của con người.
Vậy chúng ta có thể làm gì để nhanh chóng khôi phục lại nguồn tài nguyên rừng?
Có một người Nhật đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về vấn đề này. Đó chính là Miyawaki Akira.
Ông đã khiến mọi người phải ngạc nhiên khi có thể tạo ra một khu rừng nhỏ có tốc độ phát triển nhanh gấp 10 lần so với một khu rừng bình thường.
Đó là khu rừng nhỏ trong bức ảnh này.
Nó nằm gần trường Đại học Harvard ở Hoa Kỳ, với 1.400 cây mọc trên diện tích bằng một sân bóng rổ. Khu rừng nhỏ giống như vậy cũng đã trải rộng khắp Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, Nam Mỹ, Nga và Trung Đông.
Hàng trăm khu rừng nhỏ đã mọc lên ở Ấn Độ và tại quê hương Nhật Bản của ông đã có đến hàng ngàn khu rừng như vậy.
Khu rừng nhỏ này thậm chí còn có rất nhiều đặc điểm tuyệt vời. Một trong số đó là vì cây cối phát triển nhanh gấp 10 lần so với một khu rừng bình thường, nên sẽ không có chỗ cho cỏ dại phát triển.
Một đặc điểm quan trọng khác là nhờ kích thước nhỏ gọn, nó có thể được xây dựng một cách dễ dàng ngay trong thành phố. Các thành phố nóng lên do bê tông hoặc nhựa đường hấp thụ và giữ nhiệt, nhưng khu rừng nhỏ này sẽ có thể hấp thụ và làm hạ nhiệt ngay bên trong các thành thị đông đúc dân cư. Nếu chúng được trồng rộng ra ở các khu vực đường cao tốc, có lẽ sẽ giúp ích rất lớn cho việc cải thiện môi trường hoặc ngăn chặn hiện tượng hiệu ứng nhà kính.
Đây được xem là công nghệ có thể cứu lấy thế giới của Nhật Bản, nó đang được mọi người hưởng ứng tích cực và phổ biến đến khắp mọi nơi trên thế giới. Hy vọng rằng công nghệ này sẽ sớm có mặt tại Việt Nam, để mang lại không gian xanh mát ngay tại thành thị mà chúng ta đang sinh sống.
Abe Kengo