Tên những địa danh đáng sợ ở Nhật Bản được ẩn chứa bên trong chữ Hán tự

Bạn có biết tại Nhật bản hầu hết các tên địa danh đều được viết bằng chữ Hán tự hay còn gọi là Kanji?

Kanji trong tiếng Nhật là những ký tự tượng hình vô cùng đặc biệt, trong mỗi ký tự đều mang một ý nghĩa độc đáo khác nhau. Vậy nên nếu bạn hiểu được ý nghĩa của chữ Kanji trong tên địa danh ở Nhật Bản, bạn sẽ có thể phần nào cảm nhận được người đặt tên địa danh đó muốn truyền tải điều gì đấy.

Do có rất nhiều chữ Kanji tuy có cách phát âm giống nhau nhưng mặt chữ và ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Vậy nên chúng ta cần phải có một chút kiến thức nhất định mới có thể hiểu được ý nghĩa của chúng.

Được biết đến là đất nước có rất nhiều thiên tai, nên Nhật Bản luôn có các biện pháp để chủ động ứng phó với thiên tai rất kỹ lưỡng. Điều này dĩ nhiên đã góp phần làm giảm đi đáng kể mức độ rủi ro cũng như thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

Mặc dù vậy, nếu muốn tối đa hóa sự an toàn cho bản thân khi ở Nhật, có lẽ bạn nên chú ý đến tên địa danh nơi bạn sinh sống.

Những chữ Kanji ẩn chứa sự nguy hiểm

Fukuro (袋) nghĩa là cái túi.

Ikebukuro là tên một khu phố sầm uất ở trung tâm Tokyo, thế nhưng trong tên của nó có từ “bukuro” (biến âm của fukuro) khi ghép với Ike sẽ thành Ikebukuro và mang một ý nghĩa tương đối nguy hiểm. Tại sao lại nói như vậy?

Nếu xem kĩ chữ Kanji trong đó, ta sẽ thấy tên địa danh này biểu thị nơi đây là vùng đất có hình “cái túi” và được bao quanh bởi “nước” (Ike trong tiếng Nhật là ao, hồ). Do đó, Ikebukuro được cho là tên của vùng đất dễ xảy ra lũ lụt.

“Ume” (梅) nghĩa là quả mơ.

Umeda (梅田) được biết đến là địa đanh vô cùng nổi tiếng ở Osaka. Trong tiếng Nhật, từ đồng âm Umeru (埋める) mang ý nghĩ là chôn cất hoặc lấp đầy. Người xưa muốn ngụ ý nơi đây giống như một vùng đất lấn biển, nên nền đất rất yếu và là khu vực dễ xảy ra thiên tai động đất.

“Onna” (女) nghĩa là phụ nữ.

Chữ Kanji này thường mang lại cho chúng ta ấn tượng về sự dịu dàng của người phụ nữ. Thế nhưng ít ai ngờ nguồn gốc của chữ này lại là “Onami” (男浪), nghĩa là con sóng dữ dội mang uy lực của một đấng nam nhi. Đúng với ý nghĩa của nó, trong trận đại động đất Tohoku năm 2011, khu vực Onagawa (女川) đã bị nhấn chìm bởi những cơn sóng thần vô cùng khủng khiếp.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bắt gặp một số chữ Kanji tiềm ẩn ý nghĩa nguy hiểm khác như: thác nước (滝), cá hương (鮎), cua (蟹), nhà kho (倉), con quay (駒), hoa anh đào (桜), rồng (龍),…

Nhìn vào tên gọi cũ để hiểu về địa danh hiện tại

Các khu dân cư mới thường sẽ không giữ tên gọi cũ, đặc biệt khi bạn thấy những địa danh có tên chứa các từ như “自由” (tự do), “光” (ánh sáng), “丘” (ngọn đồi) và “希望” (hy vọng) thì khả năng cao nơi đó đã được đổi sang tên mới.

Ví dụ như “自由が丘”(Jiyugaoka)nghĩa là “Ngọn đồi tự do” – một trong những khu dân cư cao cấp nhất ở Tokyo. Nơi này trước đây có tên là Fusuma và trước đó nữa là Fushima. Cho tới ngày nay, nơi đây vẫn còn lưu truyền lại một truyền thuyết đáng sợ mang tên: Rắn khổng lồ đến từ Okayama đã từng tới nơi đây”.

Tại Nhật Bản, hình ảnh một con rắn khổng lồ được dùng để ám chỉ về các thiệt hại do thiên tai liên quan đến nước gây ra. Hơn nữa, chữ “mã” (馬) trong từ Fushima dường như cũng hàm ý nói tới thảm họa thiên nhiên. Nếu bạn thử tưởng tượng một con ngựa đang nằm ở đằng xa, bỗng nhiên đứng dậy và phi nước đại về phía mình, thì đó chẳng phải là ẩn ý về một trận lũ dữ dội đang kéo đến hay sao?

Mặc dù cho đến hiện tại vẫn chưa có thảm họa lớn nào xảy ra, nhưng trong trận mưa lớn kỷ lục vào năm 2014, nơi này đã bị ngập trong biển nước, đến nỗi nắp cống hố ga đã bị bung hẳn lên khỏi mặt đất.

Tại các ngôi đền có an toàn hay không?

Có tất cả 56 ngàn cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản, một con số khổng lồ phải không nào? Thế nhưng tổng số đền thờ tại Nhật Bản thậm chí còn vượt xa con số này với khoảng 88 ngàn ngôi đền trên toàn quốc. Hẳn bạn có thể hình dung được số lượng đền thờ tại đất nước này nhiều đến mức nào rồi phải không?

Người ta tin rằng các đền thờ có khả năng chống chọi với thiên tai vô cùng mạnh mẽ. Thậm chí, ngay cả trong trận đại động đất Tohoku vào năm 2011, khi sóng thần dâng cao và cuốn trôi tất cả, người ta nói rằng có nhiều khu vực sóng thần không thể tràn tới các đền thờ. Hay nói cách khác sóng thần đã bị chặn lại ngay khi tới cửa đền thờ. Vậy tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy?

Bạn có tin vào sự che chở của các thần linh ở những nơi đó hay không? Nghe thì có vẻ mê tín và không có căn cứ, nhưng chúng ta hãy thử tư duy theo chiều hướng khoa học một chút xem sao nhé.

Thiên tai thường xuyên xảy ra ở khắp các vùng đất ở Nhật Bản, nên lẽ đương nhiên từ trước đến nay các đền thờ cũng không thể tránh khỏi việc bị hư hại nhiều phần.

Sau khi đền thờ bị hư hỏng, có thể người xưa đã suy nghĩ và tìm ra phương pháp giải quyết đó là di chuyển đền thờ đến các vị trí an toàn hơn. Phải chăng nhờ vậy mà có những ngôi đền đã tồn tại qua hàng ngàn năm cho tới ngày nay?

Phương pháp tưởng chừng như đơn giản này lại thật sự hiệu quả để tìm ra một vị trí đắc địa, ngay cả khi thời ấy chưa có công nghệ khảo sát nền đất như hiện nay.

Nếu như bạn đang muốn tìm một nơi lý tưởng để sinh sống tại Nhật Bản, bạn nghĩ rằng có cần thiết để tìm hiểu về nguồn gốc của tên gọi cũng như lịch sử ở địa danh đó hay không? Hoặc tôi nghĩ sẽ thật an toàn nếu bạn có thể tìm một ngôi nhà ở gần các ngôi đền của Thần Đạo đấy!

Abe Kengo
Xem thêm: