Ngành công nghiệp “Influencer” phải chăng đang đi đến hồi kết?
Quảng cáo bởi Influencer là quảng cáo nhờ vào những người có sức ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội như Youtube, Instagram, v.v… trong khoảng 5 năm qua đã trở thành xu hướng đi đầu ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang phải đứng trước một thời kỳ chuyển đổi lớn.
Tiếp thị thông qua Influencer từng được coi là một phương thức quảng cáo hiệu quả hơn cả quảng cáo trên truyền hình, thế nhưng giờ đây đó chỉ còn là câu chuyện của quá khứ.
Thất bại lớn trong việc hợp tác với Vtuber
Bạn đã từng nghe qua từ “Vtuber” là gì hay chưa?
Vtuber hay còn gọi là YouTuber ảo, chỉ những nhân vật ảo nổi tiếng trên kênh YouTube. Mới đây, có một vụ hợp tác giữa Vtuber và một công ty bánh kẹo nổi tiếng ở Nhật Bản đã gặp phải một thất bại lớn.
Đó là vụ hợp tác giữa nhóm Vtuber Hololive và công ty bánh kẹo Meiji để cho ra mắt dòng sản phẩm mới. Tuy nhiên, sản phẩm hợp tác của họ lại hoàn toàn không bán được hàng.
Bên dưới chính là hình ảnh của sản phẩm.
Như các bạn có thể thấy, trên sản phẩm có ba nhãn giá đã được điều chỉnh, đủ có thể hiểu doanh số của nó thảm hại đến mức nào. Trước tình hình này, Meiji đã buộc phải giảm giá sản phẩm hai lần, thậm chí còn thấp hơn so với giá vốn nhưng tình hình vẫn không mấy thay đổi.
Đây vốn dĩ là nhân vật được nhiều người yêu thích và video hợp tác cũng đạt được đến 9,4 triệu lượt xem, nhưng kết quả lại hoàn toàn không như mong đợi. Điều này cho thấy rằng, ngay cả khi đạt được nhiều lượt xem thì cũng chưa chắc sản phẩm sẽ có thể bán chạy.
Số lượng Youtuber bị bắt giữ ngày càng tăng
Số lượng Youtuber đang ngày một gia tăng nhanh chóng, dẫn đến tình trạng họ phải cạnh tranh khốc liệt để có thể thu hút người xem. Điều này đã khiến nhiều Youtuber có xu hướng thực hiện các video “gây sốc” để tạo sự chú ý.
Trong vài tháng gần đây, số lượng Youtuber bị cảnh sát bắt giữ đã tăng lên liên tục. Các Youtuber này do không quan tâm đến sự phiền toái của người khác và thường xuyên thực hiện những hành động phản cảm, phổ biến nhất là những hành vi gây mất vệ sinh tại nhà hàng và quán ăn.
Gần đây, có một xu hướng mới đó là những Youtuber không có quyền hạn như cảnh sát, nhưng lại tự ý quay camera truy đuổi người dân thường. Các Youtuber này thường bắt và cáo buộc người khác là lừa đảo hoặc quấy rối tình dục, rồi liên tiếp đặt những câu hỏi dồn dập dẫn đến xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Kết quả là các vụ Youtuber bị cảnh sát bắt giữ có liên quan đến hành vi này gia tăng nhanh chóng. Phía nhà cung cấp nền tảng Youtube cũng đang tập trung giải quyết các vấn đề này. Họ đã thực hiện nhiều biện pháp như tắt tính năng kiếm tiền hoặc xóa tài khoản của những Youtuber vi phạm.
Vì vậy, nếu giả sử Youtuber được yêu cầu quảng cáo sản phẩm quan trọng của công ty bạn bị bắt giữ thì bạn sẽ xử lý như thế nào? Nên nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp giảm thiểu đáng kể các hợp đồng quảng cáo với Influencer do lo ngại bị liên đới với hành vi đưa tiền cho tội phạm.
Trên thực tế điều này không chỉ diễn ra ở riêng Nhật Bản. Xu hướng các doanh nghiệp hạn chế hợp tác với Youtuber đang bắt đầu đang lan rộng trên toàn thế giới.
Trước tình trạng các Youtuber ngày càng thực hiện nhiều hành vi quá khích, thậm chí đến mức xảy ra tai nạn gây tử vong, thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại việc hợp tác với loại hình quảng cáo này.
Bên cạnh đó, trên các kênh mạng xã hội còn xuất hiện những chiêu trò kinh doanh mờ ám như mua bán lượt theo dõi và lượt xem. Với những sự việc đang diễn ra ở hiện tại, hình thức quảng cáo gọi là Influencer Marketing đã từng bùng nổ trong một thời gian ngắn, giờ đây lại đang có dấu hiệu đi đến hồi kết.
Khả năng cao Việt Nam cũng sẽ có thể rơi vào tình trạng tương tự như trên, nhưng tôi mong rằng những hành động dại dột như tại Nhật Bản sẽ không được phổ biến ra khắp mọi nơi trên thế giới.
Abe Kengo