Dấu ấn của Samurai tại Angkor Wat, Campuchia

Angkor Wat là một quần thể đền đài tại Campuchia và là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Nơi đây cũng được biết đến là địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn nhất tại Campuchia.

Ngôi đền này là một biểu tượng của nền văn hóa Khmer và được coi là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới. Bạn đã có dịp đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể đền đài này chưa?

Trong một chuyến hành hương đến Angkor Wat, một Samurai bí ẩn đã để lại “điều gì đó đặc biệt”. Vậy đó là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này.

Samurai đã đến Angkor Wat là ai?

Nhân vật trong bài viết lần này là một Samurai có cái tên rất dài – Morimoto Ukondayu Kazufusa, đã đến Angkor Wat vào năm 1632. Theo lời kể, mục đích của chuyến đi là để cầu nguyện cho người mẹ đã khuất của ông ấy.

Trước đó, ông là một Samurai phục vụ cho lãnh chúa phiên Hirado, nay là thành phố Nagasaki. Sau khi lãnh chúa qua đời và chán chường với sự hỗn loạn tại đây, Morimoto Ukondayu Kazufusa quyết định từ chức và bắt đầu hành trình đến Campuchia.

Lúc bấy giờ chưa có máy bay, vì vậy tất nhiên, ngài ấy đã đi bằng đường biển. Nhưng mất bao lâu cho hành trình từ Nhật Bản đến Campuchia vào thời kỳ đó nhỉ? Tôi cũng khá thắc mắc.

Dòng chữ nguệch ngoạc là điều đặc biệt ngài ấy để lại!

Không ngờ rằng, ngài ấy đã để lại một đoạn chữ viết bằng tiếng Nhật cổ trải dài 12 dòng tại di tích Angkor Wat.
Cứ như một số thanh niên hiện đại vậy… Không được phép làm thế, phải không?

Vậy nhưng, ngài ấy đã viết gì? Hãy cùng tìm hiểu nội dung mà ngài ấy đã viết lại.
Bên dưới là bản gốc chữ viết mà ngài Samurai đã để lại.

「寛永九年正月初而此所来
生国日本/肥州之住人藤原之朝臣森本右近太夫/一房
御堂心為千里之海上渡
一念/之儀念生々世々娑婆寿生之思清者也為
其仏像四躰立奉者也
摂州津池田之住人森本儀太夫
右実名一吉善魂道仙士為娑婆
是書物也
尾州之国名谷之都後室其
老母亡魂明信大姉為後世是
書物也
寛永九年正月丗日」

Tạm dịch như sau,
“Tôi đến đây lần đầu tiên vào tháng Giêng năm 1632
Tôi là người Nhật Bản. Tên tôi là Morimoto Ukondayu Kazufusa.

Tôi vượt qua quãng đường rất dài trên biển để đến ngôi đền này.
Mang theo lòng nguyện cầu cho người mẹ đã khuất của tôi.
Tôi cúng dường bốn bức tượng Phật tại đây như thể hiện tấm lòng.

Tôi đã viết những dòng chữ này để tưởng nhớ cha tôi là Morimoto Gidayu và cầu nguyện cho linh hồn người mẹ đã khuất”.

Có vẻ như đoạn văn này đã được viết bằng mực và bút lông, nhưng hiện nay đã bị tô màu đen, không thể nhìn thấy được nữa.

Dù lòng hiếu thảo của Samurai rất đáng quý, nhưng hành động tự ý viết lên đồ vật quan trọng của người khác, nhất là ở quốc gia khác là điều không nên.

Nhưng đúng là, hình ảnh một Samurai bộ hành tại Campuchia vào thời điểm đó là một cảnh tượng khá lạ lẫm. Thời kỳ đó chưa có sự xuất hiện của máy ảnh nên không có ghi chép nào, nhưng nếu là ngày nay, tôi nghĩ đó sẽ là một sự kiện gây chú ý trên mạng xã hội.

Nhân câu chuyện này, tôi cũng xin giới thiệu đến các bạn một bức ảnh có liên quan đến chuyến hành trình của Samurai, mặc dù địa điểm và thời điểm khác nhau.

Một samurai trước tượng Nhân sư ở Ai Cập.
Đó là một cảnh tượng kỳ lạ và độc đáo trông như một bức ảnh ghép nhưng lại là sự thật.

Mặc dù lúc bấy giờ Nhật Bản đang thực thi chính sách đóng cửa, nhiều người nghĩ rằng Samurai chỉ xuất hiện ở trong nước, nhưng thực tế là Samurai đã xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau.

Quay trở lại với nội dung phía trên.
Thậm chí đến ngày nay, vẫn có những người tiếp tục viết chữ trên các di sản văn hóa trên khắp thế giới.

Người lớn tuổi thường than thở về “thế hệ trẻ ngày nay…”, nhưng tôi muốn nói với họ rằng, không không không, ngay cả thế hệ trước cũng đã viết chữ trên di tích ở Angkor Wat đấy.

Tóm lại cho dù là thế hệ nào đi chăng nữa, cũng đừng làm những việc không nên làm!

Abe Kengo
Xem thêm: