Miso – Sản phẩm của tinh thần bình đẳng Samurai

Thành ngữ Nhật Bản có câu “Gửi muối cho kẻ thù”. Nói chung, câu thành ngữ này có nghĩa là giúp đỡ kẻ thù, không để họ rơi vào tình thế bất lợi, thậm chí có thể giúp họ đạt được lợi ích. Tuy nhiên, nguồn gốc ban đầu của câu thành ngữ này có một chút khác biệt.

Câu thành ngữ “Gửi muối cho kẻ thù” là một câu nói biểu hiện cho tinh thần hào hiệp và chính trực của Samurai. Trong bài viết lần này, tôi sẽ giải thích chi tiết hơn về câu thành ngữ này.

Trong thời kỳ Chiến Quốc, Nhật Bản bị chia thành nhiều tỉnh nhỏ và các Samurai đã chiến đấu không ngừng nghỉ để thống nhất Nhật Bản. Người có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn nhất, được cả nước Nhật chú ý là tướng quân Takeda Shingen.


Căn cứ của tướng quân Takeda Shingen lúc bấy giờ là tỉnh Kai.
Xem bản đồ bên dưới. Khu vực được tô hồng chính là tỉnh Kai, nay là tỉnh Yamanashi.


Nhìn trên bản đồ có thể thấy lãnh địa này hoàn toàn không giáp biển. Muối là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho con người.

Vì thế, có những samurai đã âm mưu cắt đứt nguồn cung muối và ngăn Takeda Shingen tham chiến. Ở một khía cạnh nào đó, đây là quyết định đúng đắn. Nếu không làm như vậy thì đà tiến công thần tốc của Takeda Shingen sẽ không thể dừng lại.

Đầu tiên, khu vực phía nam của tỉnh Kai đã ban hành lệnh cấm bán muối. Sau đó, các Samurai này đã yêu cầu tướng quân Uesugi Kenshin – người đứng đầu khu vực phía bắc cùng tham gia vào kế hoạch của họ, nhưng Uesugi Kenshin đã từ chối và nói với Takeda Shingen như sau:

“Chiến tranh là phải dựa vào sức mạnh quân sự. Chúng tôi sẽ không ngừng bán muối. Vì vậy, hãy mua bao nhiêu tùy thích từ chúng tôi. Chúng tôi sẽ ra lệnh rõ ràng cho các thương nhân để đảm bảo giá cả không tăng cao. Chúng tôi không tặng nó như một món quà, cũng không cần phải bán với giá cao để kiếm lời, chỉ đơn giản là buôn bán bình thường”.

Uesugi Kenshin, người không sử dụng thủ đoạn hèn hạ để đánh bại đối thủ, phải nói là thực sự ngầu đấy chứ!

Với việc này, Takeda Shingen đã thoát khỏi tình thế khó khăn, nhưng ngài ấy cảm thấy việc phụ thuộc vào muối từ các khu vực khác là nguy hiểm và bắt đầu tập trung vào việc sản xuất miso.

Miso giàu muối, đặc biệt là loại “miso Shinshu” và vùng này vẫn giữ danh tiếng trong sản xuất miso cho đến ngày nay.

Ngoài ra, phương pháp bảo quản cũng là một nét văn hóa độc đáo. Miso sẽ bị giảm độ tươi nếu cứ mang theo như cách thông thường. Vì vậy, họ đã phơi khô cuống khoai môn, ngâm với miso và rượu sake rồi phơi khô thật kỹ. Món này được gọi là “Imogaranawa” và được đeo trên người như một sợi dây thông thường trong chiến tranh.

Khi đến bữa ăn, các Samurai và binh lính chỉ cần tháo dây và nấu đun sôi là có ngay một bát miso nóng hổi và đồng thời có thể bổ sung muối. Thậm chí, họ còn có thể tự làm miso ngay trong quá trình di chuyển.

Theo như lời kể, nếu nghiền nát đậu đã nấu chín, trộn với Fu và treo trên thắt lưng trước khi ra quân thì sẽ hoàn thành được món miso khi đến chiến trường. Fu là một loại thực phẩm được làm từ bột mì nhào với nước, thường được sử dụng trong súp miso và các món lẩu.

Takeda Shingen và Uesugi Kenshin đã đối đầu nhau trong năm trận đánh lớn. Họ là những đối thủ xuất sắc, cạnh tranh với nhau nhưng cũng tôn trọng lẫn nhau.

Cả hai vị lãnh chúa đều có một tinh thần thượng võ cao cả. Họ không muốn hạ gục đối thủ của mình bằng những thủ đoạn bất công, mà muốn chiến thắng trong trận chiến một cách công bằng.

Những tình tiết đậm chất Samurai và sự phát triển không thể tin được của miso cũng bắt nguồn từ đó. Bạn có nghĩ đây là một câu chuyện rất Nhật Bản không?

Trong thời hiện đại, chiến trường không còn là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh vũ trang mà là nơi diễn ra các cuộc cạnh tranh kinh doanh khốc liệt. Vì thế, trong kinh doanh, tôi hy vọng các bạn chiến đấu với tinh thần “gửi muối cho kẻ thù” và giành chiến thắng.

Abe Kengo
Xem thêm: