So sánh các biện pháp giữ ấm giữa các nước phương Tây và Nhật Bản
Mùa lạnh vẫn đang kéo dài, vì thế trong bài viết lần này tôi muốn chia sẻ về sự khác biệt giữa cách giữ ấm truyền thống của Nhật Bản với các nước phương Tây và Mỹ.
Quan điểm của các nước phương Tây: Sưởi ấm cả căn phòng
Cách chống lạnh của các nước châu Âu chủ yếu tập trung vào việc sưởi ấm toàn bộ ngôi nhà, không chỉ một căn phòng.
Những chiếc lò sưởi lớn, hệ thống sưởi sàn và lò sưởi hơi nước là những thiết bị rất phổ biến ở Châu Âu và Mỹ.
Ngay cả khi bên ngoài lạnh giá, nhiệt độ trong nhà vẫn dễ chịu. Đây chính là cách làm của người châu Âu. Bên cũng đó, hệ thống sưởi bằng điều hòa cũng dựa trên cùng ý tưởng này.
Quan điểm Nhật Bản: Sưởi ấm từng bộ phận cơ thể
Ngày nay, máy điều hòa không khí và hệ thống sưởi sàn khá phổ biến, nhưng ban đầu ở Nhật Bản người ta nghĩ rằng chúng chỉ giúp làm ấm một phần cơ thể.
Vì thế, các thiết bị sưởi ấm đã được phát triển chủ yếu tập trung vào việc sưởi ấm tay và chân. Điển hình là chiếc bàn sưởi ấm kiểu Nhật – Kotatsu.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn ngồi trong Kotatsu thì chỉ có đôi chân là được làm ấm, còn phần thân trên vẫn có thể cảm thấy lạnh. Vì thế, bạn nên mặc quần áo ấm cho phần thân trên.
Ngoài Kotatsu thì còn có một thiết bị sưởi ấm truyền thống của Nhật Bản khác đó chính là lò than Hibachi.
Bạn đặt một lò than trong nhà và đốt than, nhưng không giống như lò sưởi, nhiệt lượng của lò than không cao lắm nên sẽ không sưởi ấm cả nhà.
Thực tế, Hibachi thường được sử dụng để giữ ấm bàn tay trong thời tiết lạnh.
Lý do người Nhật chọn làm ấm từng bộ phận cơ thể
Điều này là do cấu trúc của ngôi nhà Nhật Bản.
Những ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản thực sự có rất nhiều khoảng trống và được ngăn bằng các tấm chắn cửa shoji, nhưng chúng được làm bằng giấy mỏng nên khả năng cách nhiệt không hiệu quả lắm.
Vì vậy, việc sưởi ấm toàn bộ ngôi nhà sẽ cần rất nhiều năng lượng, dẫn đến chi phí cao. Ngoài ra, không khí nóng cũng có thể thất thoát ra ngoài, khiến việc sưởi ấm không hiệu quả.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là việc có nhiều khoảng trống trong không gian là một điểm thiếu sót của các ngôi nhà ở Nhật Bản.
Thực tế, Nhật Bản là quốc gia có độ ẩm cao nên nhiều biện pháp khác nhau đã được thực hiện để ngăn độ ẩm trong nhà tăng cao.
Vì vậy, vào mùa hè, những ngôi nhà ở Nhật Bản thường mang lại cảm giác mát mẻ. Tuy nhiên, khi mùa đông đến, thì thực sự là một cảm giác như đang ở trong địa ngục.
Ngày nay, mọi người không thể chịu nổi việc trải qua mùa đông như thế nên ngày càng có nhiều ngôi nhà được xây dựng với độ kín cao. Đây là những ngôi nhà theo kiểu châu Âu.
Nhưng điều này đang trở thành một vấn đề lớn ở Nhật Bản. Độ ẩm không giảm xuống và tuổi thọ của ngôi nhà bị giảm sút.
Ở Nhật Bản có rất nhiều ngôi nhà cổ gọi là Kominka, nhiều ngôi trong số đó đã hơn 100 năm tuổi và có một số được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm.
Tuy nhiên, tuổi thọ của những ngôi nhà hiện đại ở Nhật Bản chỉ khoảng 30 năm. Lý do là vì chúng được xây dựng với độ kín cao như tôi đã đề cập ở trên. Điều này có nghĩa là nhà ở kiểu phương Tây không phù hợp với khí hậu Nhật Bản.
Mặc dù những căn nhà cổ xưa có thể giúp điều hòa độ ẩm vào mùa hè, nhưng khi mùa đông đến, cái lạnh trở nên cực kỳ khắc nghiệt. Vì thế, tôi hết sức mong chờ xem người Nhật sẽ cải thiện nhà ở như thế nào trong tương lai.
Abe Kengo