Nhật Bản báo động: Cái chết cô độc ở giới trẻ
Cái chết cô độc đã trở thành một vấn đề được bàn tán nhiều ở Nhật Bản từ hơn 10 năm trước.
Đó là trường hợp những người chết mà không ai hay biết, thường được phát hiện sau nhiều ngày, chủ yếu xảy ra với người cao tuổi sống một mình.
Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng này đang lan rộng sang cả giới trẻ, phơi bày một góc tối sâu sắc của xã hội Nhật Bản.
Tăng trưởng đô thị kiểu tập trung gây ra cái chết cô độc ở người già
Mặc dù Nhật Bản có nhiều thành phố, nhưng sự phát triển lại tập trung quá mức vào Tokyo.
Cả chính trị và kinh tế đều tập trung tại Tokyo.
Vì lý do này, ngày càng nhiều người từ các vùng quê chuyển đến Tokyo để tìm việc làm và sinh sống cùng gia đình.
Người Nhật thường muốn bảo đảm không gian riêng tư nên việc sống chung phòng (roomshare) không phổ biến. Thay vào đó, nhiều người chọn sống một mình trong căn phòng nhỏ.
Vì vậy, ngày càng có nhiều trường hợp người ta chết mà không ai hay biết, dẫn đến tình trạng chết cô độc.
Đặc biệt đối với những người đã nghỉ hưu, người xung quanh khó có thể chú ý đến họ.
Hơn nữa, nguyên nhân khiến số người chết cô độc ngày càng gia tăng là do vấn đề gia đình hạt nhân.
Gia đình hạt nhân là hình thức gia đình chỉ có vợ chồng và con cái sống chung.
Khi con cái lớn lên, chúng rời nhà và tự lập, chỉ để lại hai vợ chồng già.
Nếu một trong hai người qua đời trước, người còn lại sẽ sống đơn độc và có nguy cơ ra đi một mình cao hơn.
Ở các khu vực đô thị lớn, rất nhiều trường hợp mọi người không giao tiếp với hàng xóm. Có những trường hợp người đã qua đời nhiều ngày, thi thể phân hủy và bốc mùi hôi thối, nhưng những người xung quanh vẫn không hề hay biết.
Cái chết cô độc đang ngày càng phổ biến ở cả giới trẻ
Trong vòng ba năm kể từ năm 2019, tổng số người trẻ từ 10 đến 30 tuổi tử vong một mình tại các khu vực trung tâm thành phố Tokyo đã lên tới 742 người.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người trẻ thường thấp hơn so với người cao tuổi, nhưng không phải là bằng không, và do nhiều người trẻ sống một mình nên nguy cơ tử vong một mình cũng cao hơn.
Điều đáng chú ý là có tới 114 trường hợp được phát hiện sau 4 ngày kể từ khi tử vong.
Lấy ví dụ một người đang đi làm, từ khi bắt đầu cảm thấy không khỏe cho đến khi qua đời, ít nhất cũng phải mất vài ngày.
Điều này có nghĩa là, người đó đã vắng mặt tại công việc trong suốt một tuần mà không có ai hay biết.
Thực tế này cho thấy, có những trường hợp người ta đã tử vong mà không được phát hiện trong một thời gian dài.
Chuyện gì đang xảy ra ở Nhật Bản vậy?
Nguyên nhân cái chết có phải là do tự sát?
Nguyên nhân cái chết của 742 người được công bố lần này vẫn chưa được tiết lộ nhưng người ta tin rằng phần lớn trong số đó là tự sát.
Với hơn 30 năm chìm trong suy thoái kinh tế, Nhật Bản đã mất đi sức sống và ngày càng có nhiều thanh niên cảm thấy tuyệt vọng, mất đi ý chí sống.
Tôi đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Mỗi lần về Nhật Bản, tôi thấy các bạn trẻ Nhật Bản trên tàu điện trông khá mệt mỏi, điều đó khiến tôi cũng cảm thấy buồn.
Trong khi đa số vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, một số người khác lại không thể chịu đựng được áp lực và đã chọn cách kết thúc cuộc đời mình.
Việc họ cắt đứt quan hệ với xã hội khiến cho cái chết của họ thường không được ai phát hiện, dẫn đến tình trạng chết một mình ngày càng phổ biến.
Lối dạy không được gây phiền hà của người Nhật
Người Nhật chúng tôi từ nhỏ đã được dạy là không được gây phiền hà cho người khác.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, nhờ có giáo dục này mà người Nhật mới có ý thức giữ gìn phép tắc và quy định.
Tuy nhiên, mặt trái của nó là khi gặp khó khăn về tinh thần, nhiều người lại ngại chia sẻ với người xung quanh, dẫn đến tình trạng cô lập.
Chúng ta vẫn chưa thấy nhiều tín hiệu khả quan về sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản.
Liệu tương lai của Nhật Bản trong 30 năm tới có thực sự tươi sáng?
Các bạn nghĩ như thế nào về vấn đề này? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!
Tài liệu tham khảo
https://www.sankei.com/article/20240721-MZBGQN5G3JMTDJ3BVTQCZ5NHAY/
Abe Kengo