Những chiếc bánh mì Nhật Bản độc đáo

Những chiếc bánh mì Nhật Bản độc đáo

 

Trước đây, cũng như Việt  Nam, cơm trắng nấu từ gạo chính là lương thực chính ở Nhật Bản. Những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, văn hoá ăn bánh mì hầu như không tồn tại ở quốc gia này.

Tuy nhiên  sau chiến tranh, theo chỉ đạo của các quốc gia chiến thắng, chủ yếu là Hoa Kỳ, bánh mì trở nên có chỗ đứng ổn định trong danh sách thức ăn được cung cấp ở các trường học.

Khoảng 80 năm trôi qua kể từ cột mốc lịch sử ấy, ngày nay văn hoá bánh mì Nhật Bản đã đạt được những cải tiến vô cùng độc đáo.

Người dân ở những quốc gia sử dụng bánh mì làm lương thực chính cũng sẽ cảm thấy ngạc nhiên với những chiếc bánh mì độc lạ tại Nhật Bản.

Trong bài viết hôm  nay, JAPO xin phép được giới thiệu về những chiếc bánh cực kỳ thơm ngon này. Mong là Quý vị sẽ không bỏ qua cơ hội nếm thử chúng trong các chuyến du lịch Nhật Bản vào thời gian tương lai.

 

Bánh mì ngọt nhân mứt

 

Thông thường mứt được ăn kèm theo cách phết lên bề mặt bánh mì. Trường hợp cho mứt vào bên trong bánh được cho rằng xảy ra lần đầu tiên tại Nhật Bản.

Thay vì vận chuyển mứt riêng biệt, mứt được trực tiếp cho vào trong bánh mì, rút gọn được nhiều công đoạn, mà thành quả lại mang đến những chiếc bánh mì vô cùng tiện lợi và thơm ngon.

Tương tự như mứt, các loại cream hoặc chocolate cũng được cho vào trong bánh mì, tạo nên những loại bánh mì nhân ngọt đa dạng đáp ứng đầy đủ với khẩu vị cá nhân của người tiêu dùng.

 

Bánh mì nhân đậu đỏ

 

 

Trong số những loại bánh mì được du nhập từ Âu Mỹ, thì bánh nhân anko là loại bánh ngọt được yêu thích tại Nhật Bản từ rất lâu về trước.

Trong đó “Anko” là một nhân ngọt được làm bằng cách mang đậu đỏ đi nấu chín và nghiền nhuyễn.

Văn hoá thêm đồ ngọt vào bánh mì gần như chưa từng được biết đến ở Âu Mỹ, thế nên khi những vị khách ở đấy đến thăm Nhật Bản, ban đầu loại bánh này không được đánh giá cao trong suy nghĩ của họ, nhưng trên thực tế thì chúng rất ngon khi nếm thử.

Và một điểm khác biệt nữa là chúng được dùng như một bữa ăn chứ không phải là món tráng miệng.

Thực ra thì loại bánh mì nhân đậu đỏ này được ra đời trước các loại bánh mì mứt ngọt vừa được giới thiệu ở phần trên. Khi bánh nhân anko được phát triển thành công, người ta cho rằng có thể áp dụng với các loại mứt. Và đây chính là cách mà các loại bánh mì nhân mứt được sinh ra.

 

Nhưng có một vấn đề ở đây chính là không thể phân biệt các loại bánh mì mứt, đậu đỏ, hay nhân kem… khi nhìn từ bên ngoài.

Mỗi cửa hàng đều cố gắng thay đổi hình dạng của những chiếc bánh mì để có thể phân biệt chúng, dù vậy người ăn vẫn sẽ thấy khó chịu khi có những nhầm lẫn xảy ra. Cầm trên tay chiếc bánh mì mình nghĩ là loại khác, mà cắn vào rồi mới nhận ra là nhân khác không đúng như mình đang nghĩ thì sẽ phải có chút hụt hẫng đúng không thưa Quý vị!

 

Bánh mì cà ri

 

 

Cà ri được nhồi vào trong những chiếc bánh mì dạng tròn rồi cho bánh vào dầu chiên lên.

Đây là loại bánh phổ biến với cả người lớn và trẻ em Nhật Bản.

Dù biết cà ri có nguồn gốc từ Ấn độ nhưng nếu nói đến bánh mì nhân cà ri thì đến người Ấn cũng phải ngạc nhiên. Nhưng một phản hồi tốt là có vẻ họ cũng đánh giá cao khi trải nghiệm món bánh mì với ý tưởng vô cùng độc đáo này.

 

Bánh mì dưa lưới

 

 

Được gọi là bánh mì dưa lưới mặc dù bên trong hoàn toàn không có dưa lưới. Dù vậy sản phẩm này không hề mang tính chất lừa đảo. Mà chẳng qua được gọi như vậy vì chúng có vẻ ngoài trông giống như một quả dưa lưới.

Bột bánh mì sẽ được phủ lên bằng một lớp bột bánh quy, như vậy khi nướng lên sẽ cho ra những chiếc bánh với kết cấu bên trong mềm mại, bên ngoài giòn tan.

Thực tế thì để nướng được những chiếc bánh mì dưa lưới ngon không phải là điều dễ dàng. Vì bột bánh mì và bột bánh quy được nướng ở nhiệt độ khác nhau, khi phối hợp hai loại bột, sẽ rất khó để cân bằng chúng.

Vị bơ đậm đà trong bột bánh quy mang lại hương vị thơm ngon. Ngoài ra, nếu xa xỉ hơn, có những nơi người ta thêm cả kem tươi vào phần bột bánh mì.

 

Bánh sandwich trái cây

 

 

Loại sandwich trái cây này thu hút được khá nhiều khách hàng, nhất là các chị em phụ nữ.

Tôi cho rằng sẽ có một số người không thích nghi được với cách ăn cho kem tươi hoặc trái cây vào trong bánh mì. Nhưng trong những chiếc bánh kem ( bánh sinh nhật ) mà chúng ta vẫn biết trước giờ thì ngoài thành phần chính là bánh bông lan, thì cũng không thể thiếu kem tươi và một ít trái cây.

Không phải bánh bông lan và bánh mì cũng tương tự như nhau sao? Nếu đã như vậy, việc kết hợp bánh mì sandwich với trái cây và kem tươi cũng không phải là quá vô lý.

Hơn nữa, những chiếc bánh này cũng rất phổ biến với nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.

Quý vị nghĩ sao nếu cầm trên tay những chiếc bánh bé bé xinh xinh này, chụp ảnh với chúng và thử đăng lên trang cá nhân của mình? Liệu có thu hút được nhiều lượt xem vì sự mới lạ  và độc đáo của chúng không Quý vị nhỉ?

 

 

***

 

Một trong những điểm đặc trưng của người Nhật là họ yêu thích việc cải tạo, làm mới mọi thứ trong cuộc sống.

Họ bắt đầu bằng việc sao chép thực phẩm cũng như các sản phẩm công nghiệp, và cuối cùng tạo ra thứ gì đó hoàn toàn khác với bản gốc và thậm chí còn thuyết phục được sự công nhận từ người bản quốc.

Mức độ này có thể đã mang đến sự biến chất đối với nhiều sản phẩm. Tuy vậy tôi cho rằng chúng vẫn là những biến đổi tích cực, mang đến nhiều mới mẻ cho cuộc sống nhân loại nói chung.

 

Tác giả: Abe Kengo

Biên dịch: Lê Phương Kỳ

Xem thêm: