Liệu giữa việc chừa lại đồ ăn khi ăn và ăn hết tất cả không để thừa lại thì đâu mới là phép lịch sự? Lối suy nghĩ huyền bí của đạo Shinto.

Liệu giữa việc chừa lại đồ ăn khi ăn và ăn hết tất cả không để thừa lại thì đâu mới là phép lịch sự?

Lối suy nghĩ huyền bí của đạo Shinto.

 

 

Chúng ta biết rằng mỗi Quốc gia sẽ có những lễ nghi khác nhau trong việc ăn uống. Trong đó, ở Trung Quốc và Hàn Quốc, việc chừa lại một ít thức ăn khi ăn được coi là lịch sự.

Tôi nghe nói rằng, việc ai đó ăn hết cả những miếng đồ ăn cuối cùng sẽ mang ý nghĩa là họ vẫn chưa ăn đủ. Nhưng ở Nhật thì hoàn toàn ngược lại. Việc ăn mà không để lại thức ăn thừa được coi là lịch sự.

Khi còn nhỏ, lúc ở nhà mẹ thường bảo tôi rằng “ Con không được bỏ thừa lại dù chỉ một hạt cơm!”

Không phải vì nhà chúng tôi nghèo.

Mặc dù không giàu có hơn ai, nhưng gia cảnh nhà tôi cùng không đến mức khó khăn.

Vậy tại sao lại có văn hoá ăn uống như vậy? Liệu lối suy nghĩ này của người Nhật sẽ giúp ích cho thế giới?

Xin mời Quý vị các bạn cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây nhé ạ!

 

Lòng biết ơn vạn vật

Cảm ơn những người nông dân đã vất vả bón phân tưới nước cho từng luống rau, đã ươm trồng hái gặt từng hạt gạo trắng.

Con người dùng sinh mạng của những loài vật như cá hay bò để đổi lấy nguồn dinh dưỡng nuôi sống bản thân.

Hơn nữa, chúng tôi biết ơn thời tiết, núi non và đại dương đã cho phép chúng tôi chăn nuôi và trồng trọt an toàn.

Chúng tôi biết ơn tất cả mọi thứ, vì vậy chúng tôi không bỏ thừa lại bất cứ thứ gì.

Văn hoá này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, những trường hợp gọi quá nhiều món so với sức ăn của mình rồi để thừa lại cũng không được chấp nhận kể cả khi đó là người thanh toán bữa ăn.

Đây cũng là một điểm quan trọng khi nói đến những rắc rối mà du khách Trung Quốc gặp phải tại các nhà hàng khi đến thăm Nhật Bản.

 

Sự hiện diện của thần thánh ở khắp mọi nơi

Ở Nhật Bản có một thuật ngữ là “八百万の神”.

Tạm dịch: Tám triệu vị thần.

Tuy nhiên câu này không có nghĩa là có 8 triệu vị thần, mà đang muốn biểu đạt là có rất nhiều, vô số thần linh, không tài nào đếm hết được.

 

Thần linh ngự ở khắp mọi nơi, trên núi, dưới biển và cây cối.

Người ta tin rằng nếu trân trọng những dụng cụ nấu nướng, bát đĩa ăn uống, bút viết của mình, thần linh sẽ ngự trong mọi thứ.

Tuy nhiên, Shinto là một tôn giáo đặc biệt, không như các hình thức được truyền giáo từ các cha sứ ở nhà thờ hay đến chùa nghe sư thuyết pháp. Mà được truyền từ cha mẹ sang con cái từ thế hệ này sang thế hệ khác tương tự như một dạng truyền dạy khả năng sinh tồn.

Tại thời điểm này, gọi đây là một phong  tục có vẻ đúng hơn là một tôn giáo.

 

Các vị thần Shinto sẽ không đáp ứng nguyện vọng của bạn

Nhân đây, tôi có vài chia sẻ về đạo Shinto.

Trong đạo Shinto, có rất nhiều vị thần, và ngay cả khi bạn cầu nguyện với họ, họ cũng sẽ không đáp ứng mong muốn của bạn.

Nhiều người Nhật ngày nay cố gắng truyền đạt mong muốn của mình tới các vị thần tại các đền thờ, nhưng các vị thần không có nhiều thời gian rảnh rỗi như vậy. Họ chỉ đang có mặt ở đó và chứng kiến.

Và ý muốn của thần linh là điều mà người trần mắt thịt như chúng ta không thể hiểu được nên về cơ bản không có giáo lý như các tôn giáo khác.

Chỉ cần bản thân làm điều gì đó mà không phải cảm thấy xấu hổ kể cả khi thần linh nhìn thấy.

 

Trong các tôn giáo nói chung, thần thánh được coi là thiện, còn yêu ma, ác quỷ, quái vật là hiện thân của cái ác. Tuy nhiên trong đạo Shinto không có sự phân chia giữa thiện và ác.

Những thứ vô hình mang sức mạnh kỳ lạ mà con người không thể lý giải được đều giống nhau. Chỉ cần trở thành đối tượng tín ngưỡng của con người, thì sẽ được gọi là thần.

 

Quý vị có nghĩ rằng đạo Shinto của Nhật Bản khá độc đáo và thú vị không ạ?

 

Soạn thảo văn bản cho bài viết này khi đang nằm lăn lết trên giường thì bất chợt tôi nhận ra điều gì đó… Biết đâu các vị thần cũng đang quan sát mình. Phải quay lại bàn làm việc một cách chỉnh chu ngay thôi, nếu không thì thật là xấu hổ khi để thần linh bắt gặp hiện trạng này.

 

***

 

Hy vọng rằng Quý vị các bạn sẽ tiếp nhận bài viết này như một chia sẻ về phong tục và văn hoá chứ không phải một triết lý tôn giáo. Rất mong nhận được ý kiến của Quý vị độc giả gần xa về những vấn đề có liên quan đến bài viết để chúng ta có thể hiểu hơn về nhau, tạo nên mối liên kết và giữa sự giao thoa giữa các Quốc gia.

 

Tác giả: Kengo Abe

Biên dịch: Maeri Phương Kỳ

Xem thêm: