Bí kíp học hành của ngôi sao ngành du lịch Nhật

Ở tuổi 14, cô bé Yuka Hasumoto đã vượt qua cuộc thi quốc gia tuyển chọn thông dịch viên hướng dẫn, nơi chỉ 20% số người tài giỏi dự thi đạt được.

 

Hồi tháng 1 năm nay, một cô bé ở cấp trung học cơ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã vượt qua một kỳ thi quan trọng thu hút sự chú ý trên toàn quốc. Đó là Yuka Hasumoto, người hiện 14 tuổi và đang theo học ở trường trung học cơ sở Toshimagaoka-Joshigakuen.

Vượt khỏi phạm vi sách vở

Kỳ thi mà Hasumoto tham gia là sự kiện lấy chứng chỉ thông dịch viên hướng dẫn, tức những người làm nghề thông dịch kiêm hướng dẫn viên cho khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản.

Chính vì cần cả tiếng nước ngoài lẫn một khối lượng kiến thức đồ sộ về lịch sử, địa lý, văn hóa… mà cuộc thi này luôn rất khó khăn. Báo Yomiuri Shimbun tuần trước cho hay chỉ 20% số ứng viên đạt tiêu chuẩn, trong đó có Hasumoto – người lập kỷ lục là ứng viên trẻ tuổi nhất thành công.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Hasumoto kể rằng cô tham gia kỳ thi trên vì khát khao muốn truyền bá văn hóa Nhật Bản. Câu chuyện này liên quan tới một thảm họa – trận động đất và sóng thần năm 2011.

Khi ấy Hasumoto đang ở Trung Quốc cùng cha mình. Họ xếp hạc giấy theo phong cách origami truyền thống của người Nhật để cầu nguyện và hy vọng hỗ trợ về mặt tinh thần cho trẻ em ở Nhật.

Bạn bè xung quanh Hasumoto rất tò mò về nghệ thuật origami, nhưng cô bé lại không biết cách xếp hạc, và cũng không biết nói gì về origami cả. Cô bé thừa nhận đã rất xấu hổ vì mình thậm chí còn không biết gì về đất nước của mình, và đó là động lực cho thành công sau này.

Cuộc thi chứng chỉ quốc gia nói trên có hai phần, gồm bài kiểm tra viết và bài phỏng vấn trực tiếp. Theo Hasumoto, phần một bao gồm bốn chủ đề về tiếng nước ngoài, lịch sử Nhật Bản, địa lý Nhật Bản và kiến thức chung. Hasumoto phải mất một năm để trang bị kiến thức cho mình.

“Khi nói tới lịch sử và địa lý, kiến thức đòi hỏi hoàn toàn khác biệt so với những bài kiểm tra đầu vào của trường trung học cơ sở. Điển hình là phần địa lý, các ứng viên phải thể hiện những hiểu biết rất chi tiết về từng địa điểm du lịch. Lấy ví dụ, tôi đã nghiên cứu về các địa điểm tại Kyoto và những con đường du lịch”, Hasumoto trả lời báo Yomiuri Shimbun.

Không chỉ có tiếng Anh!

Để được coi là một thông dịch viên hướng dẫn thực thụ, các ứng viên còn phải nghiên cứu rất rộng về công nghiệp, kinh tế và chính trị. Theo lời Hasumoto, cô bé phải đối diện với những câu hỏi rất hóc búa, ví dụ như việc phải nghiên cứu Sách trắng về du lịch của chính phủ.

Việc chuẩn bị của cô bé đương nhiên phải song song với nhiệm vụ ở trường học, nên giờ nghiên cứu chỉ có thể thực hiện sau giờ học hoặc cuối tuần. Theo Hasumoto, cái chính là cô bé cảm thấy rất thoải mái với gánh nặng này, do cảm nhận được mình đã học hỏi rất nhiều thứ mới mẻ.

Lấy ví dụ ở phần vấn đáp, ứng viên phải truyền tải những nét văn hóa Nhật Bản cũng như những câu nói tiếng Nhật bằng tiếng Anh. Ngoài sự trơn tru, ứng viên còn phải là một “thổ địa” tại Nhật Bản với những cập nhật về cách thức di chuyển, công nghệ.

Như Hasumoto, cô bé đã chọn chủ để tàu điện ngầm và phải giới thiệu với du khách về các quy định, ưu đãi của ngành này dành cho khách nước ngoài, cũng như lợi ích của việc sử dụng chíp điện tử…

 

 

Sau cùng, tiếng Anh cũng không phải công cụ giao tiếp duy nhất, vì khách du lịch Nhật Bản rất đa dạng, như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong trường hợp chỉ biết tiếng Anh, thì càng phải dùng tiếng Anh một cách đơn giản nhất có thể.

Ngành du lịch Nhật Bản ngày càng phát triển và đứng trước nhiều áp lực. Họ sắp tổ chức các sự kiện lớn, điển hình như Thế vận hội 2020, trong khi nhân lực lại thiếu hụt hoặc có sự chuyển đổi.

Được ban hành năm 1949, luật hướng dẫn viên chỉ cho phép những người có chứng chỉ quốc gia mới có thể kiếm thu nhập từ việc hướng dẫn khách du lịch nước ngoài. Những ai vi phạm, làm nghề “chui” bị phát hiện sẽ bị áp mức phạt 500.000 yen.

Tuy vậy The Japan Times năm 2016 dẫn một thống kê cho thấy số lượng người vất vả vượt qua kỳ thi quốc gia để lấy tấm giấy phép này lại có hơn 70% không thèm làm việc trong ngành. Một phần vì thu nhập của ngành này quá thấp, một phần vì nhiều người chỉ muốn thi thử để kiểm tra năng lực bản thân mà thôi.

Thực tế này buộc nhà cầm quyền Nhật Bản phải nới lỏng quy định dành cho thông dịch viên hướng dẫn. Tháng 4-2016, Cơ quan Du lịch Nhật Bản tháo gỡ quy định về chứng chỉ thông dịch viên hướng dẫn nêu trên, nhằm thu hút mọi người quay lại để đáp ứng chỉ tiêu đón 40 triệu lượt du khách mỗi năm tính tới 2020.

Theo tuoitre.vn

 

Vì sao Nhật Bản đón Tết theo Dương lịch?

Hành lý nên mang theo khi đi du lịch Nhật Bản

Chàng sinh viên Việt đạt chứng chỉ tiếng Nhật cao cấp chỉ vìtự ái!

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: