“Mỗi khách hàng cần phải được tôn trọng, cho dù đó là một người ăn mày” – bài học quý giá của Yoshiaki Tsutsumi

Trong lịch sử, Nhật Bản từng được thế giới biết đến với nền kinh tế bong bóng. Từ năm 1986 – 1991 là thời kỳ khó khăn của hầu hết các công ty, tập đoàn lớn của Nhật khi nền kinh tế cả nước lao dốc nhanh chóng.

Nhiều công ty phải tuyên bố phá sản, nhiều doanh nhân đang trên đà phát triển bỗng nhiên mất trắng. Trong đó, tỷ phú Yoshiaki Tsutsumi là nhân vật điển hình lúc bấy giờ.

Yoshiaki Tsutsumi là ai?

Trong thời đại hiện nay, những người biết đến ông vua của đế chế Seibu (¹)- Yoshiaki Tsutsumi rất ít. Thậm chí, dòng họ Tsutsumi từng có thời gian bị lu mờ bởi sự thất bại trong việc kinh doanh.

(¹) Đế chế Seibu là tập đoàn đường sắt Seibu có trụ sở tại Tokorozawa, Saitama, Nhật Bản với các lĩnh vực kinh doanh chính là đường sắt, du lịch và bất động sản.

Nguồn forbes

Yoshiaki là đứa con ưu tú của gia tộc tiếng tăm nhất Nhật Bản trong thế kỷ 20. Ngoài ra, ông cũng là người kế thừa đáng tự hào của Yasujiro Tsutsumi – người sáng lập công ty đường sắt Seibu.

Khác với “người Nhật khổng lồ” – Matsushita Konosuke (²), Yoshiaki lớn lên trong sự giàu sang, phú quý nhưng không vì thế mà ăn chơi trác táng, “phá gia chi tử”. Ngay từ lúc còn nhỏ, ông được giáo dục để trở thành doanh nhân. Sống trong môi trường kinh doanh, ông học hỏi được nhiều điều từ những người đi trước và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

(²) Matsushita Konosuke là cựu chủ tịch và là người đưa tên tuổi tập đoàn Panasonic lan rộng khắp thế giới.

Hai chuyến tàu điện thuộc công ty đường sắt Seibu

Ảnh cắt từ youtube

Sự nghiệp của Yoshiaki bắt đầu vào năm 30 tuổi. Năm 1964, ông kế thừa sự nghiệp và tập đoàn Seibu sau sự ra đi của cha mình. Sau khi lên nắm quyền, ông bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đế chế của người cha quá cố để lại.

Yoshiaki thâu tóm nhiều khách sạn, khu trượt tuyết, sân Golf, phát triển công ty bất động sản thành tập đoàn khổng lồ. Thậm chí ông sở hữu cả đội bóng chày Saitama Lions vô cùng nổi tiếng và giành nhiều Cúp vô địch. Hơn nữa, ông cũng cân nhắc tới việc mua lại Seattle Mariners – một đội bóng chày nổi tiếng của Mỹ.

Sự thành công bắt nguồn từ một bài học

Ngay từ bé, Yoshiaki kế thừa truyền thống kinh doanh của gia đình, được tiếp xúc với rất nhiều doanh nhân, khách hàng.

Trong đó một bài học về sự tôn trọng do chính người ông đáng kính dạy đã khắc vào tâm can của Yoshiaki, trở thành điều tiên quyết trong tư tưởng kinh doanh của ông.

Bức ảnh chụp ngày 08 tháng 10 năm 2004

“Ngày nọ, một ông lão ăn mày quần áo rách rưới, tơi tả, đầu tóc bù xù, khắp người đầy mùi hôi thối bước vào một cửa hàng náo nhiệt. Những vị khách khác đều tỏ vẻ khó chịu, bịt mũi, tránh xa ông lão.

Nhân viên bán hàng cũng không thể chịu được, bực tức vì khách hàng khó chịu. Cô hét lớn: “Cút! Cút ngay chỗ khác!”.

Người ăn mày tay chân run rẩy, từ từ móc trong tui ra mấy đồng tiền lẻ bị dính bẩn nói với nhân viên bán hàng: “Tôi đến mua bánh ngọt. Loại nào là rẻ nhất.”

Ông Chủ cửa hàng bánh ngọt bước đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh nhỏ, vừa đẹp vừa thơm từ trong tủ kính và cúi người thật sâu, đưa bằng 2 tay cho người ăn mày và nói: “Cảm ơn quý khách đã mua bánh của chúng tôi! Hoan nghênh quý khách lần sau lại tới!”.

Người ăn mày cầm lấy bánh với thái độ hết sức ngạc nhiên, rời khỏi cửa tiệm, dường như anh ta chưa từng có ai đối xử và được tôn trọng như thế  này trong đời…

Một cậu nhóc cháu của ông chủ cửa hàng thấy lạ hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày đó như vậy ạ?”.

Ông nội cậu nhóc giải thích: “Cháu biết không! Mặc dù đó là người ăn mày nhưng đến mua bánh của chúng ta thì là khách hàng. Ông ấy, để ăn được bánh ngọt của chúng ta đã không tiếc khi tiêu số tiền ít ỏi dành dụm trong một thời gian dài mới có được. Có thể nói rất khó có được! Nếu ông không tự mình phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với sự ưu ái của ông ấy dành cho chúng ta đây!”.

“Nếu là vậy thì sao ông còn lấy tiền làm gì ạ?”. Cậu bé hỏi tiếp.

“Ông ấy hôm nay đến đây là khách chứ không phải ăn xin đâu cháu ạ! Đương nhiên chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không thu tiền ông ấy, chẳng phải ông đã sỉ nhục ông ấy rồi sao?

Cháu nhất định phải nhớ kỹ, phải tôn trọng mỗi một khách hàng của chúng ta, cho dù đó là một người ăn mày. Bởi vì những thứ chúng ta có đều là do khách hàng cung cấp cho. Người ông giải thích.”

Câu chuyện trên chính là của Yoshiaki khi còn bé với ông nội. Ông từng nói: “Năm đó, mỗi cử chỉ , lời nói của ông nội dành cho người ăn mày đều khắc sâu vào tâm trí của tôi”.

Về sau, ông đem câu chuyện này kể lại cho nhân viên của mình và dạy họ điều quan trọng trong kinh doanh chính là sự tôn trọng khách hàng. Công việc làm ăn của công ty thành bại đều là do khách hàng. Vì thế mọi người thường nói: “Khách hàng là thượng đế!”.

Đây cũng chính là phương châm kinh doanh, tạo nên tên tuổi của Yoshiaki không chỉ trong nước mà còn lan rộng ra nước ngoài.

Nguồn coinmill

Theo bảng xếp hạng của Forbes, Yoshiaki là người giàu nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp kể từ 1987 đến 1990. Cụ thể ông là người giàu nhất thế giới năm 1990 với khối tài sản trị giá 15 tỷ USD, vượt qua Sam Walton – người sáng lập chuỗi siêu thị Walmart.

Có thời gian, ông là chủ tịch Hội đồng Olympic Nhật Bản, quyên góp rất nhiều tiền và giúp cho Nhật Bản đăng cai thế vận hội mùa đông ở Nagano năm 1998.

Thời kỳ hoàng kim, Yoshiaki Tsutsumi được mọi người biết đến là người giàu nhất thế giới, ông chủ quyền lực nhất trong giới kinh doanh và có tầm ảnh hưởng nhất.

Sự sụp đổ của một đế chế hùng mạnh.

Thời kỳ 1986 – 1991, nền kinh tế bong bóng vỡ tan, lao dốc không phanh. Nhiều công ty, tập đoàn lớn là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng. Tập đoàn Seibu cũng không tránh khỏi và bắt đầu cho thấy sự sụp đổ.

Năm 2004, chính phủ Nhật Bản siết chặt việc quản lý, thiết lập những quy chuẩn kế toán. Tập đoàn Seibu rơi vào tầm ngắm và bị phanh phui nhiều sai phạm. Họ buộc phải hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo.

Nguồn news.zing

Đây là thời kỳ đen tối nhất của Yoshiaki. Ông bị bắt vì cáo buộc giao dịch ngầm và làm giả giấy tờ vào năm 2005. Hình phạt dành cho ông là 4 năm tù giam và 5 triệu yên.

Yoshiaki buộc phải rời bỏ mọi chức vụ mà ông nắm giữ trong tập đoàn khi Seibu gặp bê bối. Đó cũng chính là nỗi hổ thẹn lớn nhất trong cuộc đời ông khi đế chế của cha mình bị sụp đổ.

Một con người tài hoa, lỗi lạc ngày nào bỗng chốc trắng tay trong một thời gian ngắn. Nhiều chuyên gia ví sự sụp đổ của tập đoạn Seibu và thất bại của Yoshiaki chính là ví dụ tiêu biểu cho sự bùng nổ và suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản.

Hiện nay, với tuổi tác đã cao, việc khôi phục lại sự nghiệp của Tsutsumi Yoshiaki dường như là việc không thể xảy ra. Nhưng sau tất cả, tên tuổi của ông sẽ mãi vang danh cho đến đời sau.

Ashirogi

Tìm hiểu các doanh nhân Nhật Bản – Cựu chủ tịch tập đoàn Panasonic

Tìm hiểu các doanh nhân Nhật Bản (P2) – Phát minh cứu cánh rất nhiều người.

Tự kinh doanh tại Nhật – Những điều có thể bạn đang vi phạm

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: