Người Nhật nhập cư rút khỏi “vùng đất màu mỡ” Thượng Hải vì không chịu nổi chính sách “Black Mirror”
Theo thống kê của Bộ ngoại giao Nhật Bản vào năm 2007, có khoảng 47731 người Nhật định cư tại Thượng Hải. Đây là thành phố có số người Nhật nhập cư cao nhất trên thế giới.
Vượt qua New York và Los Angeles, sau khi dẫn đầu về số người Nhật nhập cư, con số này vẫn tăng nhanh đến năm 2012 (57,458 người), nhưng sau đó lại giảm nhanh chóng.
Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đổ vốn ở Thượng Hải từ 10 đến 20 năm trước cũng đã về nước.
Nguyên nhân một phần do hiện trạng chi phí nhân công tăng tại Trung Quốc, nhưng thực tế có rất ít ngành bị ảnh hưởng.
Ví dụ, tại các công xưởng chủ yếu vận hành sản xuất bằng máy móc, vốn có rất ít nhân lực, dù giá nhân công có tăng vọt cũng không gây ra ảnh hưởng gì lớn.
Phải nói thêm, nguồn nguyên liệu ở Trung Quốc rất dồi dào, do đó nhiều người Nhật đã mở nhà máy ở đây. Quá trình sản xuất cũng không phải khó khăn gì, thế nhưng người Nhật vẫn quay về nước, tại sao vậy?
Nguyên nhân lớn nhất là do quá trình yêu cầu văn bản cho phép lưu trú người nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Qua nhiều năm, quá trình này càng phức tạp và đòi hỏi đáp ứng nhiều điều kiện hơn, ví dụ tuổi tác, học vị, kinh nghiệm làm việc,…
Rất nhiều người Nhật phải rời đi dù đã làm việc lâu năm vì không đáp ứng được những điều kiện khắc nghiệt sau này.
Ngoài ra thêm một lý do nữa liên quan đến thanh toán điện tử. Hiện nay công nghệ phát triển đang thay đổi thói quen của người dân từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử, chỉ bằng Smart phone. Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong. Vậy mà dịch vụ này hóa ra chỉ dành cho người bản xứ mà thôi. Không chỉ với doanh nghiệp nước ngoài, cuộc sống sinh hoạt của dân nhập cư cũng không hề dễ chịu một chút nào.
Thêm một sự khó chịu nữa đó là Chính quyền nắm rất rõ mọi thông tin của bạn, anh là ai, từ đâu đến, ở đâu, kinh doanh gì? Điểm buồn cười là, họ biết luôn cả thu nhập, ngân sách chi tiêu định kỳ, thậm chí số lần vượt đèn đỏ hay đậu xe sai chỗ của bạn. Theo lý luận của Chính quyền, đây là cách vận hành của hệ thống tính điểm tín dụng (tương tự xã hội hư cấu trong phim “Black Mirror”).
Hệ thống này hoạt động theo kiểu tích điểm. Nếu số điểm của bạn thấp, bạn sẽ không thể mua được vé máy bay, thậm chí giới hạn cả những trường đại học bạn có thể thi vào, đến cả tốc độ đường truyền Internet trong nhà bạn nhanh hay chậm cũng bị điều khiển bởi hệ thống này. Vậy thì còn gì là riêng tư nữa khi mọi hoạt động của bạn đều bị theo dõi và xếp hạng mọi lúc?
Tôi đồng ý rằng hệ thống sẽ rất có ích nếu nó giúp điều khiển hành vi của công dân theo hướng tích cực, nhưng hãy nhìn cách nó ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ. Ví dụ, những cửa hàng nhỏ doanh thu thấp sẽ nhanh chóng sụp đổ dưới sự quản lý của mô hình tích điểm, chỉ còn lại các chuỗi nhà hàng lớn mà thôi. Như vậy chẳng phải sẽ hạn chế rất nhiều trong lựa chọn của người dân hay sao?
Một hệ thống như vậy, tôi cho rằng quá độc tài và thiếu tự do.
Đó chính là lý do ngày càng nhiều người Nhật ra đi, về nước hoặc di cư đến những quốc gia khác.
Xin hãy phân biệt rõ ràng khái niệm định hướng hành vi và nâng cao cuộc sống với điều khiển và độc tài chuyên chế.
Kengo Abe