Câu chuyện từ đồng âm, chiếc máy chơi Game ngừng sản xuất và bài học từ Nintendo
Đã là hàng hoá, dù có là hàng hiệu, có bảo quản kỹ đến đâu cũng đến lúc hỏng. Hỏng rồi thì mua lại thôi, nhưng ngộ nhỡ hàng đã ngừng sản xuất thì làm thế nào?
Đây là câu chuyện có thật của một bà lão, một người tuy đã 95 tuổi nhưng vẫn thích chơi máy Game cầm tay của Nintendo – Nhà sản xuất đằng sau thương hiệu Game nổi tiếng Mario. Một ngày đẹp trời, máy chơi Game yêu thích của bà bị hỏng.
Chiếc máy ấy là Game boy, hiện giờ đã ngừng sản xuất.
Ảnh https://www.gizmodo.jp/2020/02/classic-gameboy.html?utm_source=facebook&utm_medium=feed&utm_campaign=029d1af2442dcd41932a2f80dd906b0a
Game boy ra mắt vào năm 1989, đến thời điểm ngừng sản xuất đã bán được 100 triệu chiếc. Bà dùng máy này để chơi Game Tetris (trò xếp gạch) cả ngày lẫn đêm.
Ảnh http://udontaro.blog79.fc2.com/blog-entry-2126.html
Bà không chỉ thích trò này, mà còn thích cả chiếc máy chơi Game này. Trước đó bà có làm hỏng một vài chiếc nhưng vẫn mua mới hoặc đổi được. Chiếc Game boy gần nhất đã là chiếc thứ 3. Thế nhưng không may, năm 2003, sản phẩm ngừng sản xuất. Bà đã đi hỏi qua nhiều cửa tiệm nhưng vì hàng cũ quá nên người ta từ chối sửa.
Bà đem chuyện này kể cho người cháu nghe và được cháu đưa ra lời khuyên thế này:
” Vì Nintendo nổi tiếng với dịch vụ hỗ trợ từ Kami – Thần linh, sao bà không thử liên lạc trực tiếp xem sao”.
Dịch vụ hỗ trợ từ Kami ám chỉ dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, nhận sửa chữa hoặc đổi các sản phẩm cũ. Sở dĩ gọi là hỗ trợ từ Thần linh để nhấn mạnh sự khéo léo và chu đáo từ phía doanh nghiệp.
Thế nhưng bà lớn tuổi nên đã hiểu nhầm ý cháu.
Từ Kami (神), bà tưởng nhầm thành Kami (紙) – Giấy. Thế là bà nhờ con trai viết thư tay để gửi cho Nintendo. Trong thư, người con trai còn thêm ý “Tôi muốn mẹ được chơi Game boy vui vẻ một lần nữa”.
Thư đến được Nintendo, và như thường lệ, công ty này lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc khách hàng của mình.
Game boy đã ngừng sản xuất được 17 năm rồi, may mắn thay, vẫn còn 1 sản phẩm còn sót lại trong kho, thế là Nintendo gửi tặng bà lão như một món quà.
Bà rất vui mừng với chiếc Game boy lần thứ 4. Vậy là bà có thể vui vẻ chơi Game boy đến khi qua đời ở tuổi 99.
Tôi cũng từng làm việc trong ngành chăm sóc khách hàng. Nhiều khách hàng liên lạc với bộ phận trong tình trạng bực tức do vấn đề của họ không được giải quyết. Họ thậm chí hét lên trong điện thoại. Nhiều nhân viên công ty không muốn nhận nhiệm vụ chăm sóc khách hàng nên doanh nghiệp thường thuê agency bên ngoài.
Tuy nhiên bản thân tôi vẫn nghĩ doanh nghiệp nên có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng, vì bộ phận này đảm nhận nhiệm vụ lắng nghe phản hồi khách hàng về sản phẩm của chính doanh nghiệp. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để thắt chặt mối liên hệ giữa hai bên.
Tôi cho rằng Nintendo là tấm gương xuất sắc trong việc chăm sóc khách hàng, rất đáng học hỏi.
Kengo Abe