Ông chủ Daiso: Người bán cá phá sản trở thành tỷ phú nhờ cửa hàng đồng giá
Nhà sáng lập cửa hàng một giá lớn nhất Nhật Bản nảy ra ý tưởng tỷ USD vì… ngại gắn mác giá cho từng sản phẩm.
Hirotake Yano, nhà sáng lập và chủ tịch của “thiên đường mua sắm Nhật Bản” Daiso Sangyo, là một trong những người tiên phong theo đuổi mô hình đơn giá và sử dụng chiến lược đó để xây nên khối tài sản ròng 1,9 tỷ USD, theo chỉ số tỷ phú Bloomberg.
Hirotake Yano – cha đẻ của “thiên đường đồng giá” Daiso
“Ông ấy chọn một thời điểm hoàn hảo”, Pascal Martin, một nhà phân tích tại OC&C Strategy Consultants, cho biết. Chỉ vài năm sau khi bong bóng kinh tế Nhật vỡ, Sangyo mở cửa hàng đồng giá 100 Yên đầu tiên vào năm 1991, khởi đầu cho sự thay đổi sâu sắc trong văn hóa tiêu dùng của người dân nước này.
Con đường đến với kinh doanh của Yano không hề bằng phẳng. Sau khi tốt nghiệp đại học Chuo ở Tokyo, ông trôi dạt qua một loạt các công việc khác nhau, nổi bật là trông cửa hàng bán cá của cha vợ cho đến lúc phá sản, theo trang web của Daiso.
Năm 1972, ông bắt đầu bán đồ trên xe tải và nảy ra ý tưởng đặt giá 100 Yên cho tất cả các mặt hàng để đỡ phải tốn thời gian gắn mác. Năm 1977, ông thành lập công ty Daiso, trong tiếng Nhật có nghĩa là “tạo ra một thứ lớn lao”.
Daiso dẫn đầu trong ngành bán hàng một giá của Nhật
Mức lương ít ỏi và một nền kinh tế trì trệ dẫn đến một thay đổi lớn trong tâm lý người tiêu dùng Nhật Bản vài chục năm trở lại đây, và giúp khai sinh ra ngành công nghiệp bán lẻ giảm giá với doanh thu hàng năm khoảng 600 tỷ Yên (5,4 tỷ USD) của nước này.
Daiso là công ty lớn nhất trong ngành với hơn 3.150 cửa hàng trong nước và 1.800 ở nước ngoài. Doanh thu của nhà bán lẻ thành phố Hiroshima đạt 420 tỷ Yên cho năm kết thúc 3/2017, tăng 81,8 tỷ yên so với năm 1999. Cửa hàng đồng giá này bán khoảng 70.000 đồ gia dụng, có cả những thứ kỳ lạ như tiền giả, quần áo cho thú nuôi, hay đầu ma-nơ-canh. Doanh thu tăng 6,3% trong năm tài khóa 2017.
Thành công của vị tỷ phú đồng giá đến từ chiến lược nguồn hàng nhanh nhạy, hợp xu hướng nhờ việc đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất để đặt hàng với số lượng lớn và giá thấp. Từ những sản phẩm chất lượng cao cho đến những món đồ kỳ quặc, tất cả chỉ có một giá 100 Yên, một chiến lược được chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart (Mỹ) sử dụng.
Các cửa hàng Daiso luôn rất đông khách hàng
Tuy nền kinh tế của Nhật Bản giờ rất phát triển (tăng trưởng 5 quý liên tiếp), nhu cầu tìm được “món hời” đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng. “Bây giờ, người dân Nhật Bản muốn tiết kiệm nhiều hơn. Họ sẽ không từ bỏ thói quen mua đồ rẻ đã có trong 20 năm qua”, chuyên gia phân tích Kousuke Narikiyo của Nomura nhận định.
Theo Lyly Cao/ Kinh tế & Tiêu dùng
Sự thật đằng sau những thương hiệu vẫn thường bị nhầm tưởng là của Nhật