Tiêu chuẩn cái đẹp của con gái Nhật Bản thay đổi thế nào theo từng thời kì?

Đẹp là một định nghĩa rất trừu tượng. Khi nhìn cùng một vật, người này có thể thấy đẹp, nhưng người kia lại chẳng cảm thấy thu hút. Chưa kể đến mỗi người, tùy từng thời điểm khác nhau, quan điểm về cái đẹp hoàn toàn có thể thay đổi.

Chỉ trong vòng 1 năm đã có bao nhiêu xu hướng thời trang nổi rồi chìm, đặc biệt tại một quốc gia rất xem trọng vẻ ngoài như nước Nhật. Vậy trong cả một lịch sử hình thành và phát triển, tiêu chuẩn về cái đẹp phụ nữ ở Nhật đã thay đổi như thế nào? Bạn có muốn biết không?

1. Thời kỳ Nara (710-814)

Trong thời kỳ này, phụ nữ trang điểm rất đậm. Những gương mặt trắng toát giống như Geisha thời nay chính là bắt nguồn vào khoảng thời gian này. Ngoài ra, người phụ nữ có các đặc điểm mặt tròn, vai rộng, môi nhỏ chúm chím được xem là các mỹ nhân và rất được coi trọng trong xã hội, thường đại diện cho tầng lớp quý tộc.

2. Thời kỳ Heian (794-1185)

Tiêu chuẩn cái đẹp thời Heian chủ yếu lấy cảm hứng từ những câu chuyện kể Genji của Murasaki Shikibu. Khi ấy, người ta tin rằng phụ nữ càng đẹp tóc càng dài, trung bình chiều dài mái tóc phụ nữ Nhật lúc bấy giờ là 7 mét.

Có nhiều suy đoán cho rằng, xu hướng này nhằm đối chọi lại với xu hướng thích tóc ngắn (theo kiểu búi tóc) ở Trung Quốc.

Ngoài ra thời này còn thịnh hành xu hướng son nửa môi. Heian đánh dấu giai đoạn vàng son của các nàng ca kĩ, do đó bên cạnh ngoại hình, khả năng ca hát cũng là một tiêu chuẩn cho người phụ nữ đẹp,

3. Thời kỳ Kamakura (1185-1333)

Đây là giai đoạn Nhật Bản lâm vào các cuộc chiến triền miên, do đó người ta ưa chuộng những cô gái có nét đẹp khỏe khoắn, năng động. Thời kỳ Kamakura được mệnh danh là giai đoạn của những nữ chiến binh với mái tóc dài được buộc cao trên đỉnh đầu.

4. Thời kỳ Muromachi (1336-1537)

Thời Muromachi, nổi bật trên nền phấn trắng, các cô gái sẽ nhuộm răng đen, làm nên phong cách Ohaguro rất phổ biến ở Nhật. Người ta cũng sẽ cạo lông mày hoặc vẽ lại cao hơn trên trán, thỉnh thoảng chạm tới tận phần chân tóc.

5. Thời Edo (1600-1867)

Nếu ở thời Muromachi, răng đen là trào lưu của mọi phụ nữ thì đến thời Edo, chỉ những phụ nữ đã lập gia đình mới nhuộm răng đen và tỉa lông mày. Ohaguro là biểu tượng đại diện cho sự trưởng thành và khiêm tốn, ám chỉ những người phụ nữ đã yên bề gia thất, đây cũng là sự nhắc nhở cho phụ nữ thời Edo, luôn toàn tâm toàn ý với gia đình, không lăng nhăng ở ngoài.

Thời này mặt trắng giả tạo không còn phổ biến nữa, thay vào đó phụ nữ ưa chuộng kiểu trang điểm tự nhiên. Mỗi buổi sáng họ sẽ dậy sớm để đắp cám gạo lên mặt cho làn da trắng mịn. Ngoài ra, vòng eo thon và khuôn mặt hình trái xoan cũng dần thay thế mặt tròn đầy đặn.

6. Thời Meiji (1868-1912) và thời Taisho (1912-1926)

Tương truyền rằng Hoàng hậu không chấp nhận nhuộm răng đen, do đó tục nhuộm răng dần biến mất. Vào thời này, những người phụ nữ có đôi mắt tròn, mặt dài, da trắng được xem là đẹp, dựa theo kết quả của một cuộc thi sắc đẹp.

7. Hậu chiến tranh thế giới thứ 2

Vào thời này, tiêu chuẩn sắc đẹp ở Nhật chịu ảnh hưởng sâu sắc của châu Âu, do đó phong cách trang điểm của phụ nữ Nhật thời này rất giống với phương Tây. Họ sử dụng mỹ phẩm phương Tây, các sản phẩm như kem nền, mascara, eye liner cũng dần trở nên phổ biến.

8. Ngày nay

Đến nay, cho dù vẫn chịu nhiểu ảnh hưởng từ phương Tây, phụ nữ Nhật đang tìm kiếm giá trị riêng biệt trong phong cách làm đẹp. Bạn có thể thấy những trào lưu làm đẹp nổi tiếng thế giới ngày nay có rất nhiều cái xuất phát từ Nhật.

Kể đâu xa, chỉ cần đi dạo trên đường phố Harajuku, bạn đã thấy rất nhiều màu sắc thời trang khác nhau làm nên một thiên đường thời trang đậm chất Nhật Bản.

Sachiko
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: