Phong cách “phi giới tính” trong thời trang Nhật và những cái tên đi đầu xu hướng

Thông thường con trai không thích bị gọi là “kawaii” nhỉ, thế nhưng ở Nhật lại có rất nhiều các Kawaii otoko, và những anh chàng này cũng không ngại khi bị/được gọi như thế. Làn sóng “phi giới tính” được chấp nhận rộng rãi ở Nhật Bản và gây ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng ở Tokyo. Hiện tại có rất nhiều biểu tượng thời trang nổi lên từ xu hướng này.

“Phi giới tính” là làn sóng thời trang mới, xóa nhòa ranh giới của giới tính. Thời trang truyền thống có sự phân chia rõ ràng giữa trang phục của phụ nữ và nam giới và có những thiết kế riêng biệt theo tiêu chuẩn phân chia đó. Nhưng gần đây, xu hướng tận hưởng thời trang một cách tự do hơn được ưa chuộng, và phong cách thời trang “phi giới tính” đã xuất hiện.

Khái niệm này khác với “unisex” vì “unisex” bao gồm trang phục (hoặc kiểu tóc) cho phép cả hai giới đều có thể mặc. Tuy nhiên, thể loại “phi giới tính” nhấn mạnh hơn về phía người mặc. Có nghĩa là trang phục giúp người mặc xoá nhoà đi ranh giới về giới tính.

Thời trang “phi giới tính”  mở ra lựa chọn cho mọi người để mặc bất cứ thứ gì trông đẹp mắt theo phong cách của bạn, không quan trọng món đồ cụ thể đó dành cho giới tính nào.

Những biểu tượng phi giới tính ở Nhật

Hiện tại ở Nhật Bản có nhiều người mẫu và nhân vật truyền hình “phi giới tính”. Xu hướng này càng trở nên rõ ràng với sự xuất hiện của GENKING, “mỹ nam” bí ẩn nổi tiếng với khán giả trẻ Nhật Bản trong các chương trình tạp kỹ với tính cách độc đáo và lập trường vững chắc về vấn đề giới tính.

GENKING có quan điểm khác biệt về giới tính và tình dục. Tham vọng của anh ấy là trở thành người giống như Akihiro Miwa, nhân vật đồng tính nam huyền thoại, drag queen (trai giả gái), đồng thời là ca sĩ với chất giọng nữ cao độc đáo,…

Ảnh https://sirabee.com/2019/01/10/20161957562/

Youji Kondo là một trong những người mẫu “phi giới tính” phổ biến nhất ở Nhật Bản. Anh xuất hiện trên tạp chí dành cho tuổi teen “Ranzuki” và tạp chí “Zipper,” ngoài ra còn nhận được sự yêu thích rộng rãi của thanh thiếu niên thông qua mạng xã hội. Anh chàng nổi bật với kỹ thuật phối các loại T-shirt size lớn dành cho nữ, đồng thời cũng đưa ra những lời khuyên độc đáo cho phụ nữ muốn mặc set đồ của nam giới. Không chỉ với chính mình, Youji Kondo cũng khuyên các Fan dù ở giới tính nào, hãy thử thách thức phong cách của bản thân, vượt qua những chuẩn mực thời trang phân biệt giới tính.

Một người mẫu nam “phi giới tính” nổi tiếng khác là Usuke Devil, hiện là biểu tượng thời trang thế hệ mới, có lượng người hâm mộ xuyên biên giới. Anh ấy được coi là “thần tượng Instagram”, có rất nhiều Fan nhận xét rằng “Cậu ấy còn xinh hơn cả con gái”.

Usuke Devil hiện đang là sinh viên của một trong những trường đại học thời trang danh tiếng ở Nhật Bản, và cũng đang hoạt động với tư cách người mẫu trên những tạp chí thời trang tên tuổi như “WWD” và “Soen”. Đôi khi anh ấy xuất hiện cùng với chị gái sinh đôi của mình, Asami Hida, cũng là người mẫu của tạp chí “CUTiE”.

Những biểu tượng “phi giới tính” này được mô tả là đại diện cho làn sóng neo-ikemen (những anh chàng xinh trai). Họ có nhiều Fan là những cô gái trẻ, không chỉ ngưỡng mộ mà còn ghen tỵ trước nhan sắc của họ.

Tuy nhiên trào lưu này cũng vướng phải một số chỉ trích, tiêu biểu như “kỳ quặc”, “ẻo lả”,…

Xu hướng thời trang “phi giới tính” khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta mặc và bản sắc riêng của chúng ta cũng như vấn đề giải phóng cách thể hiện trong thời trang. Đương nhiên ý tưởng độc đáo nào cũng từng bị phán xét, nhưng quan trọng là chính bạn cảm thấy tự tin và tự hào về những gì mình mặc.

Sacchan
Xem thêm: