Tưởng đồng âm hóa ra không đồng âm – Giới thiệu cho bạn một kiểu ghi nhớ từ vựng thú vị qua Manga/Anime

Tiếng Nhật có rất nhiều từ đồng âm, và nếu bạn đang có kế hoạch học tiếng Nhật, hoặc ít nhất là mong muốn hiểu được các nhân vật Anime đang nói gì, có lẽ bạn sẽ muốn biết một số từ đồng âm phổ biến trong ngôn ngữ này.

Cơ bản, các từ đồng âm là những từ tuy không chung nghĩa, nhưng có cách phát âm giống nhau.

*** Tại sao tiếng Nhật lại có nhiều từ đồng âm và lý do bạn nên học về từ đồng âm?

Lý do vì tiếng Nhật có ít âm thanh hơn, do đó khả năng hai từ có cùng cách phát âm rất cao. Nếu bạn học tiếng Nhật chắc cũng biết, dù ngữ pháp, kính ngữ, chữ Hán… của tiếng Nhật rất phức tạp, phát âm là phần đơn giản nhất, hay thậm chí còn đơn giản hơn nhiều so với các ngoại ngữ khác (như tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Hàn,…)

Có bao nhiêu bạn tự tin hát theo một ca khúc tiếng Nhật, dù không biết một chữ tiếng Nhật nào, chỉ bằng cách nhìn vào Romaji. Do đó nếu bạn đang hoang mang trong “rừng tiếng Nhật”, hãy trở về với từ đồng âm để tìm chút thanh thản trong tâm hồn.

May mắn thay tiếng Nhật có Kanji, do đó mà dù nhiều từ có chung cách phát âm, người ta vẫn phân biệt được bằng cách nhìn vào văn bản. Thế còn trong hội thoại thì sao, chỉ có một cách là dựa vào ngữ cảnh.

Ví dụ, 参加 (sanka): tham gia và 酸化 (sanka): sự oxy hóa có cùng cách phát âm, nhưng viết khác nhau.

Một số ví dụ về đồng âm:

漢字 (Kanji) – chữ Hán và 感じ (Kanji) – cảm xúc

死亡 (Shibou) – tử vong, 脂肪 (Shibou) – mỡ, 志望 (Shibou) – ước vọng, hoài bão.

父 (Chichi) – bố và 乳 (Chichi) – vú

Một vài ví dụ nguy hiểm hơn, trong đó các từ đọc giống nhau, Kanji khác nhau và nghĩa tuy vẫn khác nhau nhưng dễ nhầm lẫn.

早い (Hayai) – sớm và 速い (Hayai) – nhanh

暑い (Atsui) – nóng trong thời tiết nóng nực và 熱い (Atsui) – một vật gì đó nóng

物 (Mono) – vật và 者 (Mono) – người

Một số trường hợp tưởng đồng âm hóa ra không phải.

*** Lưu ý rằng một số trường hợp, nếu bạn chỉ quen đọc tiếng Nhật bạn sẽ tưởng đó là từ đồng âm, nhưng thực ra không phải. Trường hợp này xảy ra khi trong cách đọc có sự khác biệt về cao độ, hay cách nhấn âm.

Ví dụ: 箸 (Hashi) – đũa và 橋 (Hashi) – cây cầu

Nhìn thì tưởng đọc giống nhau, nhưng thực ra từ Hashi (đũa) đọc là Há-shì trong khi Hashi (cây cầu) đọc là Hà-shi.

—> Để dễ hình dung bạn tra thử cách đọc trong từ điển để đối chiếu nhé.

神 (Ká-mì): Thần linh – 髪 (Kà-mi): Tóc – 紙 (Kà-mi): Giấy

Trường hợp này 髪 và 紙 là từ đồng âm, nhưng không đồng âm với 神

*** Kho báu của từ đồng âm, bất ngờ thay lại nằm ở kho từ mượn của tiếng Nhật.

Như bạn đã biết, khi người Nhật mượn tiếng nước ngoài, các từ này sẽ được viết bằng Katakana. Như đã đề cập ở trên, tiếng Nhật có ít âm hơn các ngôn ngữ khác, nên khi mượn, nhiều từ được phát âm giống hệt nhau.

Ví dụ:

バス (Basu) – xe buýt (bus), bồn tắm (bath), Bass (âm trầm).

フォーク (Fooku) – cái nĩa (Fork), dân ca (Folk).

ナイト (Naito) – đêm (night), hiệp sĩ (Knight).

Do đó mà học từ đồng âm rất dễ, nhưng nghe và phân biệt được chúng trong hội thoại mới là thử thách. Tuy nhiên khoan nghĩ mọi chuyện khó khăn như vậy nào, bạn có thể tìm thấy nhiều kiểu chơi chữ đồng âm khi đang xem Manga, Anime. Vừa xem phim sẵn nhớ từ luôn nhỉ !!!

– Trong tiêu đề

サイコパス (Saikopasu) là Psychopath (tâm thần) nhưng cũng đồng thời là tên Anime Psycho-Pass (một chỉ số phán đoán hệ số tội phạm của từng cá nhân).

デス・パレード (Desu pareedo) là tên Anime Death Parade (Cuộc diễu hành tử thần),  デスパレード (Desupareedo) là Desperate (tuyệt vọng).

とらぶる (Toraburu) là cách đọc của Manga To LOVEる nhưng cũng có thể hiểu là Trouble (rắc rối).

ゴシック (goshikku) là Gothic (Phong cách Gothic) và cũng là cách đọc của Anime Gosick (Nhân vật nữ chính trong Anime này mặc trang phục theo Style Gothic).

– Trong thoại nhân vật

Nếu từ đồng âm khiến câu chuyện thêm thú vị, thì chính kiểu chơi chữ trên từ đồng âm là thảm họa cho các nhóm dịch. Làm thế nào để giữ nguyên sự hài hước của tác phẩm mà không hủy hoại trải nghiệm của người xem, hẳn nhiều bạn từng dịch Manga/Anime/Chương trình Nhật Bản cũng đau đầu về vấn đề này nhỉ.

Ví dụ điển hình là lời thoại của nhân vật Sebastian trong Series Kuroshitsuji (黒執事) – Hắc quản gia. Lời thoại của nhân vật này là あくまで執事 (akumade shitsuji) – chỉ đơn giản là quản gia, khi anh ta trong vai trò quản gia. Nhưng Sebastian cũng là ác quỷ, và trong vai trò ác quỷ, lời thoại của nhân vật này chuyển thành 悪魔で執事 (akumade shitsuji) – quản gia ác quỷ.

Đọc thì giống nhau đấy, nhưng nghĩa lại khác hẳn, các bạn thấy có khổ không !!! Thế nhưng cũng khá thú vị đấy chứ nhỉ !!!

Bởi vậy nếu xem Manga, Anime, khuyên bạn vẫn nên biết một ít tiếng Nhật để tận hưởng hết cái hay nhé !

Sacchan
Xem thêm: