Học ngay những từ này để “thông” được câu chuyện của sếp/đồng nghiệp/bạn bè người Nhật sinh vào thời Showa
Các bạn đã bao giờ nghe về 死語 (Shigo) chưa nhỉ? Nhìn vào Kanji chắc bạn cũng đại khái hiểu ý nghĩa của Shigo rồi, đó là những TỬ NGỮ” – những từ mà ngày nay hầu như không còn được sử dụng. Bảo là không ai sử dụng nhưng nếu là những ông chú, bà cô sống vào thời đại hoàng kim của những từ đó, họ vẫn dùng chúng như một thói quen. Giới trẻ có thể sẽ thấy lạ lẫm nhưng nếu bạn không biết những từ này, cuộc trò chuyện với những người từ “thế hệ trước” có thể sẽ không thể thông suốt.
Nếu có bạn bè, đồng nghiệp, hay quan trọng hơn là sếp sống vào thời Showa (25 tháng 12 năm 1926 đến 7 tháng 1 năm 1989), tôi nghĩ bạn nên biết những từ vựng này.
1. カッパ (Kappa)
Kappa có nghĩa là áo mưa.
Áo mưa ngày xưa không làm từ nhựa như bây giờ, mà làm từ rơm rạ, gọi là 雨合羽 (amakappa), đọc tắt lại thì thành Kappa.
Tôi là người sinh vào thời Showa (cũng khá dễ dãi) nên thường bị “bọn trẻ” trêu chọc khi dùng từ này, kiểu như “Abe san, kappa là …*cười*. Lúc tôi hỏi lại là “Nói cái gì đấy?”, mấy đứa này sẽ trả lời “Là cái raincoat đó”.
Raincoat là tiếng Anh mà nhỉ…
2. 線引き (Senhiki), ものさし (Monosashi)
Ngày nay đa số người Nhật sẽ dùng từ 定規 (Jougi) để chỉ cây thước kẻ. Nhưng tôi nhớ ngày xưa còn dùng cả những từ như Senhiki hay Monosashi nữa.
Senhiki nghĩa trên mặt chữ là “vẽ đường thẳng”, mà cây thước kẻ chẳng phải để vẽ đường thẳng thì còn làm gì?
3. テレカ (Tereka)
Từ này không chỉ là từ cũ mà còn chỉ một vật cũ, theo tôi ngày nay hiếm có bạn trẻ nào từng nhìn thấy.
テレカ là viết tắt của テレフォンカード (Telephone card) – thẻ điện thoại. Thẻ này sử dụng cho các buồng điện thoại công cộng. Với tôi những chiếc thẻ này vô cùng tiện lợi, thế nhưng ngày nay, với sự phổ biến của Smartphone, chẳng còn ai sử dụng nữa.
Những chiếc thẻ có nhiều thiết kế hoa văn độc đáo nên bên cạnh sử dụng để gọi điện, nhiều người Nhật bắt đầu mua thẻ về làm quà lưu niệm. Tôi nhớ mình đã từng mua một chiếc thẻ dát vàng lá tại Kanazawa. Nhưng bây giờ nghĩ lại, lúc đó có khi cũng chẳng phải vàng lá đâu nhỉ. Vì nếu bị bong ra thì làm sao nhét vào khe để gọi điện?
4. 筆箱 (Fudebako)
Nếu hỏi người trẻ đây là cái gì, họ sẽ trả lời là Pen Case.
Lại là một từ tiếng Anh nhỉ, trả lời bằng tiếng Nhật chắc chỉ có những ông chú Showa như tôi thôi nhỉ. Phải trả lời là Fudebako nhé !!! Fudebako là cái hộp đựng bút.
Trong từ này có chữ 筆 (Fude) là cây cọ. Thời của tôi hộp bút cũng dùng đựng bút bi, bút chì như bây giờ thôi chứ chẳng ai cho cả cây cọ vào cả, nhưng tôi vẫn quen gọi Fudebako, vì từ này đã được sử dụng từ trước đó rất lâu rồi.
5. マイコン (Maikon)
Thời Showa là thời mà hình ảnh máy vi tính chuyển từ những cỗ máy khổng lồ sang loại phương tiện sử dụng cá nhân. Maikon là viết tắt của My Computer.
Lúc này, người ta không bán máy tính theo dạng nguyên set mà bạn phải mua từng phần về rồi tự lắp ráp. Do đó việc gọi chiếc máy vi tính của mình là My Computer cũng thể hiện niềm vui và sự tự hào của chủ nhân khi bỏ thật nhiều công sức vào đó.
Ngày nay giới trẻ dùng từ パソコン (Pasokon) là viết tắt của Personal Computer với ý nghĩa tương tự.
Mọi người thích từ nào hơn, Maikon hay Pasokon?
6. ハッカ (Hakka)
Hakka có nghĩa là bạc hà (ngày nay người trẻ gọi là ミント- Minto)
Riêng với từ này, đây không phải là cách gọi lỗi thời mà bắt nguồn từ tên khoa học.
Vì bạc hà thuộc họ Hoa Môi (シソ科), chi Mentha (tiếng Nhật đọc là ハッカ Hakka) nên mới được gọi là Hakka. Do đó từ này không phải từ cổ cũng không phải là cách gọi sai. Tuy nhiên ngày nay nếu nghe ai đó gọi Bạc hà là Hakka sẽ có cảm giác đây là người từ thời Showa.
7. 雪駄 (Setta)
Setta là tên gọi của một loại dép, nhưng khác với Geta (guốc gỗ Nhật Bản hay được mang cùng Yukata hay Kimono), Setta mỏng manh hơn.
Phần đệm dưới lòng bàn chân của dép này làm cùng chất liệu với chiếu Tatami, do đó khi mang vào mùa Hè rất mát mẻ, dễ chịu, thế nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà trong Kanji của nó lại có từ 雪 (tuyết). Đằng sau đó có thể ẩn chứa câu chuyện thú vị nào đây.
Nếu thay đổi chất liệu thì đôi Setta sẽ hoá thành đôi dép lào, dép tông (tiếng Nhật là ビーチサンダル – Beach Sandal, nhưng thường được gọi tắt là ビーサン – Biisan). Mấy ông chú Showa như tôi cũng gọi dép lào là Setta luôn, nên các bạn ghi nhớ để khỏi bất ngờ nhé.
8. ガリ勉 (Gariben)
ガリガリ勉強 (garigari benkyou) là một từ tiếng Nhật để chỉ bộ dạng vùi đầu vào học, không màng đến thời gian. Lược giản từ này ta sẽ có từ Gariben.
Cách diễn đạt này vừa có nghĩa khen ngợi, vừa kèm cả ý nghĩa phê phán, trêu chọc.
Ví dụ khi có ai đó nói rằng “あいつガリ勉だからな” (thằng đó học như điên nhỉ), ý của họ là người này chỉ biết học, chẳng biết chơi bời là gì, một người kỳ lạ. Câu này thường được nghe từ những người không lo học mà chỉ thích vặn vẹo người khác.
Dù vẫn còn rất nhiều từ tôi muốn chia sẻ với các bạn nhưng trước hết hãy ghi nhớ những từ này trước đã, rồi hãy nói chuyện thật hợp ý với những người đến từ thời Showa như chúng tôi nhé !
Kengo Abe