Bí mật đằng sau sự phức tạp trong cách đếm con vật và người của tiếng Nhật
Nếu bạn đang học tiếng Nhật, hẳn bạn đang rất đau đầu về bộ từ vựng đếm rất phức tạp của ngôn ngữ này. Ví dụ với tiếng Việt, bạn chỉ cần thêm số và chữ “con” vào để đếm con vật (ví dụ: 1 con chim, 2 con gà,…) nhưng trong tiếng Nhật, bạn đếm như thế nào, còn phụ thuộc vào trạng thái của con vật đó.
Để nhớ hết hệ thống đếm phức tạp trong tiếng Nhật, bạn không những phải học, mà cần luyện tập và hết sức kiên nhẫn để sử dụng thuần thục, bởi lẽ có khoảng 500 cách đếm tồn tại.
Tại sao những bộ đếm đó lại tồn tại, và làm cách nào để ghi nhớ? Đây là câu hỏi không chỉ khiến nhiều người học tiếng Nhật lâu năm mệt mỏi, và đôi khi còn làm khó cả người Nhật bản xứ.
Một người dùng Twitter Nhật Bản tên Mano Mano (@manomano_farm) gần đây chia sẻ lý do đằng sau bộ đếm người và vật vô cùng phức tạp của tiếng Nhật. Chia sẻ này sau đó khiến rất nhiều người đau đầu, bạn đã sẵn sàng chưa?
最近知ったのですが「動物の数え方は死んだ後に何が残るかで決まる」って話がすごい。牛豚は「一頭」、鳥は「一羽」、魚は「一尾」つまり食べられない部位、残る部位で呼ぶらしい。そして人間は死んでから「名前」が残るから「一名」なんだって。これみんな知ってた?目から鱗だったのでシェアします😌
— マノマノ🌾 (@manomano_farm) April 18, 2022
Caption:
Một điều thú vị mà tôi phát hiện gần đây là “cách đếm động vật dựa trên bộ phận nào còn sót lại (không được ăn) sau khi con vật đã chết”.
Như con bò và con lợn đếm là “一頭” (“ittou”), chim được đếm là “一羽” (“ichiwa”), và cá được đếm bằng “一尾” (“ichibi”). Nói cách khác, bộ đếm được đặt tên dựa trên bộ phận của con vật không được ăn sau khi nó chết.
(Giải thích thêm thì 頭 là cái đầu, 羽 là cánh còn 尾 là đuôi).
Đối với con người, họ để lại cái tên “名前”, vậy nên khi đếm người sẽ là “一名” (ichimei).
Nhiều người tin rằng bộ đếm này có nguồn gốc từ cuối thời Meiji, khi Nhật Bản du nhập văn hoá phương Tây trong việc áp dụng bộ đếm gia súc trên đầu con vật. Bên cạnh đó đối với những con vật lớn, phần sót lại sau khi con vật chết đi thường là hộp sọ.
Về các ví dụ khác, như chim đếm bằng “羽“ là “cánh”, chúng ta cũng thường tưởng tượng về các hoá thạch chim có đôi cánh,…còn với cá, tuỳ văn hoá mà khi ăn cá người ta sẽ còn sót lại cái đuôi, và cũng đếm số cá đã ăn qua đuôi.
Tất nhiên cái gì cũng có ngoại lệ, mà nếu học tiếng Nhật bạn chắc cũng đã quen với việc có quá nhiều ngoại lệ. Ví dụ thỏ cũng được đếm là “羽” dù thỏ không có cánh. Về việc này có giả thuyết cho rằng các nhà sư vì lý do tôn giáo không thể ăn động vật lông mao, do đó đã cố tình đếm thỏ như đếm chim bằng cách tưởng tượng đôi tai dài của thỏ như cánh chim.
Thế nhưng có lẽ phần “lãng mạn” nhất của dòng Tweet này chính là ở cái tên của con người. Điều này thể hiện một góc nhìn độc đáo của người Nhật, nơi mà mọi người sẽ được trao cho cái tên mới sau khi qua đời, tránh việc bị gọi trở lại thế giới cũ bằng cái tên lúc còn sống.
Hy vọng phát hiện này có thể giúp bạn ghi nhớ cách đếm con vật và người trong tiếng Nhật dễ dàng hơn.
Sacchan