Tại sao bạn thường nghe từ “nhưng” ở cuối câu nói của người Nhật?
Nếu thường nói chuyện với người Nhật, bạn có thể nghe họ dùng けど (kedo) rất nhiều ở cuối câu. けど có nghĩa là “nhưng”.
けど (nhưng) là một liên từ đặt ở cuối câu, sử dụng chủ yếu để nối các câu lại với nhau. Tóm lại, từ này dùng để kết nối câu này với câu kia, chứ không phải để kết câu. Đó là về lý thuyết, còn trên thực tế, bạn có thể nghe người Nhật nói một câu với けど ở cuối câu, nhưng sau đó… và không có sau đó nữa.
Tuy nhiên, dù họ không nói gì sau đó, việc họ đặt けど trong tình huống hiện tại có nghĩa là họ mong đợi người đang nói chuyện với họ sẽ hồi đáp, hoặc đơn giản là họ đang muốn chuyển chủ đề.
Dù người Nhật sử dụng けど ở cuối câu khá thường xuyên, các tài liệu giành cho người học tiếng Nhật như ngôn ngữ thứ hai không đề cập đến けど như một điểm ngữ pháp riêng biệt. Thế nhưng người biên soạn vẫn đưa mẫu câu này vào ví dụ hoặc phần thực hành hội thoại, nhưng như vậy là chưa đủ để bạn hiểu rõ về cách dùng từ này.
Vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về けど và tại sao người Nhật lại dùng nhiều như vậy.
Hãy bắt đầu bằng cách xem lại các kiến thức cơ bản về liên từ けど. Chúng ta có thể dịch けど là “nhưng” hoặc “dù” vì けど dùng để nối hai vế tương phản với nhau.
Ví dụ:
人見知りだけど、パーティーは 好すき。
Dù tôi là người hay ngại nhưng tôi thích tiệc tùng.
Trong 1 số trường hợp khi giao tiếp, けど không nối hai câu tương phản mà ngụ ý nhờ vả.
Ví dụ:
たまごがないんだけど、 帰りに 買ってくれる?
Nhà không có trứng, lúc về cậu mua giúp tôi nhé?
Trong trường hợp けど ở cuối câu nhưng không có vế sau, những trường hợp nào có thể xảy ra?
けど: thể hiện cảm nghĩ
Ví dụ ai đó hỏi bạn về cảm nghĩ của một buổi tiệc mà bạn tham dự, bạn có thể trả lời:
かなり人がいたよ! 会場は 小ちいさかったけど。
Cũng có khá nhiều người tới đấy, dù là hội trường nhỏ thôi.
Trong câu đầu tiên bạn nói có kha khá người đến tham dự, nhưng bạn vẫn muốn thêm vào câu sau vì bạn không muốn người kia tưởng rằng đó là một bữa tiệc lớn và đông đúc. Bằng cách này, bạn có thể làm rõ hoặc phủ định một phần vế phía trước.
けど: làm dịu câu nói
Người Nhật có cách nói chuyện tránh phê bình trực tiếp, đó là lý do trong một số trường hợp, けど có thể để làm dịu câu nói, tránh những phản ứng tiêu cực dù đưa ra quan niệm bất đồng.
Ví dụ, người nghe rất tin vào lý thuyết liên quan đến nhóm máu và tính cách, người đó hỏi bạn rằng liệu người nhóm máu B có phải thích xem mình là trung tâm không.
B 型の人ってワガママだよね。
Người nhóm máu B ích kỷ lắm nhỉ.
Không giống người này, bạn không tin vào thuyết nhóm máu, nhưng thay vì thẳng thừng phủ định, bạn có thể nói:
私はそう 思わないけど…。
Ờ thì, tôi không nghĩ vậy
Dù khó dịch sang tiếng Việt nhưng sự xuất hiện của けど trong câu này hàm ý bạn hiểu ý kiến của người kia, bạn không phủ định ý kiến của họ, chỉ là bạn không đồng quan điểm. Từ đó người kia sẽ không có cảm giác như đang bị phản biện, hoặc bị từ chối.
けど không chỉ được giới hạn trong một số trường hợp có ý kiến trái ngược, mà cũng rất tiện lợi trong một số tình huống khó xử. Ví dụ khi ai đó mời bạn đi uống, bạn không thực sự muốn đi nhưng cũng không muốn từ chối một cách thẳng thừng, hãy nói:
うーん。めっちゃ行きたいけど…
Ờ…Tôi rất muốn đi, nhưng mà…
Thông thường sau けど là một lý do nào đó khiến bạn không thể đi được, nhưng việc để ngỏ vế sau có dụng ý riêng. Thay vì phải đưa ra một lý do cụ thể, bạn chỉ cho người kia biết là bạn không đi được, dù rất muốn đi, có nghĩa là bạn nói “không thể”, dù không trực tiếp nói “không thể”, đồng thời bạn cũng chẳng hứa hẹn hay đem lại hy vọng gì cho người kia. Đây là một “chiến thuật” giao tiếp mà người Nhật sử dụng rất nhiều.
けど : biểu hiện sự không chắc chắn
Đây là một cách nói vòng vo khác nhưng vô cùng tiện lợi, để đưa ra một câu trả lời, một gợi ý, nhưng đồng thời không cam kết về sự chính xác của vế trước.
Ví dụ, bạn của bạn hỏi về sinh nhật của một người bạn khác vì người này không biết chính xác. Bạn thực ra cũng chẳng rõ, nhưng bạn nghĩ rằng câu trả lời là thứ 4 tuần này, bạn nói:
来週の 水曜日だと思うけど…。
Tôi nghĩ là thứ 4 tuần này, tôi không chắc…
Phần “tôi không chắc” là dịch thoáng, nghĩa gốc vẫn là “nhưng”, ý muốn nói “Tôi cũng không chắc, tôi đoán là vậy, nhưng đừng có quá tin tôi”. Mặc dù nghe có vẻ thiếu tự tin nhưng đây là cách nói được người Nhật rất ưa chuộng. Trừ khi họ vô cùng chắc chắn còn không họ sẽ chọn trả lời lấp lửng, phòng trường hợp quy trách nhiệm về sau. Thế nhưng đừng dùng cách này trong trường hợp người khác hỏi bạn về điều gì đó thuộc thẩm quyền của bạn, điều bạn lẽ ra nên biết.
けど : đưa ra yêu cầu, nhưng không giới hạn câu trả lời
Từ nãy đến giờ chúng ta vẫn bàn về けど khi phản hồi một tình huống gì đó, nhưng bản thân từ này có thể tạo ra ngữ cảnh. Bằng cách này, bạn có thể đưa ra một yêu cầu, nhưng không giới hạn phản hồi từ người nghe, một cách nói rất thoải mái được người Nhật dùng khá nhiều trong giao tiếp.
Ví dụ:
もしもし。 予約したいんですけど…。
Alo, tôi muốn đặt chỗ…
Bạn không thể dịch けど trong trường hợp này, nhưng sự tồn tại của nó trong câu để cung cấp ngữ cảnh, ở đây là một yêu cầu. Theo sau đó có thể là một câu hỏi cụ thể hơn ví dụ “có phòng nào còn trống không?”.
Điều thú vị là việc không theo sau ngay lập tức bằng một câu hỏi khác là một cách chuyền “cây gậy” giao tiếp cho người kia. Thay vì đi thẳng vào nhu cầu của mình và chờ bên kia đáp ứng, bạn cho phép bên kia đưa ra các lựa chọn thuận tiện cho họ, rồi bản thân sẽ cân nhắc lựa chọn sao cho phù hợp với cả hai. Trong trường hợp cửa hàng không cho đặt chỗ mà yêu cầu đến trực tiếp, việc không thêm gì ở phía sau đỡ làm mất thời gian của đôi bên.
Từ những cách dùng trên, bạn có thể thấy けど vô cùng tiện lợi, cho cả người nói và người nghe, tránh được rất nhiều tình huống giao tiếp khó xử. Đó là lý do người Nhật rất thích thêm けど vào câu nói của mình. Và để giao tiếp thuận tiện với người Nhật, có lẽ bạn cũng sẽ muốn học theo đấy.
Sacchan