Kinh nghiệm học tiếng Nhật từ kém nhất lớp lên lưu loát như người bản địa

Học tiếng Nhật không phải là chặng đường trải đầy hoa hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Có rất nhiều khó khăn mỗi người khi tự học tiếng Nhật có thể gặp phải: chữ tượng hình, ngữ pháp, tinh thần…

Bạn có từng cảm thấy mình học rất nhiều nhưng mãi chẳng tiến bộ, không biết bao giờ mới nói chuyện bằng tiếng Nhật được. Bạn nhìn bạn bè trong lớp dần dần rơi rụng. Nhưng nếu bạn chỉ kiên trì thôi thì có đủ không?

Kiên trì chưa chắc đã thành công nếu bạn học sai phương pháp.

Morning Japan xin giới thiệu với các bạn câu chuyện của chị Hạnh – từ một người đội sổ lớp tiếng Nhật đã trở thành sales woman “hô phong hoán vũ” tại Nhật. Chị hiện đang là CEO của một công ty CNTT Việt Nam tại Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng “khủng” 100% hàng năm.

Hi vọng câu chuyện tự học tiếng Nhật của chị Hạnh sẽ giúp các bạn đạt được thành công.

Câu chuyện thất bại và cách vượt qua thất bại đó từ khi bắt đầu học tiếng Nhật cho đến khi trở thành một sales woman tại Nhật.

laĐặng Mỹ Hạnh 2016/10/01

Quá tự tin vào bản thân mà không thay đổi cho phù hợp với môi trường

Mình đã thấy rất nhiều bạn học rất giỏi ở phổ thông nhưng khi vào đại học thì chìm nghỉm. Nhiều bạn rất quyết tâm và dành nhiều thời gian tự học tiếng Nhật nhưng tiếng Nhật vẫn không đạt được trình độ để có thể đi làm và gắn bó với tiếng Nhật. Nhiều bạn đạt kết quả cao ở trường đại học nhưng khi đi làm lại không thuận lợi. Tình trạng này diễn ra dường như nhiều hơn ở các bạn từ các địa phương nhỏ ra thành phố học. Mình là người đã trải qua cả ba thất bại đó nhưng rất may mắn đã vượt qua được.

Mình tin chỉ cần thay đổi cách nghĩ và phương pháp thì tất cả các bạn gặp thất bại như vậy cũng sẽ vượt qua được. Vì thế, bỏ qua mọi sự xấu hổ về thất bại của bản thân, mình đã quyết định viết ra vì sao mình lại gặp thất bại như vậy và làm thế nào để mình vượt qua được.

Ở nhà nhất mẹ nhì con, vì sinh ra ở một thị trấn (nay là một thành phố nhỏ) đối tượng để cọ sát không nhiều nên từ nhỏ mình đã có một kết quả nổi bật. Dù không giỏi nhất lớp nhưng luôn ở top đầu, đạt giải này giải nọ ở tỉnh. Thậm chí cũng mang chuông đi đánh xứ người, bon chen thi này nọ ở cấp Quốc gia hay các chương trình cọ sát cho học sinh toàn quốc.

12 năm đi học hầu như không gặp thất bại lớn nên khi thi đỗ vào đại học Ngoại Thương với số điểm khá cao thì mình rất tự tin vào cách làm của mình. Và chính sự tự tin, thậm chí là kiêu ngạo đó là nguồn gốc cho thất bại lớn đầu tiên của cuộc đời mình. Lần đầu tiên trong đời rơi vào top cuối bảng trong lớp và bị khủng hoảng tại sao mình chăm chỉ như vậy mà kết quả lại kém như vậy? Vậy bây giờ phải làm gì?

Vòng xoáy quái ác và sự khủng hoảng tâm lý

Do là từ nhỏ đến lớn học toán nên khi bắt đầu học tiếng Nhật mình cũng học tiếng Nhật như thể học toán vậy. Trong khi các bạn khác lên thư viện nghe và đọc, thậm chí còn học thêm các giáo trình khác ngoài sách giáo khoa thì mình ngồi im thin thít cả ngày. Mình đâm đầu vào học từ mới, ngữ pháp trong sách giáo khoa với một niềm tin “ảo tưởng” là cứ nhớ từ mới và ngữ pháp thì sẽ đọc được và nghe được.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Có thể trong một câu, một đoạn văn mình biết hết tất cả các từ, tất cả các ngữ pháp trong đó nhưng não không hình thành liên kết giữa những từ đó. Vì thế có cho nghe đi nghe lại cũng không hiểu gì, thậm chí cho nhìn chữ cũng phải rất lâu mới luận được người ta muốn nói gì. Và đó là thực tế của mình. Khi chỉ cố gắng nhớ những từ rời rạc, những cấu trúc ngữ pháp rời rạc thì khả năng nhớ rất hạn chế. Học trước quên sau và đương nhiên khi vào phòng thi thì không nghe được bài thi nghe. Khi luận ra được bài thi đọc hiểu nói gì thì đã hết giờ. Và kết quả thì không nói mọi người cũng biết nó tồi tệ như thế nào.

Điểm chết thứ 2 là kết quả càng tồi tệ thì mình càng đâm đầu vào học, thức rất khuya để học. Nhưng hậu quả là sang hôm sau lên lớp rất buồn ngủ, đặc biệt vì không nghe được nên cũng hầu như không hiểu cô giáo nói gì. Kết quả là cơn buồn ngủ đến càng nhanh và khoảng cách giữa hiểu biết của mình và nội dung bài giảng càng xa. Đúng là dù học tiếng Nhật nhiều nhưng bản thân mình không thấy hiệu quả.

Khi đó năm đầu tiên ở Ngoại Thương thì trọng số môn tiếng Nhật rất cao. Cộng với sự bảo thủ trong cách học ở trên dẫn đến kết quả các môn khác của mình cũng không tốt. Và khi tổng kết cuối kỳ thì lần đầu tiên trong đời mình nhận kết quả thuộc nhóm tồi tệ nhất lớp.

Rất cố gắng, đã làm hết cách theo trí tưởng tượng của mình nhưng kết quả thì không thể tồi tệ hơn. Mình lâm vào một cuộc khủng hoảng thực sự. Không biết tiếp theo phải làm gì, chẳng nhẽ lại bỏ học thi lại vào trường khác…Rất nhiều câu hỏi đã nảy ra trong đầu.

Kinh nghiệm tự học tiếng Nhật ở trình độ sơ cấp

Đúng lúc rơi vào khủng hoảng như vậy thì không biết may mắn thế nào mà một bạn học giỏi nhất lớp tự nhiên lại chơi với mình. Bạn đó đi học gì ở đâu thì cũng rủ mình đi theo. Do sự bảo thủ nặng nề trong đầu nên ban đầu mình nghĩ những việc bạn đó học và làm không đúng. Mình không muốn mất thời gian đi theo. Tuy nhiên, sau khi kết quả của mình quá thảm bại, trong khi bạn đó đạt được kết quả cao nhất nhì lớp thì mình đã đi theo. Và cuộc đời mình đã thay đổi từ đây.

Bằng cách thay đổi 2 điểm dưới đây thì kết quả của mình đã thay đổi đáng kể.

Đến thư viện học và đặt các mục tiêu nhỏ định lượng được

Như đã nói ở trên suốt một kỳ đầu mình chủ yếu ngồi ở nhà, chăm chăm vào quyển sách giáo khoa. Kết quả là cứ tưởng mình đã học nhiều lắm rồi nhưng thực ra lượng thông tin ghi nhớ trong đầu được rất ít. Và đương nhiên cũng không có ai hay cái gì để so sánh cả. Hậu quả là tưởng mình làm tốt rồi nhưng thực ra thua xa các bạn khác. Dù có tự học tiếng Nhật bằng cách đó thì kết quả vẫn rất tệ.

Việc đầu tiên kia kéo mình đi là đi lên thư viện VJCC học. VJCC là một thư viện do Nhật tài trợ qua vốn ODA. Ở đây có bàn ghế cho sinh viên ngồi học đẹp, được lau dọn sạch sẽ, điều hoà thoáng mát. Đặc biệt là có rất nhiều giáo trình học tiếng Nhật ở tất cả các trình độ.

Ngày đầu tiên mình lên thư viện thì cực kỳ bất ngờ vì gặp quá nhiều bạn cùng lớp đang ngồi học trên thư viện và đều là các bạn top đầu. Khủng khiếp hơn là các bạn học rất nhiều giáo trình mình chưa nhìn thấy lần nào và đã tiến rất xa, xa hơn cả nội dung đang học ở trường.

Ngặt một nỗi như đã nói ở trên thì buổi sáng mình rất buồn ngủ và thường dậy muộn. Khi mình lên được đến VJCC thì hầu hết các bạn đã ngồi học từ bao giờ, mình đành lủi thủi đi tìm sách học.

Cảm thấy quá xấu hổ và hiểu được nếu mình không cố gắng để chạy nhanh hơn họ thì khoảng cách giữa mình và họ càng xa. Tại thời điểm đó thì khoảng cách của mình và các bạn đó xa đến nỗi mình không nghĩ đến việc đạt được bằng các bạn đó. Vì vậy mình chỉ dám đặt ra những mục tiêu nhỏ nhỏ và nhìn thấy được. Cụ thể là:

  • Phải bỏ được bệnh ngủ muộn để đến được thư viện sớm hơn và đều đặn tất cả các ngày như các bạn ý.
  • Mỗi ngày phải học được hết một bài mới được về.

Sau này mới biết chính những mục tiêu nhỏ, dễ thực hiện đó sẽ tạo thành thói quen và khi tích tụ đủ về lượng thì sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất.

Không học từ mới bằng cách đọc viết mà học bằng nghe.

Về cách học thì việc đầu tiên mình thay đổi đấy là chuyển sang nghe. Khi đó chưa hiểu được việc thông qua nghe (và đọc) thì sẽ làm cho não hình thành các liên kết giữa các điểm (từ vựng) trong đầu. Các liên kết đó sẽ sâu dần và tạo thuận lợi cho việc ghi nhớ các điểm mới. Mà chỉ làm điên cuồng theo chỉ dẫn của bạn.

Khi đó mình không nhớ gì cả, trong khi các bạn khác đã bắt đầu nghe những thứ cao siêu như hội thoại dài, hay các bài văn ngắn thì mình phải bỏ qua sự xấu hổ để nghe từng…chữ cái một. Tức là nghe băng xem người ta nói chữ cái gì và viết ra được đúng chữ cái đấy. Sau đó nghe từng từ một. Nghe một từ, dừng lại viết ra được từ đấy được ghép bởi những chữ cái nào.

Cao hơn nữa là nghe từng câu, nghe mỗi câu ngắn xong thì dừng lại và viết đủ các từ xuất hiện trong câu đó. Nghe tưởng chừng như rất dễ nhưng để làm được như vậy mình đã phải kiên trì mất vài tháng và nó thành cái nền cho mình nghe các bài khó sau này.

Sau này nhìn lại thì việc dành thời gian cho kỹ năng này đã giúp cho tiếng Nhật ngấm vào người và việc ôn thi 2kyu, 1kyu (bây giờ là N2, N1) của mình nhàn đi rất nhiều.

Tuy nhiên, mình đã không hài lòng với kết quả này mà đặt ra mục tiêu cao hơn là phải lên được top đầu và giành học bổng đi Nhật.

KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG NHẬT Ở TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP

Tự học tiếng Nhật: chăm chỉ rèn luyện

Hàng năm, các trường có khoa tiếng Nhật sẽ tiến cử 10 bạn có thành tích tốt nhất lên Đại Sứ Quán Nhật bản (ĐSQ) tại Việt Nam thi một kỳ thi tiếng Nhật. Dựa vào kết quả kỳ thi và phỏng vấn đó thì ĐSQ sẽ chọn khoảng 10 bạn sang Nhật du học một năm. Như vậy, để dành được học bổng thì phải học giỏi đồng đều các môn để rơi vào nhóm có thành tích tốt nhất. Đồng thời vẫn phải giỏi tiếng Nhật để vượt qua kỳ thi của ĐSQ.

Như mình có nói ở trên, cũng như tiếng Nhật thì thành tích kỳ đầu của mình ở các môn khác cũng rất kém. Bài toán của mình là thời gian cũng giống các bạn khác nhưng mình vừa phải tiếp tục cải thiện tiếng Nhật để lên được top đầu vừa phải học làm sao cho các môn khác có thành tích tốt. Tức là so với các bạn đang ở top đầu rồi thì quãng đường mình phải đi sẽ dài gấp đôi hoặc gấp ba, gấp bốn. Vậy mình buộc phải tìm cách đi nhanh hơn!

Tự học tiếng Nhật thì về phương pháp thì hầu như không có gì thay đổi so với giai đoạn sơ cấp. Tức là, thay vì ghi nhớ các điểm rời rạc thì tập trung vào nghe và đọc để hiểu nội dung người ta muốn nói điều gì. Khi hiểu người ta muốn nói điều gì thì sẽ tự nhiên hình thành tư duy bằng tiếng Nhật và rất dễ dàng nhớ các từ mới khác. Việc mở rộng sang nhiều nội dung, nhiều cách nói sẽ làm phong phú vốn từ và vốn ngữ pháp lên.

Tuy nhiên, bài thi tiếng Nhật thường dài và rất dài và rất nhiều người không làm hết được bài thi. Để tăng tốc được tốc độ làm bài thì trước khi thì 3kyu và 2kyu thì mình đã lên thư viện để làm hết tất cả bộ đề thi từ trước đến năm mình thi. Khi đã quá quen với kiểu ra đề của họ thì chỉ cần đọc qua, nghe qua đề là đã hiểu dụng ý của người ra đề rồi, không mất quá nhiều thời gian để nghĩ nữa.

Lớp học áp lực

Một người nữa mình cũng rất cảm ơn là thầy Higuchi ở trung tâm luyện thi Eikoh. Không biết bây giờ thầy còn ở Hà Nội không? Ngày xưa thì thầy này nổi tiếng với lượng thông tin trong một bài giảng, lượng bài tập về nhà…cực nhiều và cực kỳ nghiêm khắc đến mức…thô lỗ (Tức lên có thể nói to bắn cả nước bọt vào mặt học sinh…).

Chính vì sự quá khắc nghiệt như vậy mà lớp học có tỷ lệ rơi rụng rất nhiều. Tỷ lệ những bạn chịu đựng được yêu cầu cao về việc học ở nhà, làm bài tập và nghiêm túc trong giờ học không nhiều nhưng đã trụ lại được đến hết khoá học thì đều đỗ điểm cao.

Bây giờ nhìn lại, có lẽ những kiến thức thầy đã dạy không vào đầu mình quá nhiều. Nhưng chính áp lực của việc phải tự học và làm bài tập đã giúp mình vượt qua ngưỡng trung bình và lên được nhóm top trong lớp.

Bây giờ nhìn lại có vẻ dễ dàng. Nhưng để khắc phục sự sai lầm của kỳ đầu năm thứ nhất, mình đã có một cuộc sống chỉ có: lớp học => thư viện => đi học thêm => về nhà làm bài tập và ngủ. Để hôm sau lại bắt đầu y như vậy, không đi chơi, không tham gia giao lưu với các bạn trường khác, không làm thêm…

Không làm gì ngoài mục tiêu dành được học bổng đi Nhật. Và trời đã không phụ lòng người.

Nhưng được học bổng đi Nhật không phải là cái đích mà nó mới chỉ mở ra một chặng đường đầy khó khăn khác.

KINH NGHIỆM TỰ HỌC TIẾNG NHẬT Ở TRÌNH ĐỘ CAO CẤP VÀ ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ

Khó khăn khi giao tiếp với khách hàng

Ngôn ngữ chính là một trong những khó khăn mà mọi người gặp phải khi làm việc trong môi trường của người Nhật. Mặc dù khi đi du học, mình đã rất cố gắng tham gia vào nhiều hoạt động xã hội để cải thiện khả năng nghe nói. Đương nhiên, với những hội thoại hàng ngày mình có thể nói được nhưng khi giao tiếp với khách hàng thật thì bài toán lại khác hẳn.

Khi đã làm sales thì không khách hàng nào coi mình là người cần được ưu tiên để nói chậm rãi, dễ hiểu cả. Khi đã nhận vai trò đi sales thì vị thế của mình là cần thuyết phục được khách theo ý của mình. Vì vậy họ sẽ nói nhanh, nói ẩn ý như với một sales người Nhật bình thường. Họ không có một chút ưu tiên nào cho người nước ngoài cả.

Khó khăn đầu tiên khi bước vào lĩnh vực sales cho IT là mình không hiểu khách hàng nói cái gì cả. Không phải do trình độ tiếng Nhật kém nên không nghe thấy khách phát âm chữ gì. Mà là có thể nghe khách phát âm chữ gì, nhưng không hiểu ý nghĩa của các từ đó. Nên mình không hiểu nội dung mà khách muốn nói.

Đây cũng là vấn đề gặp phải của rất nhiều bạn mới ra trường đi làm và gặp khủng hoảng. Các bạn mất tự tin vào bản thân. Các bạn “nương bóng” những người đi trước, không dám nhận trách nhiệm và mãi không tự lập được. Và mình là người bị cả hai sai lầm này.

Mình đã rất mất tự tin, đi họp không dám đi một mình. Đi cùng các anh chị lớn hơn thì câm như hến và không có ý kiến của mình. Càng như vậy thì mình càng không phát triển được, càng nhút nhát và không có đóng góp gì đáng kể cho công ty.

Đương nhiên, một công ty không trả lương cao, không giao việc lớn dựa vào việc anh thông minh ra sao, hay có thành tích học tập tốt như thế nào mà là anh làm được gì? Anh mang lại được giá trị gì cho công ty? Không phải nói mọi người cũng hiểu, mình rất mờ nhạt trong công ty.

Giải quyết vấn đề

Nhưng cũng giống như sự khủng hoảng ở kỳ đầu đại học. Chính sự thật thà và lắng nghe kinh nghiệm của người giỏi hơn đã giúp mình. Mình đang gặp 2 bài toán:

  1. Không hiểu khách nói gì vì không hiểu nội dung của cuộc nói chuyện.
  2. Không biết cách trình bày ý kiến của mình sao cho gẫy gọn.

Không hiểu khách nói chuyện

Về bài toán 1 thì mình đã đi học và thi một chứng chỉ của Nhật về IT. Học Ngoại thương, không biết một chút gì về IT nhưng lại đi thi chứng chỉ của Nhật về IT. Việc này nghe hơi …điên rồ và cần một sự dũng cảm nho nhỏ.

Nhưng sau này mình thấy việc làm ở Nhật thì nhất thiết cần thi chứng chỉ thuộc ngành mình làm bằng tiếng Nhật. Lý do là thống nhất cách làm, cách suy nghĩ thông qua cơ chế chứng chỉ ở Nhật rất phát triển và có phân chia level rõ ràng ở tất cả các ngành.

Những ai chưa biết thì thi chứng chỉ dễ và được phép làm những việc đơn giản. Giỏi hơn rồi, có kinh nghiệm hơn thì thi dần lên các chứng chỉ cao hơn.

Hầu như tất cả các ngành ở Nhật đều được hệ thống hoá kiến thức và kinh nghiệm thông qua hệ thống chứng chỉ, nên một người dù học trái ngành vẫn có thể làm việc được tốt. Mặt khác, cách trình bày trong các sách hướng dẫn rất chi tiết, dễ hiểu khiến ai cũng có thể học được.

Ở Việt Nam một người làm lập trình viên thì ít nhiều cũng phải học đại học, cao đẳng. Nhưng mình biết ở Nhật có những anh học xong cấp 3, cảm thấy chán cuộc sống không đi học tiếp mà đi bán bánh McDonald. Vài năm sau anh ý có thể tự học để lập trình được trong một công ty IT đàng hoàng.

Mình nói như vậy để các bạn dù học trái ngành nhưng vẫn đủ tự tin để đi học và thi các chứng chỉ của Nhật, biến mình thành chuyên gia của một lĩnh vực nào đó.

Không biết cách trình bày ý kiến

Bài toán thứ 2 làm sao nói chuyện cho gẫy gọn và thuyết phục được khách hàng theo ý của mình. Sales ở Việt Nam thì mọi người hay hình dung là nhân viên tiếp thị đon đả ra nói chuyện với khách, khen ngợi sản phẩm của mình tốt, đẹp, rẻ… Nhưng làm sales trong lĩnh vực IT ở Nhật thì hơi khác một chút. Cụ thể là proposal sales. Tức là phải hiểu được vấn đề của khách và đề xuất được giải pháp để giải quyết nó. Như vậy, ở đây mình có 2 bài toán nhỏ.

  1. Hiểu được bài toán của khách và tìm ra giải pháp.
  2. Trình bày được giải pháp sao cho đơn giản, dễ hiểu và khách thấy phù hợp.

Về bài toán a) thì liên quan đến kỹ năng tổng hợp mình nói khi ôn thi các môn không phải tiếng Nhật. Khách có thể nêu ra đủ thứ khó khăn nhưng mình cần tỉnh táo để không bị cuốn quá nhiều vào chi tiết.

Sau khi lắng nghe khách đưa ra rất nhiều khó khăn thì cần xác định được luồng công việc của khách, các vấn đề cần tháo gỡ. Từ đó tìm giải pháp cho từng điểm một.

Khi nhận được dự án rồi thì cũng vậy. Không phải khách nói sao thì cố gắng ghi ghi chép chép rồi dịch nguyên như vậy cho đội dự án ở nhà. Cần hình dung, phân chia lại để trình bày sao cho đội dự án thấy đơn giản và rõ ràng nhất.

Về bài toán b) làm sao để tự tin nói trước khách hàng và nói một cách dễ hiểu, khách hàng thấy phù hợp. Mình đã tham gia câu lạc bộ Toast Master (http://www.district76.org/ja/ ). Toast Master xuất hiện ở Mỹ, là câu lạc bộ dành cho những người đi làm (tối thiểu phải là sinh viên) đến để luyện tập presentation.

Do đã phát triển được khoảng hơn 90 năm nên họ đã hoàn thiện giáo trình để những người tham gia đọc và làm theo để cải thiện khả năng trình bày của mình. Mọi người tham gia sẽ phải tự học, chỉ có người góp ý, khen và chê. Không có người dạy nên tốc độ phát triển nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người.

Hiện tại trên khắp nước Nhật có khoảng trên dưới 100 câu lạc bộ như vậy. Vì thế, dù ở đâu trên khắp nước Nhật thì bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ như vậy với người Nhật.

Theo kinh nghiệm của mình, nếu không bỏ cuộc giữa chừng thì tất cả mọi người đều tiến bộ rất nhanh. Không chỉ presentation tốt hơn mà cách nói chuyện hàng ngày cũng gẫy gọn và thuyết phục hơn rất nhiều.

TIẾNG NHẬT RẤT GIỎI KHÔNG QUYẾT ĐỊNH KẾT QUẢ CÔNG VIỆC

Tự ti vì tiếng Nhật không bằng người bản địa

Sau khi đạt đến trình độ đủ dùng, tức là có thể nói những gì mình muốn nói thì mình vẫn đau đáu một nỗi lòng. Tiếng Nhật của mình phát âm không hay, giọng không chuẩn như người bản ngữ. Và mình đã nỗ lực bắt chước nhưng không thành công.

Khách hàng và đồng nghiệp người Nhật xung quanh mình chủ yếu là nam. Mình nói chuyện hay viết thư cũng bị ảnh hưởng từ họ. Cách nói chuyện hay viết thư của mình không mềm mại như con gái Nhật, mà giống một người con trai Nhật hơn.

Lúc đó mình đã rất ghen tị với một số bạn người nước ngoài nhưng có thể nói chuyện như native. Thậm chí mình đã cố gắng bắt chước nhưng không thành công.

Lời khuyên của giáo viên

Tuy nhiên, chợt nhớ lại lời mắng của một cô giáo ở Ngoại Thương khi thấy tình trạng sinh viên Ngoại thương quá tập trung vào việc học tiếng. Cô mắng là: “tại sao các em lại nghĩ tiêu chuẩn giỏi hay kém là trình độ ngoại ngữ tốt hay không? Đúng là ngoại ngữ là một công cụ quan trọng nhưng nó chỉ là một công cụ thôi. Và nó không phải tất cả.

Nói đơn giản, một người ăn xin bản địa ở Anh chắc chắn tiếng Anh tốt hơn một bạn nước ngoài tốt nghiệp bằng ưu đại học ở Anh. Không lẽ người ăn xin bản địa đó làm việc tốt hơn tất cả các bạn người nước ngoài tốt nghiệp bằng ưu? Chắc chắn không phải như vậy. Ngoại ngữ là công cụ còn việc sử dụng nó và các công cụ khác như thế nào thì mới mang lại giá trị cho các em.”

Vì thế, mình đã bỏ qua được mặc cảm không nói được hay như native, mà tập trung vào việc mình có thể đề xuất cái gì cho khách? Mình có thể mang lại giá trị gì cho họ? Đấy mới là giá trị của mình. Nói hay như native là một lợi thế nhưng nếu không thể làm được thì không nhất thiết phải buồn phiền. Mình có thể tăng giá trị của mình ở những điểm khác.

Lời kết:

Mình không phải là một người quá thành công và trước mặt mình còn rất nhiều những vấn đề và khiếm khuyết cần giải quyết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì cứ mỗi lần thay đổi môi trường thì mình đều gặp thất bại. Và mình cũng đã gặp rất nhiều bạn gặp thất bại giống mình. Từ sự đi lên của bản thân thì mình tin vào một điều. Có thể một người đang gặp thất bại của ngày hôm nay nhưng nếu thay đổi cách suy nghĩ, cách làm và nỗ lực đến cùng thì chắc chắn sẽ gặt hái được thành công.

Đấy là lý do mình viết lại những thất bại của mình và chia sẻ cách mình đã vượt qua nó. Hi vọng kinh nghiệm của mình có thể giúp ích được cho ai đó.

Trên đây là câu chuyện của chị Hạnh. Các bạn thấy thế nào ạ? Chắc chắn sẽ giúp bạn nhận ra được nhiều điều trong quá trình tự học tiếng Nhật.

(Nguồn MorningJapan)

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: