Học chửi thề từ dân tộc lịch sự nhất thế giới.

Nói đến chửi thề có thể sẽ có nhiều quan điểm khác nhau. Từ bé bố mẹ hay dặn là không được chửi thề nói tục, thế nhưng theo quan sát mình thấy có rất nhiều người Việt Nam chửi thề như một thói quen, tức lên thì chửi, thậm chí nhiều lúc chửi cho vui, giải stress. Thế là mình cũng bị lây nhiễm luôn cái tật ấy. Đến mức sau này học ngôn ngữ nào, bên cạnh học hành “chính chuyên”, mình cũng có hứng thú tìm hiểu luôn những câu chửi thề của tiếng nước ấy nữa.

Theo quan niệm chung, mọi người sẽ không đánh giá cao việc chửi thề. Ngoài lý do vì bản thân ngôn ngữ dùng để chửi thề mang ý nghĩa xúc phạm, còn vì chửi thề thể hiện sự yếu kém trong việc kiểm soát lời nói. Thế nhưng một nghiên cứu khoa học lại chỉ ra rằng chửi thề giúp giảm stress hiệu quả, không những thế đôi lúc còn có tác dụng giảm đau.

Nói đến nước Nhật, bạn sẽ có ấn tượng về những con người tao nhã, lúc nào cũng cúi đầu khiêm nhường trước người khác. Một dân tộc quá mức lịch sự như vậy liệu có khi nào chửi thề không?

Câu trả lời là có. Và những câu chửi thề trong tiếng Nhật cũng được xếp hạng từ thấp đến cao theo mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, một phần vì văn hóa, việc chửi thề trong tiếng Nhật có vẻ ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Chính vì lý do đó, người Nhật sử dụng chúng cũng rất cẩn thận, phụ thuộc vào ngữ cảnh và đối tượng trong giao tiếp.

Có thể bạn đã biết những từ như Bakayarou, Konoyarou,  tạm dịch là “thằng ngu”, “thằng chó”, hay Chikusho tạm dịch là “chó chết”. Mức độ của những câu chửi này còn rất nhẹ nhàng, bạn có thể sử dụng chúng với bạn bè. Đôi khi Chikusho hay Kusho còn được dịch là “chết tiệt” dùng khi bạn tức giận hoặc trong trường hợp trễ tàu hay ai đó đâm vào bạn trên đường.

Thực tế là người dân Tokyo xưa vẫn thường thêm những từ “chửi” như vậy vào câu nói thường ngày. Nguyên nhân một phần vì bản tính ngại giao tiếp với người lạ, cách này giúp họ cảm thấy thoải mái hơn.

Bên cạnh đó cũng có những từ chửi ở mức độ cao hơn mà bạn cần cân nhắc khi sử dụng nếu không muốn bị đánh giá là người xấu.

Khi muốn chửi ai đó “ngu” bạn sẽ nói như thế nào. Đa phần mọi người sử dụng Baka (ở vùng Tokyo) hoặc Aho (vùng Osaka), vì chúng ta có thể đã nghe hai từ này ở đâu đó trên các chương trình truyền hình Nhật Bản. Thế nhưng có hai từ khác mà có thể bạn chưa biết, đó là Kichigai và Kasu. Hai từ này có tính xúc phạm cao hơn, đặc biệt mang ý nghĩa miệt thị những người tâm thần. Thực tế vẫn có một số bạn trẻ Nhật sử dụng với bạn bè suồng sã, nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy chúng xuất hiện trên TV.

Giống như những loại ngôn ngữ khác, Tiếng Nhật chửi thề cũng có những từ chĩa mũi nhọn công kích trực tiếp vào một giới tính nào đó, đa phần là phụ nữ. Abazure và Yariman là hai từ mang ý nghĩa tương tự như bi*tch (con đĩ) trong tiếng Anh. Đương nhiên để cho công bằng cũng có từ chửi giành riêng cho đàn ông, đó là yarichin (Trong đó chin là trong chinko – bộ phận sinh dục của đàn ông).

Khi bạn thật sự ghét một ai đó, bạn có thể nói với người đó “Shine” (Chết đi) hoặc Jigoku ni ike (đi xuống địa ngục đi). Khi nói như vậy có nghĩa là bạn thật sự căm ghét đối phương và không muốn nhìn thấy người đó nữa. Một cách nói khác nhẹ hơn để chỉ vào những kẻ hèn nhát, thùng rỗng kêu to là Makeinu (nghĩa đen là con chó bại trận). Ở Nhật có câu Makeinu no Tooboe (tiểng sủa từ xa của con chó thua trận), ý nói thua rồi nhưng chỉ dám đứng từ xa chửi bới.

Ở Nhật người ta rất coi trọng vai vế “người trên kẻ dưới”. Do đó, bên cạnh những từ có ý nghĩa xúc phạm rõ ràng, nếu bạn sử dụng từ ngữ không đúng ngữ cảnh, bạn cũng bị xem như đang “chửi thề”, vì thế hết sức cẩn thận nhé.

Cùng xem Clip về cách người Nhật nói về “chửi thề” nhé. Biết đâu bạn sẽ học được một số câu chửi thề thú vị để sử dụng những lúc nổi cáu đấy.

Mình không khuyến khích việc chửi thề một cách “vô tội vạ”. Chửi thề chưa hẳn đã là xấu vì đây là phương pháp giúp bạn giải tỏa nỗi bực tức một cách rất hiệu quả. Với bài viết này, mình hy vọng giúp các bạn hiểu đâu là những câu chửi thề được chấp nhận và đâu là những câu không nên sử dụng, tùy vào hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp.

Sachiko

Tiếng địa phương ; Những điều bạn không được học ở trường

Những câu từ lóng trong tiếng Nhật

Cùng Japo thử sức với những câu nói “lẹo cả lưỡi trong tiếng Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: