Phân biệt hai từ 恋 “Koi” và 愛 “Ai” để biết bạn đang yêu theo kiểu nào?

Bạn nào học tiếng Nhật chắc cũng biết trong tiếng Nhật có những hai chữ Kanji để nói về “tình yêu”. Đó là 恋 : Koi và 愛 : Ai

Tuy gặp hai từ này với tần số lớn, liệu chúng ta đã thật sự hiểu ẩn ý đằng sau? Có bao giờ bạn tự hỏi sự khác nhau giữa hai khái niệm này là gì?

Để biết được câu trả lời, hãy cùng tìm hiểu vào bản chất của chúng thông qua từ Kanji.

Như bạn thấy, cả hai từ Kanji này đều chứa bộ 心 (Bộ Tâm), tuy nhiên lại được đặt ở hai vị trí khác nhau. Đây chính là điểm quan trọng làm nên điều khác biệt.

Đối với từ , bộ Tâm được đặt ở dưới cùng, gọi là Hạ tâm (下心 – したごころ). Mục đích để chỉ vào những hành động với động cơ “không trong sáng”, ích kỷ cá nhân. Bạn có thấy điều này quen không? Đó là bản chất của tình yêu nam nữ.

Tóm lại, Koi là tình cảm chiếm hữu, là sức hút khó hiểu trước một người nào đó, mà bạn muốn biến người đó thành của mình, và chỉ của riêng mình mà thôi. Khi gặp đúng đối tượng, bạn cảm thấy trái tim loạn nhịp, hơi thở cũng gấp gáp hơn, tự nhiên trong bạn sinh ra tâm lý sở hữu và không muốn chia sẻ người này với bất kỳ một ai khác.

Đó là lý do tình yêu nam nữ luôn đi kèm với sự ghen tuông, vì yêu cũng có nghĩa là độc chiếm.

Những từ vựng có chứa 恋 cũng nằm trong trường nghĩa này, ví dụ:

初恋 (Hatsukoi) : Tình đầu

恋文 (Koibumi): Thư tình

恋人 (Koibito): Người yêu

Đương nhiên tình yêu vốn chẳng phải chỉ toàn mật ngọt, đó là thứ độc dược chết người mà dù có đắng đến đâu bạn cũng tự nguyện nuốt. Nhưng chẳng phải nhờ thế mà tình yêu hấp dẫn hơn sao?

失恋 (Shitsuren): Thất tình

悲恋 (Hiren): Tình yêu mù quáng

恋敵 (Koigataki): Tình địch

Vậy còn 愛 ? Nếu Koi là tình yêu nam nữ, Ai là gì?

Khác với Koi, từ tâm được đặt ngay giữa, gọi là Chân Tâm ( 真心 – まごころ). Đó là tình yêu đi kèm với trái tim trong sáng và bao dung, thứ tình cảm cao thượng, vị tha. Nếu Koi nghiêng về khát khao được nhận lại thì Ai sẽ có thiên hướng cho đi.

Để hiểu sâu hơn hãy phân tích vào những từ vựng có chứa 愛 nhé.

Chúng ta có 愛人(Aijin) là người tình.

Nhưng bên cạnh đó ta cũng có 愛犬 (Aiken) – chó cưng.

愛国 (Aikoku)- yêu nước.

愛読 (Aidoku) – Nghiện đọc sách.

愛車 (Aisha) – Cuồng xe, 母性愛 (Boseiai) – Tình mẹ.

Đối tượng của Ai rộng hơn, do đó tình cảm chứa trong từ Ai cũng lớn hơn. Có lẽ vì thế mà Ai thường được đánh giá cao hơn Koi. Nếu Koi chỉ là tình yêu nam nữ thì Ai bao gồm cả tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, yêu trường lớp, thầy cô, bạn bè, yêu những thứ bé nhỏ tồn tại quanh mình.

Nếu Koi đi kèm với lo lắng, bất an, Ai chính là đại diện của sự tĩnh lặng, tự tại trong tâm hồn.

Nếu Koi gắn liền với tự mãn, thì Ai là sự cho đi không tiếc bản thân.

Nếu Koi là một kẻ ồn ào, thích gây ấn tượng thì Ai lại là người trầm mặc.

Và quan trọng nhất…

Trong từ Koi, bạn có thể chết vì người này. Nhưng với Ai, bạn sẽ vì người này mà tiếp tục sống.

Tất nhiên bạn không cần phải tách hai từ này ra, đó là lý do trong tiếng Nhật có tồn tại từ kết hợp giữa Koi và Ai, chính là  恋愛 (Renai): Tình yêu.

Để được gọi là Renai, đó hẳn phải là một tình cảm chân chính, muốn sở hữu nhưng lại không nỡ độc chiếm, coi hạnh phúc của người đó còn cao hơn cả hạnh phúc của bản thân và chỉ toàn tâm toàn ý giành trọn tấm chân tình cho người ấy mà thôi. Bạn có dám nhận tình yêu của mình là Renai không?

Sachiko

Bạn có chắc mình viết đã đúng chữ So trong bảng Hiragana?

Trái nghĩa với cao là thấp, với gầy là béo, vậy từ trái nghĩa của Cảm ơn là gì?

Khái niệm ngược ngạo về phương hướng làm hoang mang người học tiếng Nhật

 

 

 

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: