“Quá nhanh quá nguy hiểm” – Vì sao người Nhật nói chuyện như đọc Rap?
Học Tiếng Nhật rất khó. Đây là câu nói đã chẳng có gì xa lạ với những người học ngôn ngữ. Mọi người yêu mến văn hóa và con người Nhật Bản nhưng lại ngại bắt đầu với Tiếng Nhật – một trong những ngôn ngữ được xếp vào hàng “khó” nhất thế giới.
Tiếng Nhật khó vì đâu? Có rất nhiều yếu tố khiến chúng ta tránh xa Tiếng Nhật. Bên cạnh bảng chữ cái phức tạp cùng mớ ngữ pháp dài như “sớ”, còn một yếu tố nữa, đó là tốc độ nói tiếng Nhật.
Đã nghe người Nhật trò chuyện, chắc ai cũng từng phát hoảng với khả năng bắn Rap thần thánh của họ. Dù rằng người Nhật đang nói với tốc độ bình thường, ta vẫn cảm thấy nhanh đến chóng mặt. Đó là lý do dù có giỏi lý thuyết đến bao nhiêu, chưa chắc đã hiểu được những gì người Nhật nói.
Nói chuyện đã nhanh như vậy, không biết khi họ thực sự Rap sẽ như thế nào nhỉ?
Bạn có nghe được gì không?
Để giải thích đặc điểm độc đáo này của Tiếng Nhật, hãy cùng xét các yếu tố sau:
1. Số âm tiết trung bình trên giây
Trong khi Tiếng Việt có số âm tiết vào khoảng 5,22 âm/giây thì tiếng Nhật là 7,84 âm/giây. Chỉ số này ở tiếng Anh là 6,19 âm/giây còn tiếng Tây Ban Nha – một trong những ngôn ngữ tốc độ cao trên thế giới vẫn thấp hơn tiếng Nhật, khoảng 7,82 âm/giây.
Thông qua chỉ số này, bạn có thể cảm nhận được độ “nhanh và nguy hiểm” của người Nhật khi nói chuyện, so với người Việt Nam.
2. Mật độ thông tin
Tại sao cần phải nói nhanh như vậy? Tất nhiên đó không chỉ đơn thuần là vấn đề của thói quen. Hãy cùng tìm hiểu vào chỉ số tiếp theo, mật độ thông tin.
Mật độ thông tin đánh giá khả năng truyền đạt so với số âm tiết được phát ra. Hiểu đơn giản là, với lượng âm thanh phát ra, bạn đã diễn đạt được bao nhiêu phần trăm điều cần nói.
Nếu tỉ lệ này ở Tiếng Việt khá hoàn hảo 1,00 thì ở tiếng Nhật chỉ còn 0,49. Điều này có nghĩa là để diễn đạt cùng một câu nói, một ý nghĩa, trong khi người Việt chỉ cần nói 3 âm, người Nhật phải dùng gấp đôi số âm tiết.
Đó là lý do vì sao một câu tiếng Nhật dài ngoằng, khi dịch ra tiếng Việt chỉ còn 1 câu ngắn ngủn.
Ví dụ khi dịch động từ 食べます (Tabemasu) sang tiếng Việt, chỉ cần nói “Ăn” là đủ.
Chính vì phải nói dài dòng hơn để diễn đạt đủ thông tin, người Nhật phải nói nhanh hơn để tiết kiệm thời gian rồi.
Phương pháp luyện phản xạ
Chính vì lý do này mà người Việt gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp Tiếng Nhật, vì họ đã quen với kiểu diễn đạt ngắn gọn nhưng đủ ý.
Do đó muốn học tốt Tiếng Nhật, bạn phải cải thiện tốc độ đọc Tiếng Nhật của mình. Khi não bạn đã làm quen được với tốc độ nói chuyện của người Nhật, bạn sẽ có thể dần mường tượng, tổng hợp được ý nghĩa câu nói của họ. Từ đó việc nghe hiểu tiếng Nhật sẽ được cải thiện đáng kể đấy.
Một số người Việt sau khi học tiếng Nhật một thời gian sẽ nói nhanh hơn bình thường, kể cả khi nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn có cảm thấy vậy không? Nói không chừng, bạn có thể trở thành một Rapper tài năng nhờ theo đuổi đến cùng ngôn ngữ khó nhằn này đấy.
Sachiko