Kanji không chỉ đáng sợ vì khó, mà đằng sau nó còn chứa những câu chuyện gây ám ảnh
Nỗi ám ảnh của những người học tiếng Nhật chính là Kanji. Nét chữ vừa ngoằn nghèo, lắm bộ nhiều nét, chưa kể lại có nhiều cách đọc.
Ảnh Latt
Rất xin lỗi nếu những thông tin sau đây làm nản lòng các bạn học tiếng Nhật, nhưng bản thân Kanji không chỉ đáng sợ vì nó khó, mà bởi ý nghĩa mờ ám đằng sau.
Những từ Kanji vỡ lòng mà các bạn học tiếng Nhật nào cũng biết như 道 (Đạo) hay 取 (Thủ) sẽ khiến bạn phải rùng mình nếu nghe những phân tích này. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Ví dụ:
Từ 道 (Đạo) được sử dụng rất nhiều trong Thư pháp, đồng thời cũng là một trong những từ Kanji phổ biến nhất trong tiếng Nhật. Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao bên trong nó lại có 首 (Kubi) – Cái cổ không?
Ảnh Latte
Thật ra, từ Kanji này được sáng tạo theo hình dạng cánh tay đang xách một cái đầu (đương nhiên là đầu đã lìa khỏi xác).
Vào thời cổ đại, tại những vùng đất hoang vắng, nơi không có người sinh sống, người Nhật tin rằng ở đó có các vong hồn lưu lạc. Chúng đem đến sự thất vọng và ám lời nguyền lên vùng đất đó, đến mức cây cỏ khô cằn, đất đai già cỗi. Thế nhưng nếu dâng hiến một cái đầu vừa bị chặt, những vong hồn ấy sẽ bị thanh trừng và trở lại địa ngục, khi ấy loài người mới có thể đến phát quang, mở đất, làm đường.
Ảnh おうまがタイムズ
Lỗ Tấn cũng có câu “Trên mặt đất này vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đó thôi”, chính sự sống, con người sinh ra những con đường, mà để có sự sống cần đến thủ cấp của một ai đó. Vì thế người Nhật tưởng tượng cái đầu như ánh đèn soi rọi cho con đường mở lối để xây dựng cuộc sống.
Một triết lý có hơi kinh dị từ chữ Kanji 道 (Đạo) phải không?
Chưa hết, bây giờ hãy phân tích từ 取 (Thủ), Kunyomi là Toru và Onyomi là Shu, có nghĩa là nắm, bắt cái gì đó. Từ Kanji này rất đơn giản và được sử dụng rất nhiều trong tiếng Nhật.
Tuy nhiên nếu đem ra mổ xẻ, từ này có thể khiến bạn rùng mình. Ở bên trái, bạn có thể thấy một cái tai 耳(Mimi) nhưng bạn có biết bên phải của từ này là gì không? 又 đọc là Yuu (Onyomi) và Mata (Kunyomi) có nghĩa là tay.
Ảnh ria.ru (ảnh minh họa)
Vào thời cổ đại ở Trung Quốc, những người lính sẽ cắt tai của quân thù để đếm bao nhiêu người mà họ đã giết, nhằm tính toán thương vong của kẻ địch. Từ Kanji 取 (Thủ) có nghĩa đen là hành động “xách tai kẻ địch bằng tay” như một dạng chiến lợi phẩm. Nghe có phần độc ác phải không?
Còn rất nhiều từ khác nữa mà nếu tìm hiểu vào sâu xa gốc gác của chúng, bạn sẽ hoảng hốt vì nghĩa gốc quá kinh khủng trong khi ý nghĩa chúng ta thường biết đến hiện nay vô cùng bình thường.
Thế mới nói, nếu không thực sự đam mê, chúng ta chỉ cần biết thôi, đừng biết nhiều quá. Học Kanji cũng vậy, hãy cứ bỏ qua nghĩa gốc mà tưởng tượng ra hình ảnh, ý nghĩa theo cách chúng ta muốn hiểu, như vậy sẽ dễ vào đầu hơn đấy mọi người ạ.
Hy vọng các bạn có thể vượt qua nỗi ám ảnh Kanji vào 1 ngày không xa.
Almond
Almond