“Khẩu ngữ” tiếng Nhật cực thú vị trong đời sống hằng ngày

Để trở nên thành thạo ngôn ngữ và hiểu rõ hơn cách sống, lối suy nghĩ của một dân tộc, ngoài việc học trong sách giáo khoa, ta cũng nên chú ý những lối nói thông thường hay còn gọi là khẩu ngữ. Bởi nó thể hiện rõ nhất lối liên tưởng, so sánh và ẩn dụ trong cách nghĩ của dân tộc đó.

Lại càng khó nắm bắt hơn đó là cách nghĩ của người Nhật, một dân tộc trên hòn đảo xa cách và không giao lưu văn hóa với các dân tộc khác suốt hàng ngàn năm liền. Trong bài viết hôm nay, xin giới thiệu những lối nói thú vị ấy đến các độc giả của JAPO.

ずるい (zurui)


Zurui (với hán tự Giảo hay Xảo – 狡 trong gian giảo, giảo hoạt, xảo trá) nghĩa là ranh mãnh, quỷ quyệt hoặc là láu cá. Rõ ràng từ này không mang ý nghĩa tốt nhưng đôi khi bạn bè thân thiết vẫn dùng để chọc ghẹo nhau. Đây là câu cửa miệng của người Nhật, chẳng hạn như ai đó gian lận trong thi cử mà được điểm cao, chính trị gia lừa dối dân để làm việc bất chính, chơi ăn gian,…thì tất cả đều có thể dán nhãn “ Zurui”.

焼きもち (yakimochi)


Yakimochi luôn được người Nhật hiểu theo nghĩa bóng đó là ghen tức, ghen tỵ hay “GATO” với một ai đó chứ không phải là bánh giầy nướng đâu.

Lý do tại sao người Nhật lại dùng từ bánh giầy nướng để chỉ sự ghen tức thì có hai giả thuyết: giả thuyết đầu tiên là nó đến từ một sự chơi chữ 妬く気持ち (yaku-kimochi – cảm giác ghen tức) rồi dần dần người ta chỉ đọc gọn còn là yakimochi mà chữ yakimochi cũng trùng âm với bánh giầy nướng, và chiếc bánh ấy được chọn luôn làm hình ảnh ví von cho sự ghen tức được dùng mãi đến ngày nay.

Giả thuyết thứ hai là mặt những người đang ghen tức thì luôn sưng sỉa và nom nó như một cái bánh giầy đang phồng lên khi bị người ta nướng.

サバ読み(sabayomi)


Saba trong sabayomi nghĩa là “cá thu” và yomi là “đọc” hoặc “nói”. Vậy theo các bạn, từ này có ý ám chỉ điều gì?
Ngày xưa ở Nhật, cá thu được đánh bắt với số lượng lớn từ tỉnh Fukui rồi ướp muối và phải thật nhanh chóng chở đến Kyoto để bán ngay lập tức vì cá thu là một loại cá rất chóng bị ươn.

Và chính vì vậy, những con cá từ ngày hôm trước hoặc cá không được tươi cũng phải nói là cá mới đánh bắt trong ngày để có thể bán được. Đôi lúc trong quá trình vận chuyển, con cá bị dập hoặc không tươi thì người bán cũng nói là tươi để dối người mua. Kể từ đó, những việc nói dối có liên quan đến tính chất hoặc thời hạn, độ tuổi, chiều cao, cân nặng, số đo ba vòng thì được gọi là sabayomi.

Khi bạn nói dối tuổi mình cao hơn tuổi thật, thì đó là sabayomi (サバ読み)
Khi bạn nói tuổi mình ít hơn tuổi thật, thì đó là gyaku-saba (逆サバ)

ぼったくり(bottakuri)


Hãy tưởng tượng bạn bước vào một quán bar, vừa ngồi xuống đã có các cô gái xinh đẹp đến ngồi bên để nói chuyện, uống rượu và chúc tụng. Bạn gọi một ly whisky và vài ly nước ép cho các cô gái rồi bắt đầu nói chuyện trong chừng nửa tiếng.

Với vài triệu đồng trong ví, bạn nghĩ mình dư sức thanh toán bữa rượu này nhưng khi hóa đơn được mang đến, nó gấp năm lần con số bạn đã nghĩ.
Đúng, bạn đã bị “chém”.
Bottakuri trong tiếng Nhật là bán với giá cắt cổ hay còn gọi là bị “chém đẹp”
Và quán bar như đã miêu tả ở trên nó được gọi là bottakuri bar (ぼったくりバー)

Ngoài ra còn có ぼったくりタクシー (taxi chém đẹp), ぼったくり居酒屋 (quán nhậu cắt cổ). Đáng buồn là hiện nay khi các bạn tìm kiếm từ khóa bottakuri trên Google, có rất nhiều hình ảnh đến từ Việt Nam, thậm chí còn được quay phóng sự và phát sóng trên truyền hình Nhật Bản.

空っぽ (karappo)
Karappo nghĩa là rỗng hoặc cạn.

Khi bạn hết tiền mà ai đó rủ bạn đi ăn hoặc bia trong cốc đã cạn thì tình trạng đó gọi là Karappo. Thậm chí khi trong đầu không có chữ nào trước kỳ thi hay để ám chỉ người ngốc nghếch, non nớt, không thạo đời cũng gọi là karappo.

店を冷やかす (mise wo hiyakasu)

Mise là cửa hàng, còn hiyakasu có hai nghĩa: ban đầu nó chỉ mang nghĩa là làm lạnh, làm mát và bây giờ có thêm một nghĩa khác là bỡn cợt, chọc ghẹo. Thêm một phép ẩn dụ khác khá mơ hồ và khó nắm bắt nếu bạn gặp nó lần đầu.

Và điều này là điều mà trong số các bạn ai cũng đã từng làm. Dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè, một trung tâm thương mại với điều hòa mát lạnh là cứu tinh. Một cách không do dự, bạn ghé vào một lát cho mát và đồng thời để giết thời gian, bạn bắt đầu đi quanh để tham quan. Đến cửa hàng nào cũng nghía qua một tí, hỏi giá những món hàng nhưng rõ ràng mục đích của bạn ghé vào là để hưởng máy lạnh và không mua gì cả, đó chính là Mise wo Hiyakasu (chỉ xem mà không mua gì cả).

Giải thích cho mối liên hệ giữa ý nghĩa “làm mát” mà sau này lại thêm nghĩa “trêu ghẹo” của từ hiyakasu thì vào thời Edo, nghề làm giấy cổ truyền Kamisuki có một công đoạn người thợ phải làm lạnh giấy bằng cách ngâm vào nước trong một quãng thời gian.

Thế là trong lúc thời gian chờ, những người thợ tranh thủ ghé qua phố làng chơi nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Yoshiwara để “ghẹo gái” chứ tuyệt nhiên không hề có ý nán lại hay mua bán gì. Chính vì vậy từ đó xuất hiện mối liên quan giữa hai ý nghĩa hiện nay của từ Hiyakasu.

Nghệ thuật làm giấy Kamisuki

Các cụm từ khác:

鼻をかむ(hana wo kamu): Kamu nghĩa là cắn, cắn cái mũi là xì mũi vì khi ta đưa hai tay lên để xì mũi, nó giống như hai tay đang cắn lấy.

肌で感じる (hada de kanjiru): Cảm nhận bằng da nghĩa là trải nghiệm thực tế một điều gì đó.

チンする(chin-suru): Chin-suru nghĩa là làm nóng đồ ăn bằng lò vi sóng, vì khi hết thời gian làm nóng, lò vi sóng phát ra tiếng “Chin”.

ググる(guguru): phiên âm tiếng Nhật của Google là guguru, thế là người Nhật biến luôn từ guguru từ danh từ thành động từ nghĩa là Google (cái gì đó) đi.

お茶する(=喫茶店する)Tương tự như guguru hay chin-suru, ocha-suru hay kissaten-suru cũng là động từ hóa danh từ bằng cách gắn đuôi suru vào để chỉ việc đi café với nhau, tương tự như “Đi café không?”hay “Đi trà sữa không?” trong tiếng Việt.

二枚舌を使う (nimaijita wo tsukau): nimaijita là hai lưỡi, dùng hai lưỡi ám chỉ việc lập lờ, nói nước đôi không rõ ràng, hoặc úp úp mở mở.

財布が寒い(saifu ga samui): ví của bạn lạnh vì trong đó không có tiền để sưởi ấm nó, ngôn ngữ dân gian ta hay gọi là viêm màng túi.

Quốc Bảo

Trong rừng từ tiếng Nhật gây”lú lẫn”, bạn đã biết cách gọi “vợ người ta” chính xác ?

Một người Nhật cảm thấy xấu hổ khi hiểu ra lý do vì sao người bạn Mỹ của mình lại học tiếng Nhật chứ không phải học tiếng Trung

Tuyển tập những ngôn ngữ trên thế giới giống tiếng Nhật đến không ngờ

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: